Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=-AJj9mm9Tmo
Sáng 1 tháng 2 năm 2021, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội 13, Tổng bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng kể với báo chí rằng: “Có người hối lộ xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm.
Tôi nói với cán bộ kiểm tra anh mở vali ra để xem là cái gì, mở ra thì thấy tiền, đô la. Tôi bảo giờ anh khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”.
Theo ông Trọng, việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bày tỏ quan điểm của mình với báo chí trong nước rằng, nhiệm vụ của những người đứng đầu là phải chọn được những cán bộ tử tế, còn nếu người đứng đầu là kẻ tham nhũng thì lại chọn quân cũng như thế.
Kẻ đem cả vali đôla đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén vô liêm sỉ đến trắng trợn.
Đối với câu chuyện mà ông Trọng kể như vừa nêu, có người cho là ông Trọng kể ra để lấy điểm chứ sự thật không thể có chuyện đó.
Có người khẳng định chuyện này có thể xảy ra, vì nó đã từng xảy ra.
Vì sao lại có chuyện một người dám mang cả vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan tham mưu tối cao của Đảng về vấn đề kiểm tra và kỷ luật trong Đảng – để hối lộ, trước mặt ông Tổng bí thư?
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của mình:
“Mặc dù nó có vẻ trắng trợn là đem đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhưng nó là thực tế chứ ông Trọng không dám bịa ra chuyện ấy đâu.
Bởi vì chắc chắn chuyện này nhiều người khác làm trong ủy ban cũng biết chứ không chỉ ông Trọng.
Nếu ổng bịa ra sẽ mất uy tín với thuộc hạ của ổng. Trước đây ông Lê Khả Phiêu cũng từng kể câu chuyện tương tự.
Là người từng làm công tác xét xử trong vai trò bồi thẩm đoàn khoảng chục năm, tôi thấy với sự việc như thế này mà ông Trọng và những người trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ yêu cầu người mang va li tiền đến để hối lộ ký vào biên bản chứ không thông báo để khởi tố, bắt giam.
Như vậy là có dấu hiệu vi phạm tội ‘không tố giác tội phạm.’”
Tháng 5 năm 2005, trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhà nước về tệ tham nhũng, hối lộ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng kể câu chuyện tương tự.
Ông cho biết, lúc ông còn làm thường trực Bộ Chính trị thì ông nhận thấy chuyện đưa hối lộ là tự nhiên, chuyện nhận là bình thường.
Riêng ông, đã có lúc người ta đưa hối lộ bằng cách để bó hoa có năm nghìn, mười nghìn đô la trên bàn rồi ra về.
Tuy vậy, ông chỉ gọi lên cảnh cáo, nhắc nhở bảo đem tiền về mà không làm lớn chuyện vì ông muốn giáo dục từ bên trong.
Ít nhất đã 15 năm trôi qua kể từ câu chuyện của ông Lê Khả Phiêu, nạn tham nhũng, hối lộ tại Việt Nam ngày càng trắng trợn hơn, mà không nói ra thì không ai biết, như câu chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vừa kể.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói về tính pháp lý trong câu chuyện này:
“Tôi hy vọng đây chỉ là câu chuyện làm quà, tức là nói cho vui. Chứ nếu đây là câu chuyện thật thì có khá nhiều vấn đề phải được đặt ra.
Thứ nhất, nếu va li đó có số tiền là tiền đô có giá trị lớn thì chắc chắn người có hành vi hối lộ đó có thể chịu hình phạt tới mức tử hình chứ không phải chuyện đùa.
Đó rõ ràng là hành vi hối lộ và số tiền đó là tang vật của một vụ án. Tang vật đó phải được giữ lại và khi xét xử vụ án đó thì chắc chắn số tiền này phải bị tịch thu sung công quỹ.
Không có chuyện trả lại cho người ta xách về.
Thứ hai, nếu thật sự có cách xử lý lúc đó là lập biên bản rồi cho người ta cầm va li tiền về, thì những người biết việc này mà không tố giác hành vi này thì những người đó đều phải chịu tội. Đó là tội hình sự ‘không tố giác tội phạm’”.
Sau khi câu chuyện có người đem vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương hối lộ được chính ông Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kể ra, người ta cho rằng ít nhất ông Trọng đã vi phạm pháp luật khi không tố giác tội phạm với bằng chứng hiển nhiên.
Theo pháp luật Việt Nam, không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.
Người phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng, ông Trọng đem câu chuyện này ra kể với mục đích để khoe thành tích ‘trong sạch’ của mình, nhưng vô hình chung lại tự vạch ra chuyện mình không thực hiện luật pháp nghiêm minh.
Ông Nguyễn Quang A nói tiếp: “Ông Trọng đã nói ra cho toàn dân biết thì dân phải hỏi ông Trọng cái kẻ mang tiền đến hối lộ đó là ai và sẽ bị xử như thế nào.
Tức là bây giờ cơ quan công an và tòa án hay viện kiểm sát phải hỏi ông Trọng là tên mang một vali tiền đến hối lộ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đó, là ai và phải khởi tố ngay kẻ hối lộ đó.
Đồng thời trừng trị những kẻ đã bao che hoặc ỉm đi chuyện này từ bấy đến giờ. Chắc kẻ hối lộ là quan chức cao quá của Đảng Cộng sản nên ông Trọng không nói ra…”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, là người chứng kiến việc này thì ít nhất ông Trọng phải là nhân chứng của sự việc.
Luật sư Mạnh đặt câu hỏi, sau khi sự việc xảy ra như vậy thì cơ quan chức năng có xử lý hay không?
Ông Trọng và những người chứng kiến có tố giác hành vi đó với cơ quan pháp luật hay không?
Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật.
Pháp luật mỗi quốc gia cũng không thể đi ngược với thông lệ quốc tế.
Tuy vậy, ở Việt Nam, sự độc lập của ba nhánh quyền lực, gồm: lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính hình thức nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không minh bạch.
Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu “khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí nhân sự“.
Trước ĐH 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm “là chính ông“, một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.
“Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình,” Tiến sĩ Liêm viết.
Tại cuộc họp báo, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng XIII, vào sáng ngày 1/2, ông Nguyễn Phú Trọng cảm ơn báo chí chức mừng ông tái đắc cử chức vụ Tống Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 1/2 rằng ông đã báo cáo về tuổi cao, sức khỏe không tốt lắm và xin nghỉ. Thế nhưng, Đại hội bầu, là đảng viên nên ông phải chấp hành.
Ông Trọng nhấn mạnh rằng “Tôi chỉ là một cá nhân. Làm tốt hay không là cả tập thể trên dưới một lòng”. Ông Trọng khẳng định thêm rằng “Tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, vào tối ngày 1/2, từ Nha Trang lên tiếng với RFA rằng những chia sẻ của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ông được bầu chọn vào nhiệm kỳ thứ 3 là “lời thanh minh thanh nga không hợp lý và không thuyết phục”.
“Về công tác cán bộ, ông Trọng là Tổng Bí thư thì ông phải trực tiếp lo về công tác tổ chức.
Công tác tổ chức bao giờ cũng do người đứng đầu của cấp ủy Đảng phải có bồi dưỡng nguồn, giới thiệu, phát hiện nguồn…mà nguồn đó phải được tập thể Đảng tín nhiệm.
Trước khi ông Trọng trở thành Tổng Bí thư thì ông Trọng có hai nhiệm kỳ đứng đầu ở Quốc hội, tức là ông Trọng ở trong Bộ Chính trị khá lâu rồi thì ông không lạ gì về đội ngũ cán bộ dưới quyền. Thế thì tại sao lại không tìm được một hoặc người có khả năng thay thế lúc ông nghỉ?
Bây giờ, nếu ông giải thích do Đại hội Đảng tín nhiệm ông thì điều đó có nghĩa là những người kế cận ông không được tín nhiệm. Tôi cho rằng điều đấy là rất dở.”
Lý giải về điều ông Trọng cho rằng kết quả tốt là do tập thể, không phải do cá nhân, nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét đây là thêm bằng chứng cho thấy việc tái đắc cử của ông Trọng càng không hợp lý.
“Thứ hai nữa, bình luận ở một góc độ khác, giả sử ông Trọng tạm coi là người có uy tín nhất ở trong Đảng đi chăng nữa thì vai trò của ông Trọng cũng không hẳn là không có ông thì việc điều hành của Đảng CSVN không thể thực hiện được.
Điều này có thể liên hệ với ngày trước thì rõ ràng trong Ban Lãnh đạo Đảng CSVN có ông Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng và ông Hồ Chí Minh được tín nhiệm cao hơn người khác về uy tín và tài năng.
Thế nhưng khi ông Hồ Chí Minh mất hồi năm 1969 thì công việc đấu tranh thống nhất đất nước vẫn thành công và kết thúc vào ngày 30/4/1975.
Đâu phải ông Hồ Chí Minh mất thì sự nghiệp cách mạng gãy giữa chừng. Vì thế, tôi cho rằng việc ông Trọng trụ lại là không hợp lý và cách giải thích đó cũng không thuyết phục.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một nhà quan sát tình hình Việt Nam và theo dõi sát sao Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, trong cùng tối ngày 1/2 nói với RFA rằng ông khá là ngạc nhiên khi đón nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vì có sự bất thường khi chiếu theo quy định trong điều lệ Đảng.
“Tại vì, tôi tưởng rằng người ta phải thay đổi, phải sửa điều lệ trước rồi mới để cho ông Trọng làm Tổng Bí thư.
Ngạc nhiên là vì người ta không thay đổi điều lệ, mà người ta vẫn bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư như thường. Thế thì như vậy là vi phạm điều lệ.
Ông Trọng có thể tiếp tục làm Tổng Bí thư sau khi thay đổi điều lệ, bỏ một câu ở Điều 17 quy định ‘tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ’.
Thế nhưng, người ta không đổi, không sửa điều lệ này mà vẫn cứ bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư.
Không hiểu ở đại hội, người ta nói như thế nào về việc này. Tôi thì nhận thấy rằng có điều gì đó rất lạ lùng.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng nhiệm kỳ 3 – Việt Nam sẽ đi về đâu?
>>> Trọng trúng „số đỏ“ Tập thời vui ra
>>> Covid lan ra 10 tỉnh thành – quan chức Chính phủ mải cãi nhau
Vì sao Mai Tiến Dũng “choảng” Vũ Đức Đam?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT