RSF: Việt Nam là 1 trong 5 nhà tù lớn nhất với nhà báo

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=UVvv5ZOkkno

Thống kê thường niên của Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF), một tổ chức bảo vệ quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, Pháp, công bố hôm 14/12 cho biết Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia được coi là những ‘nhà tù’ lớn nhất đối với các nhà báo.

Báo cáo mới nhất của RSF cho biết tính đến tháng 12/2020, tổng cộng có 387 phóng viên vẫn còn ngồi tù chỉ vì hành nghề báo chí.

Theo RSF, số lượng nhà báo bị bỏ tù trên thế giới vẫn ở mức “cao trong lịch sử” so với con số 389 vào năm 2019. Nhìn chung, tổ chức này cho biết, số lượng nhà báo – chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp – bị giam giữ đã tăng 17% trong 5 năm qua, từ con số 328 ghi nhận được vào năm 2015.

Cũng giống như năm ngoái, hơn một nửa số nhà báo tương đương 61% bị giam cầm là tập trung ở năm quốc gia, nhiều nhất là tại Trung Quốc (117 người), tiếp đến là Ai Cập (30), Ả Rập Xê Út (34), Việt Nam (28) và Syria (27).

Báo cáo của RSF chỉ rõ: “Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 05 và tháng 06, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 01/2021.”

Trong bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới hằng năm, RSF xếp Việt Nam hạng 175 trên tổng số 180 nước được khảo sát. Đứng chung cuối bảng với chính quyền cộng sản Việt Nam là những nước độc tài khác là Trung Quốc, Lào, Iran, Bắc Triều Tiên, Syria…

Theo tổ chức RSF, báo chí nhà nước tại Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều của Đảng Cộng sản. Nguồn tin tức độc lập duy nhất mà mọi người có thể tiếp cận được là từ những nhà báo độc lập phổ biến, chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội. Bởi vậy, những người này thường xuyên bị lực lượng an ninh cộng sản sách nhiễu, đánh đập, khủng bố, bỏ tù…

Để biện minh cho các vụ bắt giam và bỏ tù họ, Hà Nội viện dẫn các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự của chế độ như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Hoạt động nhằm lật đổ…” hay nhẹ hơn thì “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” với các bản án rất dài.

Ảnh: Bản đồ thể hiện 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trong đó Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4

Bản báo cáo còn ghi nhận năm 2020 đã được đánh dấu bằng vụ bắt giữ những nhà báo nổi tiếng, như nhà báo Phạm Đoan Trang ở Việt Nam.

RSF nhận định: “Việc bắt giữ (nhà báo) Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Báo chí RSF 2019 hạng mục Ảnh hưởng, vào tháng 10 vừa qua đã khẳng định việc (chính quyền Việt Nam) đang áp dụng một chính sách khắc nghiệt hơn nhiều.”

Bà Trang, người bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 06/10, cũng đồng thời là nhà hoạt động xã hội dân sự bị cáo buộc về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” với mức án có thể lên tới 20 năm tù.

RSF nhận định rằng bà Trang là một trong những nhà báo nổi bật nhất trong năm bị bắt giữ. Không lâu trước khi bị bắt, bà Trang – người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí – cho xuất bản bản Báo cáo Đồng Tâm về điều tra của bà đối với vụ đụng độ giữa công an và người dân làng Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.

Ngay trước đó, hôm 07/12, RSF đã khởi động một chiến dịch kêu gọi thả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Tổ chức này đang bắt đầu chiến dịch bằng một thỉnh nguyện thư và một video trong đó những nhà báo Việt Nam sống ở nước ngoài “lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ” cho người mà RSF gọi là “biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do thông tin ở Việt Nam.”

Ảnh chụp màn hình hồ sơ “Bạo lực của nhà nước đối với các blogger và nhà báo” tại Việt Nam trên trang web của RSF

Trong video có tên #FreePhamDoanTrang mà RSF công bố trong chiến dịch này, các nhà báo, blogger và những người bạn của bà Trang hiện đang sống ở Pháp, Đức, Đài Loan và Mỹ “với lợi thế sống lưu vong để nói về những gì mà những người đồng hương của họ ở Việt Nam không thể nói ra mà không bị nguy cơ đối diện các án tù lâu dài.”

Một trong những người được RSF phỏng vấn trong video này là luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang sống lưu vong ở Đức sau khi được thả sớm hơn thời hạn bản án tù 15 năm vào năm 2018, nhận định Phạm Đoan Trang là một trí thức gắn bó với đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền và đánh động ý thức chính trị nơi người dân.

Cũng từ nước Đức, ông Lê Trung Khoa, phụ trách trang ThoiBao.de, khẳng định Phạm Đoan Trang chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm.

Blogger Trần Thị Nga, người bị chính quyền Việt Nam kết án 9 năm tù trước khi được thả ra để sang Mỹ sống lưu vong, nói trong video của RSF rằng: “Hiện tại nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang dùng một điều luật hết sức là mơ hồ để nhét cô Trang ở trong trốn ngục tù… Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm đạo đức của con người.”

Ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập viên Luật Khoa tạp chí và TheVietnamese, đang ở Đài Loan, cho rằng Đoan Trang là một trong những nhà báo có nhiều tác động nhất, nằm trong số những nhà hoạt động can đảm và hiệu quả nhất.

RSF cũng khởi động lấy chữ ký cho một thỉnh nguyện thư trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam thả tự do “ngay lập tức và không điều kiện” cho nhà báo Phạm Đoan Trang.

Mục đích của RSF khi phát động thỉnh nguyện thư này là “nhằm tránh cho Phạm Đoan Trang bị án tù lâu dài bằng cách gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam.”

Daniel Bastard, người đứng đầu ban Châu Á – Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo ra hôm 07/12 rằng: “Nhờ sự dũng cảm và sự hào phóng của mình, Phạm Đoan Trang đã trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh nhằm mang lại nền báo chí độc lập và đáng tin cậy cho những người dân Việt Nam.”

Ảnh chụp màn hình video có tên #FreePhamDoanTrang do RSF thực hiện trong khuôn khổ chiến dịch đòi tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang

Hồi tháng 06, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) nhận định rằng chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 01/2021.

Ngày 30/10/2020, HRW ra thông cáo đề nghị chính phủ Nhật Bản “ngay lập tức hủy bỏ các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho Bộ Công An Việt Nam”, vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của cơ quan này.

Thông cáo của HRW nêu rõ, hôm 19/10/2020, Bộ Ngoại giao Nhật công bố khoản tài trợ 300 triệu yên (2,84 triệu đô la Mỹ) cho Bộ Công an Việt Nam để mua trang thiết bị chống khủng bố. Theo Tokyo, khoản tài trợ trên để giúp “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng”, ổn định xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên theo lời của ông Phil Robertson, Phó giám đốc Ban châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền này, “cung cấp thiết bị cho Việt Nam dưới vỏ bọc chống khủng bố và bảo vệ trật tự công cộng sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công an Việt Nam đàn áp những người biểu tình ôn hòa một cách khốc liệt hơn”, trong khi mà Bộ Công an Việt Nam là đối tượng chủ yếu vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, với các vụ tra tấn ngược đãi các nghi can hình sự, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền.

Ông Robertson nói trong thông cáo: “Những người đóng thuế cho Chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ này cho cơ quan cấp bộ của Việt Nam xâm phạm nhân quyền nặng nề nhất.”

Thông cáo của HRW cũng dẫn ra một số trường hợp nghi can hình sự hay tù chính trị, những người bị giam giữ chỉ vì thực hành hoặc đòi các quyền cơ bản một cách ôn hòa, đã bị công an Việt Nam tra tấn, ngược đãi trong những năm gần đây.

Ảnh: Bức ảnh về 6 nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến do HRW tổng hợp gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy

Báo cáo thường niên của CIVICUS Monitor tổ chức toàn cầu chuyên theo dõi không gian chính trị và xã hội dân sự mới đây cũng xếp Việt Nam vào nhóm « đóng cửa » đối với xã hội công dân. 

Báo cáo ghi nhận việc tôn trọng các quyền tự do căn bản tại 196 nước, được xếp vào năm nhóm « cởi mở », « thu hẹp », « ngăn trở », « hạn chế », « đóng cửa ».

Tổng cộng năm nay chỉ có 13% dân số thế giới sống tại các nước « cởi mở » và « thu hẹp », cho thấy không gian chính trị đang xấu đi trên thế giới.

Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có Đài Loan được đánh giá là « cởi mở ». Có 9 nước xếp loại « ngăn trở », 9 nước « thu hẹp », và 4 nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên được cho là « đóng cửa » với xã hội công dân. 

Theo báo cáo, mỗi nước có cách trấn áp khác nhau. Một số chính phủ gia tăng các vụ tấn công trực tiếp vào xã hội dân sự, sách nhiễu các nhà hoạt động, dẹp biểu tình hay hành hung những người phản kháng, nhà báo, blogger. Số khác đàn áp dưới vỏ bọc hợp pháp, thông qua những đạo luật hà khắc để ngăn trở những người bất đồng chính kiến.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hội nghị Trung Ương 14: Vẫn chờ “trường hợp đặc biệt”?

>>> Đại hội 13: Ai sẽ là Tổng bí thư?

>>> Nguyễn Phú Trọng rút, Nguyễn Xuân Phúc – Trần Quốc Vượng „đấu nhau“

Việt Nam: ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ?

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT