Link Video: https://youtu.be/FKe7Trtm-cA
Không chỉ tháo chạy về miền Tây, Tây nguyên, dòng người lao động còn đang tiếp tục hành trình 2000km về đến tận Lào Cai, Sơn La, báo chí trong nước vẫn tiếp tục mô tả hàng vạn người đang trốn chạy từ TpHCM về quê ở khắp mọi miền đất nước.
Những hình ảnh người dân đội mưa gió nghiêng ngả trên đỉnh đèo Hải Vân khiến bao người xúc động.
“Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của cặp vợ chồng này, phải bế theo đứa con mới 2 tháng tuổi, di chuyển quãng đường 2.500 km trên xe máy từ Sài Gòn về Điện Biên. Đúng là Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay.” FB Phạm Bắc thốt lên cay đắng.
“Ở đỉnh đèo Hải Vân lúc rạng sáng, trời mưa, nhiệt độ xuống thấp, từng cơn gió thổi buốt khiến người ta lạnh thấu xương. Run rẩy bưng bát súp nóng vừa nhận tiếp viện, với chiếc muỗng nhựa yếu ớt, người mẹ trẻ Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) cố ăn vài miếng để có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú, sau chặng đường từ tỉnh Bình Dương về.”
Vừ Thị Giống kể bằng tiếng Kinh chưa tròn, rằng cách đây 2 tháng, ngày cô sinh con ở tỉnh Bình Dương, diễn biến dịch bệnh rất căng thẳng. Cô đã tự sinh đứa con trai ở ngoài lề đường mà không có bác sỹ, y tá trợ giúp.
Sau khi sinh, người chồng chở cô về phòng trọ và sống lay lắt qua ngày. Vợ chồng trẻ cùng đứa con đỏ hỏn vừa lọt lòng mẹ chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cha có thể đi làm, mua sữa cho đứa trẻ sơ sinh.
“Chồng chở em đi sinh nhưng bệnh viện mắc dịch bệnh, người ta làm thủ tục lâu quá… Lúc chờ đợi ngoài vỉa hè, em đã tự sinh con luôn. Chồng hoảng hốt chở em và con về trọ, vì lúc đó dịch bệnh không ai giúp được hết. Sau đó, may có chị hàng xóm ở dãy trọ chăm sóc giúp”, Vừ Thị Giống nghẹn ngào kể.
Đó là tường thuật của báo Thanh Niên, báo chính thống do nhà nước quản lý chứ không phải báo “lề trái”.
Các bạn hãy đặt mình vào vị trí của người mẹ trẻ, 22 tuổi, bế theo đứa trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, vượt cả chặng đường từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi về tận Điện Biên, với quãng đường dài 2,500km, sương lạnh, gió mưa. Thật khủng khiếp.
Báo chí nhà nước suốt thời gian qua đã có rất nhiều bài mô tả cảnh khốn cùng của dòng người di cư khỏi Sài Gòn, cuộc di cư tưởng như chỉ xảy ra ở Sài Gòn năm 1975 khi người dân Sài gòn đi “tị nạn cộng sản”, nào ngờ thảm cảnh này đang lặp lại, với quy mô và mức độ thế nào?
Hãy nhìn những hình ảnh này để nhớ những gì đang xảy ra: Dân đang đóng thuế nuôi ai?
Báo Thanh niên tường thuật rằng:
“Trong tiếng động cơ khởi động ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khiến cả đoàn xe máy sắp xuất phát phải dừng lại. Đứa trẻ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa. Bà mẹ trẻ bồng con sơ sinh lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.
Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.
Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài. Khoảng 10 phút sau, cháu bé đã khóc lớn khi không thấy mẹ đâu, xung quanh chỉ toàn người mặc đồ bảo hộ y tế.
Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì đứa trẻ đã lịm…
Ôm được con gái chưa đầy 3 tuổi trong lòng, đút cho bé từng muỗng súp nóng, người mẹ kể: “Vợ chồng em chạy từ Bình Phước về, trên đường gặp nhiều khó khăn, lúc nãy tưởng đã mất con… May mắn các bác sĩ đã cứu giúp cháu”.
Chúng ta không biết có bao nhiêu mảnh đời như thế phải rong ruổi về quê! Và cũng không thể nghĩ rằng ở những nơi được xem là miền đất hứa lại có nhiều người cùng cực như vậy…”
Quá xót xa trước cảnh cơ cực của người dòng người di chuyển trong cơn mưa xối xả trên đèo Hải vân, rất nhiều người ngỏ ý tại sao chính quyền không cho phép dân đi qua hầm Hải vân để an toàn, tránh mưa gió mà đoạn đường chỉ mất 6,2km, trong khi vượt đèo dốc cao, mưa gió nặng hạt, quá nguy hiểm lại dài đến 21km.
Theo thông tin từ nhà báo Hà Phan thì đó cũng là đề xuất của CSGT Đà nẵng mong chính quyền cho dân đi qua đường hầm, tuy nhiên chưa thấy giới lãnh đạo có phải ứng gì.
Hành trang mang theo…
Dòng người tháo chạy từ Tp. HCM là điều không thể hình dung trước khi mở cửa. Họ chạy bằng cả xe máy và thậm chí là đi bộ. Không thể tưởng tượng ra có những người đi bộ từ Bình Dương về Hà Giang…
Hành trang của họ là gì? Là cả bu gà, cái chổi, là những cái mắc áo, quạt điện…tức là họ đã chất lên xe, lên vai những thứ không có nhiều giá trị, thường ta sẽ bỏ lại cho hành trình hàng nghìn km. Và cũng không tin nổi có những cái xe máy đã cà tàng đến mức ấy vẫn còn được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày chưa kể nó đang được làm phương tiện cho chuyến hành hương hàng ngàn cây số của cả một gia đình…
Thế có nghĩa là họ rất, rất nghèo…Và cuộc tháo chạy này chưa hẹn ngày trở lại…
Sao người dân – giai cấp công nhân VN – lực lượng “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” lại khổ đến mức này ?! FB Phan Ngọc Minh bộc lộ cảm xúc của mình khi xem loạt hình ảnh về dòng người dân tháo chạy khỏi TpHCM những ngày qua.
Trên FB cá nhân, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ viết bài bình luận mang tựa đề “Trên Hải Vân Quan”, nội dung như sau:
“Một đoàn xe bán tải đợi sẵn ở Hải Vân Quan để đợi đoàn người thiên di từ Nam về Bắc, người lớn tuổi, hay xe có trẻ em sẽ được ưu tiên chuyển cả người và xe qua đèo.
Một chốt phát đồ ăn và xăng 0 đồng đợi suốt ngày đêm ngay cửa ngõ Hải Lăng để tiếp sức cho đoàn người về… tất cả, vẫn là Dân.
Những ngày qua có tới 9 vạn người tháo chạy về quê hương từ vùng tam giác kim cương nhưng chẳng ai thấy các cấp lãnh đạo cúi đầu xuống để nhìn xem Dân thống khổ thế nào.
Nhà nước họ có đầy đủ cả tất cả mọi phương tiện di tản nhưng đâu có đoái hoài, từng đoàn người đạp xe hàng ngàn cây số, từng đoàn người đi bộ hàng trăm cây cũng như một cơn gió lướt qua mắt các vị. Mà cũng đúng, nếu họ thật sự nghĩ tới Dân dù chỉ một lần thì đâu có những thảm cảnh này xảy ra, đâu có chuyện những cửa hàng 0 đồng mọc lên.
Không giúp nhưng họ đang làm việc gì khi ăn thuế của Dân?
À, Thừa Thiên Huế thì đe dọa ai về sẽ phạt tất tay. Còn trong Bình Dương mấy hôm nay họ bận xử lý ai lên mạng lập đoàn về quê.
Chỉ vì những người đồng hương nhắn gọi nhau cùng về quê mà bị Công an gán cho cái danh “đối tượng”. Những con người gần đến tìn trạng hấp hối đi tìm sự sống bị gán cho là hành vi kích động?
Những hình ảnh chân thật chỉ có Dân giúp Dân những ngày qua thật đẹp nhưng buồn, buồn tới nao lòng.
Đẹp là vì không có mùi “diễn xuất”, không giơ tay “quyết thắng”, không ngôn ngữ “truyền thông”, không hô hào “vĩ đại” không màu hồng “quang vinh ngạo nghễ”, nó thật tới tận cùng bản chất sự việc nên đã chạm đến trái tim mỗi người.
Nhưng Buồn, vì nó phản ánh không gì trần trụi hơn là sự bất tài của một thể chế vô dụng, một hệ thống chính trị vô nhân, tham lam, tàn nhẫn với chính đồng bào mình.
Quan chức chẳng bao giờ cúi đầu nhìn đến người Dân một lần để ra quyết sách nhân đạo. Cứ mỗi nghị quyết ban ra hay thay đổi chính sách là một lần Dân tháo chạy, vậy là vì Dân hay vì chính bản thân các vị quan chức?
Dịch dã trên toàn thế giới suốt hai năm nay, tất cả các dân tộc trên địa cầu phải gánh chịu. Nhưng chẳng biết có nơi đâu khổ hơn dân nước Việt? Chẳng biết nơi đâu Dân lại lầm than như thế kia? Hôm nay họ quyết ra đi, những giọt nước mắt và dư chấn suốt 4 tháng qua đủ để họ có động lực hồi hương, trong tâm thế “đầu không ngoảnh lại”, lỗi này ai kích động?
Nhìn trên Hải Vân Quan mưa giăng khắp lối, trắng xoá như một bức tranh đầy nét chấm phá, hoạ lên một thảm cảnh buồn vô tận cả không gian và thời gian, như nói lên nỗi lòng của từng người đang đầy bão tố.
Dân bế tắc, hoang mang, đoạn đường dài thênh thang chỉ biết kêu trời – mà trời cũng chỉ biết khóc. Trên đỉnh Hải Vân, nhìn đoàn người Thiên Di lầm lũi lướt qua trong mưa, nối từng đoàn rồng rắn như mang hình hài cả Việt Nam trước mắt.”
FB Phạm Minh Vũ bộc lộ cảm xúc.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Những ai phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn tỷ đồng lãng phí vì xét nghiệm?
>>> Nhìn thẳng vào sự thật: Không thể đi theo đường cũ
>>> Hết ngược Bắc, lại xuôi Nam…
Hoàng Phương Lan – Phụ nữ bị cưỡng chế ‘ngoáy mũi’ khởi kiện chính quyền
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT