Sự việc xảy ra tại Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đắk Song ở Tỉnh Đắk Nông. Để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, ông Phạm Văn Phiếm – Chánh án TAND huyện Đắk Song và bà Nguyễn Thị Hải Âu – Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song đã để cán bộ cấp dưới tạo lập gần 60 vụ án ‘ảo’ mà không có đương sự.
Sự việc mới được báo chí nhà nước Việt Nam biết đến khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thông tin về quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với hai lãnh đạo và thẩm phán thuộc TAND huyện Đắk Song vào ngày 4/6/2021.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ thi hành kỷ luật khiển trách đối với các vị lãnh đạo tòa án vừa nêu là chưa đủ. Một nền tư pháp mà tòa án phải lập gần 60 vụ án ‘ảo’ để … tự xét xử cho đủ chỉ tiêu, thì làm sao có thể xét xử đúng người đúng tội?
Sự việc cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật đánh giá nghiêm túc lại sự việc để có xử lý thích đáng, phù hợp với các quy định pháp luật và phục hồi niềm tin của công chúng đối với hoạt động tư pháp nước nhà.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 8/6 cho biết, giới hoạt động tư pháp đã hết sức kinh ngạc về sự kiện Tòa án Nhân dân Huyện Đắk Song đã ngụy tạo 60 vụ án ‘ảo’ để bảo đảm thành tích thi đua. Theo Luật sư Mạnh, đây là hành vi chưa từng có tiền lệ xảy ra trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam. Điều đáng nói theo ông Mạnh là việc xử lý sau đó chỉ kỷ luật với mức khiển trách đối với những cán bộ tòa án có liên quan mà thôi. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:
“Về phương diện pháp lý, để thực hiện một hồ sơ vụ án, từ khởi kiện đến thụ lý, đình chỉ vụ án thì lãnh đạo tòa án và thẩm phán đã phải thực hiện một loạt hành vi tố tụng, trong đó có các quyết định tố tụng, mà hành vi cuối cùng là quyết định đình chỉ vụ án. Thế nhưng, tất cả quá trình này đều là ngụy tạo, trong đó, lãnh đạo tòa án và thẩm phán là chủ mưu, đồng phạm cùng thực hiện các hành vi mà họ biết rất rõ là ngụy tạo, trái pháp luật mà vẫn thực hiện. Rõ ràng như 1 + 1 = 2 vậy. Hành vi của họ đã đủ yếu tố cấu thành tội danh “Ra quyết định trái pháp luật” theo điều 371 Bộ luật Hình sự có hình phạt lên đến 12 năm tù và cấm đảm nhiệm chức vụ cho đến năm năm.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, sự việc cho thấy, việc không khởi tố vụ án hình sự đối với các hành vi ngụy tạo hồ sơ vụ án là không nghiêm minh, không bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tạo ra những hệ lụy rất tai hại cho chính hoạt động tư pháp và xã hội. Ông nói tiếp:
“Thật vậy, về phương diện xã hội, rõ ràng, tòa án với chức năng như là nút chặn cuối cùng đối với đạo đức xã hội đã bị vô hiệu hóa. Nơi để ban phát công lý, tái lập lại niềm tin xã hội cho công chúng lại bị tha hóa đến cùng cực.
Theo đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, sự việc cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật đánh giá nghiêm túc lại sự việc để có xử lý thích đáng, phù hợp với các quy định pháp luật và phục hồi niềm tin của công chúng đối với hoạt động tư pháp nước nhà.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, từ năm 2016, hai vị lãnh đạo TAND huyện Đắk Song và các đồng phạm đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế… sau đó, lãnh đạo Tòa án phân công thẩm phán thụ lý các vụ án. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, những người này đã vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự khi trực tiếp tham gia giải quyết các vụ án này.
Liên quan vấn đề án phí của các vụ án ‘ảo’, theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, vào thời điểm đó, một nhân viên của TAND huyện Đắk Song đã tự bỏ tiền túi để đóng án phí. Nhân viên này hiện đã nghỉ việc. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Dù là hành vi chưa từng có tiền lệ xảy ra trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam, nhưng Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ thi hành kỷ luật khiển trách đối với các vị lãnh đạo tòa án này, dù chính cơ quan này đã xác nhận các vị thẩm phán đã vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Ở ngành tư pháp không phải chỉ có việc lập và xử án ảo mà còn có những việc động trời hơn, nguy hiểm hơn là dẫm đạp lên công lý để xử những “Vụ án bỏ túi”, bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận, bất chấp Đạo Trời. Họ mở phiên tòa chỉ là hình thức để tuyên án theo chỉ thị miệng của một vài cán bộ đảng cấp trên, nhằm đàn áp những người dân oan, những người bất đồng chính kiến, những trí thức phản biện.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI, khóa XII, thuộc đoàn đại biểu Thanh Hóa, nêu lên thực tế hiện nay với RFA:
“Vấn đề quan trọng là làm thế nào để điều tra, truy tố, xét xử được công khai minh bạch, tránh tình trạng khép kín, nêu cao tinh thần độc lập trong lĩnh vực tư pháp, tránh sự can thiệp của các cấp hoặc bên ngoài. Thứ hai là chất lượng đội ngũ cán bộ phải được nâng lên, tinh thông và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng nằm trong guồng máy về bệnh tham nhũng tiêu cực, các ngành bảo vệ pháp luật cũng không tránh khỏi. Trong đó có Viện Kiểm sát hay Tòa án, thậm chí có cả Công an điều tra… thì vấn đề tiêu cực dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại.”
Tình trạng luật pháp chưa hoàn hảo không chi xảy ra ở Việt Nam, trên thế giới vẫn còn nhiều quốc gia cũng bị vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng, ở Việt Nam ngoài luật chưa tốt, còn có thêm điều nữa là người thừa hành cũng chưa có tinh thần tuân thủ pháp luật. Điều này khiến người dân hầu như mất lòng tin rất nhiều về hệ thống xét xử.
Trở lại với việc tòa án phải lập gần 60 vụ án ‘ảo’ để … tự xét xử cho đủ chỉ tiêu. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, trong cùng ngày 8/6 nói với RFA:
“Việc Tòa án huyện lập các vụ án ảo để xét xử cho đủ chỉ tiêu là quá lạ lùng, quá sức tưởng tượng ở những nơi mà người ta suy nghĩ và làm việc một cách bình thường, theo Đạo Trời, hợp Lòng Người. Còn ở Việt Nam, nơi người dân bị cộng sản thống trị thì những việc như trên, tuy lạ, nhưng cũng trở thành bình thường, vì người ta đã quen với thói dối trá, tạo thành tích dổm để đạt và vượt chỉ tiêu do Đảng vạch ra và giao cho thực hiện. Sự gian dối một cách ngang ngược không phải chỉ xảy ra ở ngành tư pháp mà còn xảy ra ở ngiều ngành khác.
Mà ở ngành tư pháp không phải chỉ có việc lập và xử án ảo mà còn có những việc động trời hơn, nguy hiểm hơn là dẫm đạp lên công lý để xử những “Vụ án bỏ túi”, bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận, bất chấp Đạo Trời. Họ mở phiên tòa chỉ là hình thức để tuyên án theo chỉ thị miệng của một vài cán bộ đảng cấp trên, nhằm đàn áp những người dân oan, những người bất đồng chính kiến, những trí thức phản biện.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, Tòa án không phải là nơi thực thi công lý mà chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản.