Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=ap8d0_59-iQ
‘Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài’ do Bộ Nội vụ Việt Nam mới công bố được báo chí đăng tải cho rằng, thể chế tốt mới bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA hôm 15/1 cho rằng ‘Thể chế tốt bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài’ là một nhận định đúng. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng thể chế độc đảng của ĐCSVN không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính vì rằng thể chế đó là độc quyền đảng trị và đường lối cán bộ phạm phải những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ.
Thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.
Tiêu chuẩn số một của ĐCSVN là trung thành với Mác Lê. Thế mà những người tài chân chính rất khó chấp nhận sự trung thành này, họ không được tin cậy.
Những người tài thường hay phát hiện ra những bất cập của lãnh đạo, của đường lối và họ phản biện. Thế nhưng lãnh đạo của cộng sản không thích việc làm đó nên quy kết cho người trí thức phản biện thuộc thế lực thù địch.”
Ngoài ra, ‘Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài’ do Bộ Nội vụ Việt Nam mới công bố cũng đề xuất việc ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về chính sách nhân tài, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 15/1, Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết ý kiến của mình:
“Từ rất lâu rồi, chính quyền có chương trình trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài… rồi thì vẽ ra chính sách, nhưng trên thực tế không thực hiện được.
Không phải do chủ trương mà chính là do quan chức ở các nơi lâu nay chiếm chỗ để cho người thân của họ vào, chứ họ không cần người tài.
Đó là thực tế tất yếu ở Việt Nam khi mà cơ chế một đảng lãnh đạo khiến cho các lãnh đạo địa phương giống như ông vua một xứ…
Ví dụ như ông Bí thư tỉnh Hà Giang, hay ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh Bắc Ninh… chỉ trong từ 3 đến 6 tháng lên 3 chức vụ khác nhau, đó là bất thường.
Đó là sự bất cập của chính quyền này, nên người dân đúc kết thành một câu ‘Hậu duệ tiền tệ, quan hệ’…”
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phát biểu nhấn mạnh về việc ‘Kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho trí thức’ khi gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… vào chiều ngày 30 tháng 7 năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay đất nước đã thống nhất, hòa bình, nên các nhà khoa học, trí thức có điều kiện thuận lợi để sáng tạo, nghiên cứu, góp phần làm Việt Nam luôn tăng hạng trong Bảng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, những năm gần đây.
Khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là không có cơ sở, ông đưa ra dẫn chứng, trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã kịp thời nghiên cứu thành công kít xét nghiệm, sáng tạo phần mềm khai báo y tế, truy vết người nghi nghiễm… những đóng góp này góp phần đưa Việt Nam thành một trong những nước đầu tiên thành công trong chống chọi đại dịch.
Tuy nhiên, theo Thầy Đỗ Việt Khoa, người tài ở Việt Nam có rất là nhiều, nhưng đa số thành công thì họ lại ra nước ngoài, hoặc họ làm cho công ty tư nhân chứ họ không làm cho công ty nhà nước… Ông giải thích nguyên nhân:
“Lý do vì đồng lương của nhà nước, sự đãi ngộ của nhà nước không tương xứng, cũng như sự chèn ép của các quan chức, họ bất cần.
Ví dụ ở cơ quan cũ của tôi là Trường THPT Nhân Tảo, một tay hiệu trưởng thôi, mỗi lần hắn đi đâu là hắn kéo cả họ lắp vào các vị trí, hắn không cần người tài mà cần người xu nịnh, dốt cũng được, càng khuất phục thì càng được trọng dụng. Tôi chắc chắn nhiều địa phương khác cũng có tình trạng như vậy.
Người tài cứ tìm con đường nào đấy để làm việc cho nước ngoài, bảo nhau không về nước, kể cả các thí sinh vô địch giải Olympia… đều tìm cách làm việc cho nước ngoài, đó là một thực tế.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cũng cho rằng nguyên nhân các học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp, là do tiền lương cho người trí thức quá thấp.
Theo ông, cũng có một số người sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là tại Việt Nam họ khó có khả năng phát triển kiến thức và tài năng của họ.
Có những trường hợp những người giáo sư tiến sĩ về nước không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực…
Ngoài ra Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu tại Việt Nam cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học.
Phòng thí nghiệm chưa được trang bị đủ đáp ứng nhu cầu, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng còn nhiều mặt hạn chế…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, khi trả lời RFA hôm 13/6, từng nói:
“Bao nhiêu người tài nhưng không phải đảng viên, yêu nước nhưng không yêu đảng là bị loại hết.
Tôi nghĩ người tài xuất hiện trong nền giáo dục, trong quá trình hoạt động thực tiễn, và đặc biệt người tài là người tự học và tự trưởng thành.
Cho nên chả cần phải mở trường lớp để mà đào tạo người tài mà quan trọng là công bố một tiêu chuẩn, một chức danh, sau đó thì thi tuyển. Bất kể người ấy là đảng viên hay không đảng viên, bất kỳ người ấy ở vùng miền nào, như vậy sẽ có người tài thôi.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, không thể bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng kể từ năm 2013, sau khi nghe khuyến cáo từ Ngân hàng Thế giới, chính phủ Việt Nam đã có nhận thức về việc phải thay đổi thể chế và mô hình tăng trưởng, dựa vào nhân lực chất lượng cao và công nghệ, thay vì dựa vào vốn đầu tư công và tài nguyên.
Giờ đây, việc Bộ Nội vụ cụ thể hóa một chủ trương đã có là một biểu hiện tốt, ông Võ nhận xét. Ông nói thêm:
“Ý tưởng sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đã có từ lâu rồi. Thế nhưng thực hiện thì chưa ổn lắm, chưa trúng lắm. Bây giờ Bộ Nội vụ nhắc lại, nhấn mạnh lại chủ trương lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy nhân tài làm động lực để tăng trưởng thì đúng hướng, là lối đi giống các nước khác đã thành công, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore”.
Mặc dù vậy, ông Võ cho rằng việc thu hút nhân tài giờ đây còn khó hơn so với khoảng 10-15 năm trước, vì nạn chạy chức chạy quyền hiện nay ngày càng trầm trọng, tạo thành xu hướng đi đến thể chế thân hữu, thậm chí có những trường hợp cán bộ có khuyết điểm còn được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, dẫn đến tâm lý tiêu cực, nghi ngại ở phía nhân dân. Ông minh họa:
“Có cái câu mà những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhắc tới: ‘Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ’.
Có nghĩa là người tài có trí tuệ để được cất nhắc thì xếp ở hàng thứ tư. Đây chính là điểm khó khăn hơn cả mà cần phải vượt qua.
Nói cách khác, phải tuyệt đối chống được tham nhũng, chống được cách thức thân hữu, chống được con ông nọ bà kia, v.v.. thì lúc đó chúng ta mới chọn được nhân tài thực sự”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 4/1 từ Hà Nội nói:
“Tôi rất là băn khoăn về khái niệm tù mù thế nào là nhân tài, rất đáng tiếc là những người cầm cân nảy mực trong chế độ này có khi họ cũng chẳng hiểu thế nào là nhân tài.
Nhưng họ phải dùng những mỹ từ như vậy và thường thì họ gắn với bằng cấp, nào là giáo sư, tiến sĩ…
Cách đây hơn 10 năm, tôi từng viết bài đăng trên báo nhà nước là làm công chức không bao giờ cần là giáo sư tiến sĩ cả. Vì những người có chức danh như vậy họ phải hoạt động ở trong trường đại học hay viện nghiên cứu.
Còn trong lĩnh vực nhà nước tuyệt nhiên không cần những người như vậy, vì càng nhiều người như vậy, càng chết.”
Từ nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu về việc thu hút nhân tài giúp xây dựng đất nước.
Tuy nhiên dù có ra nhiều quyết định nghị quyết được cho là trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng những khó khăn gặp phải khi thực hiện mục tiêu này có vẻ như rất khó vượt qua được, khi hầu như năm nào việc hô hào cũng được lập lại.
Khi trả lời RFA hôm 04/01/2021 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“Vấn đề không phải tỷ lệ, tỷ lệ là chuyện sau đó… Chuyện trước nhất không hiểu họ định nghĩa thế nào là nhân tài, chẳng hạn nhân tài là có bằng, bằng cấp nào là nhân tài…
Mà nếu định nghĩa nhân tài là có bằng thì chỉ Việt Nam định nghĩa như vậy, vấn đề này định nghĩa rất khó khăn.
Điểm thứ hai không phải là đưa vô bao nhiêu, kinh nghiệm cho thấy người ta nói trải thảm đón nhân tài, nhưng cuối cùng điều kiện nào cho người tài năng có thể làm được việc?
Cái đó quan trọng hơn rất nhiều việc đưa người ta vào. Chứ đưa vào mà làm không được việc, hay tài năng nhưng phải ngu bớt đi để thích hợp được với bộ máy.
Những chuyện đó lớn hơn rất nhiều so với lời tuyên bố bao nhiêu phần trăm, cái đó vô nghĩa.”
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Phạm Minh Chính nắm ghế thủ tướng hay ghế chủ tịch quốc hội?
>>> Giấu nhân dân – 2 Đặc khu Phú Quốc, Vân Đồn đã lập xong?
>>> Rộ tin Nguyễn Phú Trọng đưa Hồ Thị Kim Thoa về quy án
Hội nghị 15 phá vỡ điều lệ Đảng – thất bại của “phe” miền Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT