Link Video: https://youtu.be/WsCzuMZoMqE
Những ngày Việt Nam được thế giới vỗ tay tán thưởng về thành tích chống dịch Covid-19 dường như đã lùi rất xa, trong khi ở ngay khu vực Đông Nam Á, xếp chỉ sau Myanmar, quốc gia có khủng hoảng chính trị do chính biến, Việt Nam đang ‘đội sổ’ về tỷ lệ tiêm chủng chống Covid ở Asean, theo tạp chí phân tích châu Á, The Diplomat hôm thứ Hai.
Bài báo trên The Diplomat hôm 23/8/2021 dành phần đầu mô tả khá chi tiết, cập nhật chiến thuật và các động thái mới của chính quyền ở quốc gia Đông Nam Á với gần 100 triệu dân trong xử lý các điểm nóng ở tâm dịch Covid-19 trong đợt bùng phát thứ tư:
“Việt Nam đã áp đặt lệnh lưu trú nghiêm ngặt tại siêu đô thị phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh, và triển khai quân đội để hỗ trợ những người dân bị cách ly, khi các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng đột biến.
“Hôm thứ Sáu, chính phủ Việt Nam thông báo rằng họ sẽ cấm cư dân ở các khu vực có nguy cơ cao của thành phố rời khỏi nhà của họ kể từ hôm nay (23/8), để làm chậm sự bùng phát của biến thể Delta vốn dễ lây lan của COVID-19.
“Thông báo này đã thúc đẩy làn sóng mua bán hoảng loạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi người dân cả nước tìm cách tích trữ trước khi lệnh người dân ai ở nguyên trong nhà nấy có hiệu lực.
“Việc mô tả cuộc chiến chống lại COVID-19 như một chiến dịch quân sự đã được củng cố hơn nữa nhờ việc huy động công an và quân đội để thực thi phong tỏa và cung cấp thực phẩm cho những cư dân bị cách ly, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, công đoàn và cựu chiến binh. Quân đội sẽ thực thi lệnh lưu trú cho đến ngày 15/9.”
Thành tích đã lùi xa vào dĩ vãng?
Nhận định về thành tích và chất lượng phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam vào thời điểm hiện nay, bài báo của tác giả Sebastian Strangio, Chủ biên Đông Nam Á của The Diplomat viết:
“Những ngày mà Việt Nam được toàn cầu hoan nghênh vì ngăn chặn một cách hiệu quả COVID-19 giờ đây dường như đã lùi rất xa. Việt Nam từng báo cáo chỉ có 1.500 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cả năm 2020 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng dương về kinh tế trong năm.
“Nay thì con số kể từ đó đã tăng lên gần 350.000 người, trong khi tỷ lệ tăng trưởng mục tiêu 6,5% của đất nước cho năm 2021 có thể bị suy giảm do tác động của đại dịch.
“Giống như một số nước láng giềng, chính phủ Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trên mặt trận vaccine. Ngoài Myanmar bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, nơi mà quân đội không báo cáo dữ liệu tiêm chủng kể từ tháng 6/2021, Việt Nam đứng cuối cùng trong số các quốc gia Đông Nam Á về số lượng vaccine được tiêm trên đầu người.
“Nước này đã tiêm được ít nhất một liều vaccine cho chỉ 15% dân số. Chỉ có dưới 2% được tiêm chủng đầy đủ hai liều.”
Vẫn theo tạp chí chuyên phân tích về châu Á, trong khi chính phủ Việt Nam có thể dự kiến sẽ tăng cường điều này đáng kể từ nay đến cuối năm, nước này nằm trong số một số quốc gia và ở khu vực đã trải qua năm đầu tiên của đại dịch với những thành công tương đối nhưng kể từ đó đã bị trật bánh do biến thể Delta và các chiến dịch phân phối vaccine chậm tiến độ, như một trong vài nguyên nhân.
Mới đây, xuất hiện một số thông tin cần kiểm chứng thêm gợi ý cho thấy đã có những thảo luận trong giới chức chỉ huy quân đội tham gia xử lý đợt bùng phát dịch ở phía Nam Việt Nam.
Trong đó, một số thông tin cần kiểm tra thêm gợi ý rằng nước này đang đứng trước các yêu cầu cấp bách về điều trị y tế, chăm sóc bệnh nhân và xử lý quy mô các ca tử vong rất cao ở các trung tâm bùng phát dịch, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các nơi khác.
Một số nhu cầu cấp bách đang được yêu cầu hỗ trợ bởi các lực lượng phòng chống dịch dường như bao gồm nhưng không giới hạn ở cung cấp thêm xe cứu thương, các thiết bị, kể cả ‘túi đựng tử thi’ và xây thêm, cùng đẩy mạnh công suất các ‘lò hỏa táng’ ở các địa phương tâm dịch v.v… bên cạnh một số kịch bản dường như được đề cập về xử lý ra sao trong trường hợp các ca tử vong vượt mức độ có thể xử lý thông thường ở các cơ sở ‘hỏa táng’ hiện hữu.
Thực chất chống dịch có gì để nói?
Mới đây, trong cuối tuần, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận bình luận với BBC về cách thức ứng phó đại dịch đang diễn ra ở Việt Nam trong bối cảnh có nhiều vấn đề khác phải xử lý bởi chính quyền ở Việt Nam, ông nói:
“Tình hình diễn biến khó lường, người ta chống Covid bằng ‘hệ thống chính trị’, chống tham nhũng bằng kêu gọi ‘đạo đức’, chống ‘kẻ thù vô hình’ bằng ‘lực lượng hữu hình’ và chống tham nhũng hữu hình bằng ‘lực lượng vô hình.’
Từ Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với BBC:
“Tình hình dịch Covid-19 hiện nay theo tôi là cấp bách, với tình hình ở nhiều nơi hỗn loạn, không tôn trọng cách lý tối thiểu với số đông tụ hợp ngay cả ở những khu cách lý tập trung tại các trung tâm công nghiệp, chế xuất, e rằng tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh một ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp này, và lan ra thêm ở các vùng liên cận.
“Qua báo cáo thêm từ các tổ chức, nhóm cộng đồng thiện nguyện, tôi thấy rằng cần phải có sự báo động tới các cơ quan hữu quan, tới các tổ chức trong ngoài nhà nước, trong đó có Mặt Trận và các ban ngành hữu quan, từ địa phương lên đến Trung ương để gấp rút rút kinh nghiệm, và có biện pháp xử lý, nhất là và cần đeo khẩu trang và giãn cách tối thiểu, bên cạnh tăng cường tiêm phòng vaccine, xét nghiệm kịp thời v.v...”
Từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự, nói:
“Cách đây gần một năm, đã có những thành tích, nhưng như đã được cảnh báo, tình hình dịch bệnh và các diễn biến dịch bệnh, hoạt động sống trên thực tế thay đổi liên tục, không dừng lại và luôn xuất hiện yếu tố mới, mà không phải lúc nào kinh nghiệm, thành tích cũ cũng đủ để giúp xử lý hiệu quả.
“Tôi cho rằng đã có sự chủ quan, cũng như đã có những tư duy thiếu hợp lý, thiếu tỉnh táo và khôn ngoan trong các chiến lược, chiến thuật và phương pháp xử lý, phòng chống dịch bệnh trong cả nước, khiến thời gian vàng trong nhiều tháng, hay đúng hơn trong vòng một năm để tìm kiếm, nâng cao, đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng chống Covid-19 đã bị lãng phí.”