Mở cửa trong mịt mờ

Link Video: https://youtu.be/-CZe6N-MESY

Dù cho giọng Nghệ khó nghe gấp mười lần đi nữa thì Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tuyệt đối không thể nói sai. Ở nước nào cũng thế, ngân sách quốc gia là tuyệt mật, thông tin về ngân sách quốc gia liên quan chặt chẽ đến sự tồn vong của chính thể nên không bao giờ có thể đem ra nói ở một hội nghị công khai.

Do vậy, có thể chắc chắn ông Phớc không thể buột miệng mà nói ngân sách trung ương đã trống rỗng như vài tờ báo đã đăng được. Còn nếu như câu buột miệng đó là có thật? Ông ta không thể ngồi ở cái ghế đó nữa.

Nhưng có một điều cực kỳ chắc chắn: ngân sách quốc gia đã tổn thương trầm trọng.

Chỉ trong vài ngày, một loạt động thái liên quan chặt chẽ với nhau liên tiếp diễn ra. Nó báo hiệu điều gì?

-Ông Hồ Đức Phớc buột miệng nói ngân sách trung ương đã trống rỗng, sau đó sửa lại là ngân sách dự phòng cho năm 2021 đã hết.

-Các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu như AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN, EuroCham và KoCham kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.

Họ cho biết ít nhất 20% thành viên sản xuất của các hiệp hội đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác vì không hoạt động được trong điều kiện phong tỏa, “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”, cùng các thủ tục vụn vặt, thay đổi liên tục gây khó khăn như mỗi tỉnh áp dụng một quy định về hiệu lực xét nghiệm và luồng xanh khác nhau, giấy đi đường cho nhân viên…

-TPHCM và Hà Nội ráo riết tiêm vắc xin cho người dân. Riêng TPHCM khẩn cấp lên danh sách những người chưa tiêm, đã tiêm mũi một hay đã hoàn thành cả hai mũi.

-Chính quyền TPHCM thông báo từ 1/10, chỉ ai đã tiêm đủ hai mũi mới được đến nơi làm việc.

Không nghi ngờ gì nữa, hai điểm đầu là nguyên nhân buộc phải mở cửa lại nhanh chóng, còn hai điểm cuối là động thái cho thấy điều đó đang diễn ra.

Ảnh: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đang báo cáo tại phiên họp

Dân TPHCM: sống như những trái cây

Tuy nhiên, sau bốn, năm tháng phong tỏa để chống dịch, trong cả hai thành phố lớn nhất nước, bài toán chống dịch dường như không khác trước mấy. Nghĩa là vẫn mờ mịt, không có bài bản và nhiều lúc rất giống chiếc đèn cù.

Tối Trung thu 21/9, mặc dù vẫn đang trong bối cảnh có dịch, dân Hà Nội chở cả gia đình lên xe máy đi dạo đông nghẹt phố phường. Các bác sĩ và chuyên gia dịch tễ tự an ủi rằng người dân sẽ chỉ đi dạo ngoài đường nơi có không gian thoáng và đều đeo khẩu trang nên sẽ khó có nguy cơ tái bùng phát dịch.

Nhưng nếu nhìn lại các thời điểm 30/4, 01/6, 22/7… (những ngày cả nước đổ ra đường để đi du lịch, về quê hoặc chỉ đơn giản là đi mua thực phẩm trước khi thành phố phong tỏa) và con số bệnh nhân tăng vọt sau đó, chắc không ai tự trấn an nổi. Đặc biệt, Tết Trung thu đúng ngay sau khi thời điểm nới lỏng 90 ngày giãn cách, nên việc các gia đình cùng nhau sum vầy ăn uống sẽ vô cùng phổ biến. Con vi-rút chỉ chờ những dịp như thế này thôi!

Ở TPHCM, dù không có cảnh người người chen vai thích cánh ra đường như Hà Nội nhưng bên trong là chiếc đèn cù thực sự. Rất nhiều con hẻm sống như những trái cây: đầu dịch hiên ngang treo bảng Vùng xanh (không có dịch, không có bệnh nhân), giữa mùa chuyển sang cam (có vài ca bệnh), cuối mùa thì chín đỏ: hàng chục ca bệnh trong một con hẻm nhỏ, đã lây là lây trọn một gia đình và nhiều gia đình đối diện hoặc liền nhau.

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu hôm 21-9 rằng: “Gom F0 đi cách ly tập trung do hiểu nhầm”. Trên thực tế về cách điều trị F0 thời gian qua tại TP HCM cho thấy rằng: F0 tự cách ly và chữa trị tại nhà thì, số tử vong so với sự cách ly tập trung của chính quyền là quá ít không đáng kể. Sự hiểu nhầm của các quan chức đã gây ra gần 18.000 người chết, trong đó, hàng ngàn trẻ em mồ côi không cha, không mẹ.

Chính quyền thì quan liêu

Nguyên nhân chẳng có gì mới mẻ. Người dân trong những con hẻm bình dân không hiểu sâu sắc về dịch bệnh nên đeo khẩu trang chỉ để đối phó, hàng ngày vẫn la cà giao lưu chặt chẽ, nhất là khi đã tiêm vắc xin thì càng chủ quan rủ nhau ăn uống nhậu nhẹt ca hát tha hồ…

Báo chí thì chỉ được phép ủng hộ các chủ trương chống dịch, thông báo tin vui hoặc thống kê các con số, nhưng không được nói rõ hơn đằng sau các con số đó là gì.

Cả nước có hơn 17.000 ca tử vong tập trung trong vòng vài tháng nhưng trên báo chí hầu như không có cận cảnh những cái chết ngoài cộng đồng do bệnh viện không còn chỗ, hay cảnh bệnh nhân chết quấn xác không kịp trong các bệnh viện.

Chính quyền sở tại (hiểu là từ các thiết chế nhỏ nhất tại cơ sở như tổ dân phố đến phường, quận, thành phố) cực độ quan liêu nên không hề nắm được thực chất diễn ra trong các con hẻm hay các chung cư bình dân.

Các chuyên gia chống dịch có danh trên mạng, thậm chí có tên trong các tổ tư vấn cho chính quyền, không ít người chỉ có kiến thức về y tế nhưng hoàn toàn hổng kiến thức xã hội, đặc điểm dân cư, lối sống và văn hóa địa phương.

Vì vậy họ bưng nguyên các bài bản chống dịch của phương tây, nơi có điều kiện sống, pháp luật và trình độ nhận thức cá nhân rất khác với Việt Nam về với đất nước, hoặc cung cấp lời khuyên. Không phải tất cả chuyên gia đều thế, nhưng không hề ít!

Ơ kìa khoan, thế còn các vị lãnh đạo? Họ là công bộc của dân, luôn hô to khẩu hiệu “do dân, vì dân” cơ mà?

Công bộc chẳng lẽ lại không hiểu chủ nhân sống như thế nào, khả năng chịu đựng dịch bệnh ra sao, diện tích nhà mấy mét, bao nhiêu nhân khẩu, thu nhập trung bình bao nhiêu, liệu có giãn cách hay điều trị tại nhà được không, phong tỏa thì bao lâu họ sẽ hết tiền, hết tiền thì họ sẽ làm gì để có cái ăn?

Ảnh: “Biển người” đổ ra đường chơi Trung thu ở Hà Nội trong cơn đại dịch

Doanh nghiệp nhịn thở được đến lúc nào? Bệnh viện chữa được bao nhiêu người bệnh. v.v…?

Thật đáng buồn là đúng thế, các vị lãnh đạo không hiểu. Cái ghế của họ bắc quá xa người dân, cũng bắc quá xa các nhà khoa học và cái biển thông tin dịch bệnh chuẩn xác, cập nhật mỗi ngày trên toàn thế giới.

Hơn nữa, dịch lan tràn ở cơ sở nhưng cơ sở không ai phải chịu trách nhiệm cá nhân cả: các quyết định đều phải thông qua đa số, và rồi hầu như việc gì cũng được đẩy lên đến cấp cao nhất.

Hoặc quyết định trong cuộc họp rồi, đủng đỉnh chuyển qua nhiều cấp, nhiều ban ngành triển khai, đến người dân đã là cả tuần hoặc vài tuần sau.

Đến lúc ấy tình hình dịch bệnh đã thay đổi, đã đòi hỏi phải có đối sách khác thì sao? Không sao, thì ta lại họp!

Xem ai giàu hơn nào

Thế cho nên TPHCM mới cố sức khoanh vùng, truy vết và test khi dịch đã lan ra cả địa bàn. Khi dịch lan ra khắp vùng thì mạnh tỉnh nào tỉnh ấy đóng cửa, bất cần biết lúa chín gục ngoài đồng, cá lớn nghẹt ao nuôi, rau già héo ngoài ruộng, heo gà lớn chật chuồng, và ai, dịch bệnh gì thì cũng phải ăn.

Thành thử ở nước người ta, phong tỏa là cắt đứt giao thông đông người và tiếp xúc gần để tuyệt nguồn lây bệnh, cung cấp đủ thực phẩm để người dân chấp hành lệnh ở trong nhà, nhưng ở nước mình lại là tuyệt nguồn cung cấp thực phẩm và dược phẩm, khiến người dân phải banh chành đổ ra đường trước mỗi lệnh phong tỏa, hoặc lén lút tìm đủ mọi cách để mua được thực phẩm.

Dĩ nhiên sự lén lút đó không thể kiểm soát được về dịch tễ.

Đó là chưa kể nghi ngờ rất lớn về chủ trương test diện rộng, test liên tục và test bất chấp khi dịch đã lan rộng và ngấm sâu, không thể truy vết.

Nhất là khi các công văn thông báo chủ trương luôn kèm với một danh sách các công ty bán kit xét nghiệm. Điều này khiến các giải thích về mục đích của test diện rộng vô cùng khó thuyết phục.

Đi trong sương mù

Đến hôm nay, mặc dù con số tử vong đã giảm hơn tuần trước (trung bình bảy ngày gần đây là 229 ca, tuần trước là 273 ca) nhưng tỷ lệ tử vong ở Việt Nam vẫn ở mức 2,5%, cao hơn thế giới (2,1%).

Trong phát biểu cách đây vài ngày, ông Hồ Đức Phớc nói, hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi.

Tuy nhiên, tin trên báo chí tối 21/9 cho biết có 4.000 chiến sĩ quân y khác đang tiếp tục vào miền Nam để hỗ trợ chống dịch.

Dù vậy, trong vòng một tuần nữa việc TPHCM sẽ mở cửa lại nhiều ngành nghề đã là chắc chắn.

Việt Nam cũng đã tuyên bố phải sống chung với dịch.

Thế nhưng, ngoài những thông tin đã xác định ở mức rất đại khái như người đã chích đủ hai mũi vắc-xin thì được đến cơ quan làm việc, còn lại người dân vẫn hoàn toàn chưa được biết cách sống chung với dịch như thế nào, các cấp độ đóng/mở nền kinh tế là gì, khả năng được chữa bệnh ra sao…

Nhìn tới nhìn lui, cảm giác của việc chống dịch cho đến hiện tại ở Việt Nam vẫn như người đi trong sương mù.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Berlin: Biểu tình cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam trước trụ sở của Facebook

>>> Bị điểm huyệt hiểm, Tô Lâm cay cú tấn công Thoibao.de và một số “cây viết” 

>>> 23/9 này ông Nguyễn Xuân Phúc có dám ‘kháng chỉ thiên triều’?

Chuyện khôi hài: Nguyễn Xuân Phúc bị gậy đập lưng


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT