Covid và kinh tế Việt Nam: Khi ‘giai cấp tiên phong’ bỏ chạy

Link Video: https://youtu.be/nP2KKQJhQ5w

Dịch này có mở cửa thì nước ngoài cũng chẳng ai đến do phần lo sợ truyền thông bơm thổi dịch, phần kinh tế các nước phát triển âm bấy lâu nay làm người dân mất khả năng chi tiêu, ngành du lịch xem như bại liệt, ngành hàng không thì kiệt quệ đa phần sống nhờ thở Oxy, tức chỉ nằm thở và chi tiền ra chứ không có thu nhập được đồng nào, doanh nghiệp càng lớn càng lỗ nặng.

Hôm 13-7, báo VNExpress cho biết Vietnam Airlines đang xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng với thực tế là dòng tiền đang thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành tiết lộ con số lỗ ròng đang là 13.000 tỷ đồng.

VTV News cũng cho biết, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đến nay là 36.000 tỷ đồng, trong đó riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.

Các ngành sản xuất điện tử và may mặc cũng đang điêu đứng vì buộc phải hủy hoặc xin kéo dài thời hạn giao hàng vì chính sách ba tại chỗ của chính phủ kéo dài 3-4 tháng nay. Nguy cơ FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) sẽ ồ ạt rút khỏi Việt nam là rất lớn.

Mặc dù chưa chuyển nhà máy khỏi Việt nam, nhưng Nike đã “chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác” để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ sản xuất.

Tuần trước, CNN, New York Times, Reuters đều dẫn nguồn tin từ đại diện các nhãn hiệu giày dép, quần áo lớn như Nike, Addidas, Under Armour, PacSun… cho biết về tình trạng đóng cửa các nhà máy kéo dài tại Việt Nam trong những tháng qua đã gây tác động nặng nề lên nguồn cung hàng hoá của họ, khiến các tập đoàn này phải tính toán đến phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.

Giám đốc tài chính Matthew Friend của Nike cho biết một nửa số nhà máy sản xuất quần áo của Nike tại Việt Nam hiện đã đóng cửa. Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), 88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bắt đầu từ tháng 4 ở Việt Nam.

Tuy nhiên, CNN dẫn dự báo của các chuyên gia và đại diện của tập đoàn Nike, PacSon… cho rằng Việt Nam sẽ phải mất từ 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động trở lại bình thường.

Và khi quay trở lại, các nhà máy lại phải đối diện với một thách thức tiếp theo là làm sao để thu hút trở lại đủ số lượng nhân công để phục vụ sản xuất, sau cuộc di cư của hàng triệu công nhân khỏi các trung tâm sản xuất lớn.

Ảnh: gánh nợ vài chục nghìn tỷ của riêng ngành hàng không Việt nam cũng đủ thấy chóng mặt. Trong khi đó mới đây Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận ngân sách chính phủ thu năm 2020 được 130 ngàn tỷ đã cạn kiệt, cần phải sử dụng nguồn tiết kiệm chi là 14 ngàn tỷ

Ngày 4/10, trong dịp ông Kushida Fumio được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện văn chúc mừng, đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida Fumio, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc.”

Văn từ không nhắc tới lý do vì sao ông Fumio lại trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản, nhưng ai cũng biết rằng, lý do chính là người tiền nhiệm Yoshihide Suga đã phải ra đi vì thất bại trong nỗ lực chống nạn dịch Covid-19.

Trông người lại ngẫm đến ta.” Không rõ Thủ tướng Phạm Minh Chính hay lãnh đạo nào khác có dám noi gương của ông Suga vì khả năng phục hồi của Việt Nam trong nạn dịch Covid-19 bị đánh giá là tệ vào hàng nhất thế giới (theo một xếp hạng của Nikkei Asia Review) sau nhiều tháng dùng những biện pháp được xem là hà khắc nhất.

Cũng chính phủ hiện nay ở Việt Nam đặt ra chính sách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu địa phương “nếu để xảy ra dịch bệnh“, nhưng Trung ương thì có trách nhiệm gì không?

Người lao động chịu hậu quả của chính sách

Dịch Covid xảy ra ở trên toàn thế giới và người dân mọi nơi đều gặp khó khăn, nhưng xem ra người lao động Việt Nam đã và đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của những chính sách chống dịch mà Nhà nước ban hành.

Trong thảm kịch dịch Covid-19 thì ngày 1/10 đánh dấu một cột mốc mới, minh chứng sự thất bại của chính sách hỗ trợ nửa vời của chính phủ.

Chính sách hỗ trợ này hoặc không đủ, hoặc không đến tay người dân để có thể giữ chân những người lao động ở lại thành phố, ở lại xí nghiệp.

Khi lệnh giãn cách xã hội được dần gỡ bỏ ở TP HCM vào ngày 1/10 người ta thấy hàng trăm ngàn người lao động lại lên đường tìm cách rời bỏ các khu công nghiệp quanh Sài Gòn.

Nếu họ may mắn được nằm trong diện đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp thì số tiền cứu trợ ít ỏi mà họ nhận được không đủ để trang trải cuộc sống.

Vì không còn tiền tiết kiệm, không có thực phẩm ăn mỗi ngày và cũng không kham nổi tiền thuê phòng trọ sau nhiều tháng thất nghiệp, bị giam lỏng tại nhà, thì “về quê” đối với họ là chọn lựa “chẳng đặng đừng“.

Một tầng lớp vô sản bần cùng gồm nhiều triệu người đã thực sự thành hình.

Ta hãy xem chính sách bất nhất “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của nhà nước làm tình trạng thêm rối rắm ra sao.

Ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải ký công điện gửi các tỉnh phía Nam yêu cầu kiểm soát và phục vụ tốt người dân có nhu cầu về quê.

Thế nhưng, tỉnh An Giang, sau cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh Ủy vào tối cùng ngày, giữ vững quan điểm là không tiếp nhận người về quê theo đường “tự phát“.

Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng còn có nơi dịch diễn biến phức tạp và các khu tiếp nhận cách ly tập trung đã đầy.

Điều này đã đặt An Giang vào tình thế là không thể tiếp nhận người dân về trong thời gian tới,” ông được báo Lao Động dẫn lời.

Ngày 5/10 cũng ông Nguyễn Thanh Bình lại nói ngược lại là thông tin “An Giang cấm cửa, không cho công dân về quê” là do các thế lực thù địch xuyên tạc.

Tại tỉnh Sóc Trăng, số người trở về lên tới trên 24.000 người trong vài ngày, vượt quá khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

Ngày 3/10, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị phải siết chặt kiểm soát, không để người dân tự ý ra khỏi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trong thời gian 15 ngày để các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có thì giờ sửa soạn, tổ chức.

Ảnh: ban đầu là hàng ngàn người lao động đào thoát khỏi TpHCM về miền Tây trốn dịch hôm 1-10, tới nay dự báo đã có vài triệu người ra đi khỏi khu tam giác kim cương TpHCM, Bình dương, Đồng nai

Thế là sau phản ứng của các tỉnh, Thủ tướng lại ra lệnh kiểm soát chặt người ra vào các tỉnh thành, cố gắng vận động tuyên truyền để giữ chân người lao động ở lại, theo trang Người Lao Động.

Gần đây nhất, Thủ tướng Việt Nam lại nói quyền về quê là chính đáng và yêu cầu các tỉnh thành “trợ giúp người dân về quê“.

Sự lúng túng trong cách đối phó với tình huống dịch bệnh trong các cấp nhà nước đã thật sự rõ nét.

Những ai phải gánh chịu hậu quả của những chính sách bất nhất ấy? Đó không những là hàng triệu người công nhân cùng khổ mà cả các doanh nghiệp cũng khốn đốn.

Vậy những người bị cấm đi là ai?

Họ là giai cấp công nhân, “lực lượng tiên phong của cách mạng, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH“, theo trích dẫn một bài báo chính thống với nội dung sáo rỗng ca tụng người công nhân như trăm ngàn bài báo khác của nhà nước.

Thế nhưng, coi vậy mà không phải vậy. Nhà nước không hề coi trọng vị thế người lao động trong các chính sách.

Bằng chứng là trong văn bản 3355QĐ/BYT của bộ Y tế ký vào tháng 7.2021 về 16 đối tượng ưu tiên được chích ngừa Covid-19 thì người lao động tại các xí nghiệp được xếp hạng 13, người lao động tự do xếp hạng 15.

Ảnh: hôm 7-10, khi dòng người về quê đã giảm hẳn thì Thủ tướng mới ra công điện yêu cầu các tỉnh thành đón người dân về quê

Trong khi đó quân đội, công an bảo vệ chế độ được xếp ưu tiên 3, 4, chỉ sau lực lượng y tế, chống dịch.

Giai cấp công nhân rơi vào cảnh khốn cùng

Các chính sách kinh tế chỉ chú trọng tới việc hấp dẫn giới đầu tư, đã ấn định mức lương tối thiểu cực thấp so với mặt bằng cuộc sống.

Chính sách này buộc người công nhân phải làm tăng ca thường xuyên, đầu tắt mặt tối, phải sống trong những điều kiện tạm bợ.

Đó không phải là chính sách đãi ngộ xứng đáng cho giai cấp công nhân “tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chế độ Chủ nghĩa Xã hội“.

Tính ưu việt” của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước vẫn nói nay nằm ở đâu?

Niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bị động, xoay như chóng chóng và trái ngược nhau từ trung ương tới địa phương có còn không?

Người công nhân Việt Nam, thường ngày được bộ máy tuyên truyền đề cao là “giai cấp lãnh đạo, là lực lượng sản xuất cơ bản của nền công nghiệp hiện đại“, nay phải bỏ xí nghiệp chạy trở về thôn quê. Những nhà máy không có công nhân vận hành thì “nền công nghiệp hiện đại” sắp đi về đâu?

Không cần phải là nhà tiên tri, ta cũng có thể hình dung được tương lai ảm đạm của một nền kinh tế mong manh, chủ yếu dựa trên sức lao động bán rẻ của người dân từ vùng quê.

Cùng với nền kinh tế đang bị xáo trộn, tương lai đất nước sắp tới đang bị đặt trước các câu hỏi rất lớn.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’

>>> “Vinh quang thuộc về Đảng cộng sản”, đau thương trút lên đầu dân!

>>> Công nhân đến đường cùng thì phải về quê!

Việt Nam: Cà mau giết 15 con chó – chấn động dư luận quốc tế


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT