Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=pZGf-jyRof4
Bộ Công an Việt Nam hôm 18/01 đã lên tiếng bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội những ngày vừa qua về việc cựu Thứ trưởng Thương mại Hồ Thị Kim Thoa đã bị dẫn độ về nước.
Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an nói với báo Dân Trí rằng thông tin bà Thoa bị dẫn độ về nước là “tin vịt”, không đúng sự thật.
Vào ngày 16/01, Lê Nguyễn Hương Trà, một facebooker nổi tiếng chuyên viết tin, bài về tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam đã viết trên trang Facebook của mình như sau:
“Bà Hồ Thị Kim Thoa cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có mặt ở Việt Nam trên chuyến bay từ Paris về hôm nay 16/1. Sau khi chịu cách ly 14 ngày, sẽ đưa ra xét xử trong các vụ án liên quan tới Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng.
Liên quan đến vi phạm xảy ra tại Sabeco làm thất thoát 2.700 tỉ đồng trong vụ án Vũ Huy Hoàng – Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa đã bị truy nã từ tháng 7/2020. Trước đó, bà Thoa đi du lịch qua Làng Mai, Pháp và nghe tin truy nã đã ở lại. Nửa năm qua, Việt Nam xúc tiến các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol để đưa bà Thoa về xét xử!
Chào mừng đến với đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà bài viết này không còn hiển thị trên facebook của Lê Nguyễn Hương Trà.
Trước đó hôm 15/01, Facebooker Bùi Thanh Hiếu, người từng đưa tin bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị mật vụ Việt Nam bắt giữ tại Pháp hồi tháng 11/2020, đã viết một thông báo trên Facebook cá nhân như sau:
“hôm qua hình như Việt Nam rút rất nhiều người ở bên Pháp về, sau khi có vụ trao đổi song phương, đa phương với nhiều nước như Pháp, Mỹ, Trung.
Nhà này trước đó an ninh Việt Nam theo dõi rất đông xung quanh, người ngồi trong xe, người thuê nhà đối diện, hôm nay mình nhờ mấy anh em bên Pháp trưa qua xem xét, chẳng còn ai theo dõi nữa.
Anh em theo dõi xem có chuyến bay cất cánh từ Paris lúc 16;30 ngày 15.1.2021 về Việt Nam lúc nào nhé.”
Đến ngày 17/01, Bùi Thanh Hiếu viết: “Chưa có xác nhận gì cả. Mình chỉ biết chắc chắn nhà bà Thoa ở Pháp không còn ai ở, còn những người Việt Nam theo dõi mọi khi bên ngoài đã rút về, có chuyến bay về Việt Nam hôm 15/01/2021.”
Bà Thoa là người đang bị Bộ Công an truy nã. Vào tháng 7/2020, bà Thoa bị Bộ Công an khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Công an bà đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2018, tức trước ngày bà bị chính thức khởi tố.
Bà Thoa và cựu Bộ trưởng Thương mại Vũ Huy Hoàng là những người liên quan đến vụ án Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), một công ty nhà nước.
Theo điều tra của công an, bà Thoa đã báo cáo cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để phê duyệt, cho phép Sabeco liên doanh, liên kết, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh từ Sabeco sang liên doanh Sabeco Pearl, gây thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác bao gồm các cựu quan chức Bộ Thương mại và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phải ra toà vào đầu năm nay. Tuy nhiên, phiên toà đã bị hoãn lại hai lần do vắng mặt một số bị cáo và những người khác có nghĩa vụ, và quyền lợi liên quan.
Phiên toà xử 10 bị cáo này tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 18/01 đã bị hoãn lại lần hai.
Do bà Thoa đã bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Bộ Công an đã quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bà Thoa, khi nào bắt được sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý.
Trước đó, Bà Hồ Thị Kim Thoa được dư luận chú ý đến qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong vai trò Thứ trưởng Bộ Công thương hồi hạ tuần tháng 01/2017, cùng thời điểm ông Vũ Huy Hoàng nhận quyết định kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo kết luận của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến bốn cơ quan cấp bộ, gồm Tài Chính, Kế Hoạch & Đầu Tư, Công Thương và Thanh tra Chính phủ yêu cầu phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra và thanh tra tài sản của bà Kim Thoa và phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong Quý II năm 2017.
Vào cuối tháng 06/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kê khai tài sản gian dối trong thời gian dài, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, bà Kim Thoa còn có dấu hiệu vi phạm trong thời gian giữ các chức vụ quan trọng tại Công ty Cổ phần Điện Quang, từ năm 2004 đến năm 2010. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định việc làm sai trái của bà Kim Thoa là nghiêm trọng và phải xem xét hình thức kỷ luật.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc đến Ban lãnh đạo của Bộ Công Thương vào tối ngày 01/08/2017, đồng thời cũng tạm nghỉ phép từ ngày này.
Qua việc nộp đơn xin thôi việc của bà Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng nói với báo giới trong nước rằng “Không có chuyện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc là xong”.
Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 03/08/2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo quy định, trường hợp đang trong giai đoạn xem xét, điều tra thì không được chấp thuận thôi việc.
Ngày 08/08/2017, Văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và bà Kim Thoa bị miễn nhiệm chức thứ trưởng vào ngày 16/08/2017.
Truyền thông quốc nội dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ mới cho bà Kim Thoa sau khi bà bị cách chức thứ trưởng.
Theo RFA, dư luận đồn đoán vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị Chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 07/2017 và những diễn tiến liên quan trường hợp của bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có thể sẽ là một vụ “đại án”, mau chóng được lôi ra ánh sáng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức ở Hà Nội vào sáng ngày 31/07/2017 tuyên bố rằng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Tuy nhiên, ngày 30/08/2017 Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định đối với nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 01/09/2017. Tin này làm dấy lên thắc mắc phải chăng đây là dấu hiệu của một “con hổ” đã không sa lưới trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bình luận với RFA, Giáo sư Tương Lai nhận định về vấn đề này như sau:
“Lúc đầu họ định biến trường hợp của bà Kim Thoa thành vụ án hình sự về chuyện tham nhũng và kê khai tài sản của bà cũng như không cho bà xin thôi việc. Nhưng dần dần trong nội bộ cũng có sự giằng co gì đấy, là một và thứ hai nữa là họ nhận thấy lý lẽ cũng không vững vàng và cứ nếu làm tới thì sẽ gây ra sự căm phẫn thì người ta phải xử hòa trong lúc tình hình bê bối nhiều thứ quá. Bê bối trong chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, chuyện Đồng Tâm, chuyện ở Bộ Y Tế…Cho nên người ta rối bòng bong thì người ta phải làm dịu bớt, cũng là cách ‘rút củi đáy nồi’ thôi.”
Cho đến ngày 02/12/2020, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định vi phạm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương.
Trong khi Nhà nước bị xác định thiệt hại hơn 3800 tỷ trong vụ án dính dáng đến bà Hồ Thị Kim Thoa thì khối tài sản của gia đình bà này ở Điện Quang (DQC) vẫn phình to mặc cho người bị truy nã đã trốn chạy sang xứ tư bản giãy chết.
Nhà báo Hà Phan viết: Bằng cách nào đó, không lạ cũng chẳng hiếm ở Việt Nam, khi DNNN Điện Quang cổ phần hóa thì gia đình bà Thoa, Tổng GĐ Điện Quang cũng “ngẫu nhiên” nắm cổ phần chi phối ở đây.
Khi bà Thoa lên Thứ trưởng Bộ Công thương, em trai bà, Hồ Quỳnh Hưng nối gót làm CEO Điện Quang.
Khi về hưu bà Thoa bán gần hết cổ phần của mình ở Điện Quang “di tản” sang Pháp nhưng Điện Quang vẫn nằm trong tay gia đình bà!
Giờ đây hai em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và ông Hồ Đức Lam đang lần lượt sở hữu 2,51 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,14%) và 1,65 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,01%).
Hai con gái của bà Thoa, một là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Nguyễn Thái Nga và cô còn lại làm Giám đốc điều hành khối Nguyễn Thái Quỳnh Lê nắm giữ tổng cộng 6,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,06%).
Thậm chí, mẹ ruột của bà Thoa cũng đang sở hữu hơn 1,22 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,43%)!
Với việc nắm giữ số cổ phần rất lớn như trên thì gia đình bà Thoa hàng năm vẫn thu “đều như vắt chanh” hàng chục tỷ đồng nhờ hoạt động chia cổ tức đều đặn của DQC.
Kể từ khi lên sàn năm 2008, chưa năm nào DQC “quên” trả cổ tức cho cổ đông. Thậm chí trong 5 năm trở lại đây, công ty thường xuyên duy trì tỷ lệ cổ tức ở mức cao (25-30%) bất chấp kết quả kinh doanh có dấu hiệu thụt lùi.
Chỉ cổ tức không, chẳng cần phải làm gì bậy bạ thì hàng trăm tỷ đã về nhà bà Thoa, từng ấy năm sinh sôi nảy nở lớn chừng nào nên quan chức kiểu như bà Thoa, muốn nghèo cũng không được.
Có nghèo chỉ dân chúng và đất nước này thôi anh chị ạ!
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> ‘Trường hợp đặc biệt’ chứng tỏ Đảng ‘thất bại về nhân sự’
>>> Việt Nam: Đảng bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ
>>> Thế giới chế tài Việt Nam vì những đàn áp nhân quyền
Báo đài trực thuộc Đảng, chính phủ Việt Nam im tiếng về Hoàng Sa
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT