Link Video: https://youtu.be/_8kjnNORHRc
Khoảng chục năm trở lại đây, tượng đài là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Các tỉnh khắp cả nước đua nhau đòi xây tượng đài như một cơn bệnh dịch gây bất bình và phẫn nộ trong dư luận.
Mới đây nhất là tượng đài lưu niệm hành trình cứu nước của ông Hun Sen trị giá 300 tỷ ở Bình Phước đã khánh thành, tượng đài Cụ Hồ ở Phú Quốc 353 tỷ đồng dự kiến khởi công ngày 02/9/2021, và tượng đài tập kết ở Thanh Hoá trị giá 255 tỷ đồng vừa được lựa chọn mẫu xây dựng.
Xét về mặt lịch sử văn hoá, Việt Nam không hề có truyền thống về tượng đài.
Người Việt tưởng niệm các chiến công oanh liệt và các nhân vật lịch sử mà họ biết ơn bằng đền miếu khiêm nhường và nghi lễ thờ cúng, và diễn tích bằng các lễ hội.
Ở Việt Nam không hề có các bức tượng lớn (lớn nhất là tượng tín ngưỡng như tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng ở Quán Thánh (Hà Nội), hoặc các tượng Hộ pháp trong các chùa lớn). Các bậc đế vương hay anh hùng hào kiệt trong lịch sử Việt Nam như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Quang Trung…được tưởng nhớ chỉ bằng những ngôi đền quy mô vừa phải, rất ít khi có tượng thờ. Ngay cả các vị thành hoàng vốn là những vị tướng trong lịch sử cũng chỉ có ngai mà không có tượng. Từ đó, trong mỗi tâm thức một người lại có hình dung riêng về vị thánh của làng mình, bao đời nay là như vậy.
Tượng đài du nhập từ phương Tây từ thời Pháp thuộc, rồi rầm rộ dưới thời Liên Xô cũ. Tượng thờ của người Việt và tượng đài cho thấy rõ sự đối lập giữa hai truyền thống tưởng niệm thông qua tượng và đài. Tượng thờ nhỏ bé, để trong nhà và trên bệ thờ khiêm nhường, phải là tượng toàn thân, trong khi tượng đài san phẳng một khoảnh đất rộng để ngự trên đó, đặt trên bệ cao, và nhiều khi là tượng bán thân.
Tượng thờ có bát hương đặt đằng trước, để người dân thực hiện nghi lễ. Trong khi tượng đài không có lư hương, mà chỉ tưởng niệm bằng cách đặt hoa. Gần đây, thấy không có lư hương thì không thiêng nên các loại tượng đài tưởng niệm đều có lư hương. Tây chẳng ra Tây, mà Ta cũng chẳng ra Ta.
Vì đâu có’lạm phát’ tượng đài?
Nhưng điều gây ra lạm phát tượng đài ở Việt Nam không nằm ở văn hoá hay nghệ thuật điêu khắc mà nằm ở lý do chính trị và kinh tế.
Ai cũng biết đề xuất làm tượng đài là UBND tỉnh hoặc huyện. Và đề án bao giờ cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa chính trị cao cả của tượng đài là ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của chế độ và qua đó giáo dục về truyền thống yêu nước và cách mạng.
Đề án mang tính chính trị như vậy và được phát ra từ các uỷ ban nhân dân không mấy khi bị bác bỏ, vì những người phê duyệt sợ nếu bác bỏ thì sẽ phạm vào điều thiêng liêng kia. Tiếp theo là đề xuất dự toán. Thường là sẽ nâng giá lên khoảng 10 đến 100 % giá trị thực. Nâng giá như nâng với thiết bị y tế chống Covid -19 được nâng 5-7 lần, hay giá dự án AVG nâng khoảng 18 lần, giá đường sắt Cát Linh – Hà Đông năng khoảng 3-5 lần so với giá các nước thì còn có thể sơ hở và bị bóc mẽ, chứ giá làm tượng đài thì không hề phải lo ngại. Tham nhũng nảy sinh ra trong xây tượng đài là như vậy.
Tham nhũng xung quanh tượng đài còn thể hiện ở việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, vì tượng đài nào cũng cần mặt bằng lớn và ở những vị trí đẹp nhất. Ví dụ diện tích đất cần thu hồi để làm tượng đài Tập kết ở Sầm Sơn là 38.000 m2 thì mới biết số tiền bỏ ra là lớn đến nhường nào!
Năm 2015, xuất hiện Tuyên bố đòi hỏi “Nhà nước khẩn cấp hủy bỏ những dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, chặn đứng nguy cơ vơi hụt đáng kể quỹ ngân sách vốn eo hẹp, tạo thêm bất ổn mâu thuẫn xã hội đã và đang chồng chất“. Tuyên bố có 336 chữ ký của các tổ chức và công dân.
Bên cạnh lý do về chính trị và kinh tế, việc xây tượng đài cũng bị phản đối vì lý do kỹ thuật và mỹ thuật. Chất lượng kỹ thuật của các tượng đài thường rất thấp, nhanh xuống cấp, biến dạng, hư hỏng. Hình thức của tượng đài thô kệch, xấu xí và sống sượng. Chính vì vậy, hiệu quả tuyên truyền của tượng đài rất thấp, và thường tuyên truyền ngược trong nhân dân.
Dự án ‘ăn xổi’ và ‘tiếng kêu’ giữa sa mạc?
Tượng đài quả là những dự án ăn xổi, rất hình thức, đua đòi giữa các địa phương nhằm kéo ngân sách về địa phương, từ đó chia nhau xà xẻo bỏ túi.
Từ đó, xem khắp hệ thống các tượng đài trên cả nước giống như một bảo tàng lưu giữ các phế phẩm, kém chất lượng và què quặt về thẩm mỹ. Báo chí và dư luận đã từng lên tiếng rất nhiều nhưng xem ra đây là món lợi nên rất khó ngăn chặn.
Năm 2015 đã xuất hiện một bản Tuyên bố về vấn đề xây tượng đài; và những ngày gần đây, dư luận mạng xã hội lại vô cùng bức xúc khi một số tỉnh thành bất chấp khó khăn kinh tế mùa dịch giã, vẫn quyết tâm xây các tượng đài hàng trăm tỷ đồng.
Nhà báo Lưu Trọng Văn mới đây chỉ ra rằng:
“Trong tình cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đã đến lúc chính phủ và quốc hội phải ra nghị quyết tạm dừng tất cả các dự án tượng đài cho đến khi kinh tế đất nước phát triển và trình độ văn hoá của lãnh đạo đáp ứng được các giá trị đích thực của các tượng đài“.
Nhưng lâu nay, ở Việt Nam, các tiếng kêu như thế thường như tiếng hét như giữa sa mạc mà thôi!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
Viết từ Hà Nội