Chiều 07/12, tại cuộc họp báo sau Hội nghị toàn quốc ngành Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cho biết đã làm việc với gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa và yêu cầu gia đình động viên bà Thoa sớm ra trình diện để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Truyền thông trong nước đưa tin, Đại tá Trữ Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trả lời báo chí chung quanh việc truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Đại tá Dũng cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các nước, các cơ quan chức năng, cơ quan ngoại giao truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa theo quy định của Pháp Luật.
Theo Đại tá Dũng, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Hồ thị Kim Thoa.
Trước đó, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 02/12, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã cho biết, ngày 09/07, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Sau khi xem xét thấy bà Thoa không có ở nơi cư trú và xác định bà Thoa đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc vào ngày 04/09.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng cho biết thêm là: “Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế cũng đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.”
Ngay sau thời điểm Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết hôm 02/12 là Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, tổ chức độc lập có tên Kiểm Tin đã khẳng định rằng tin “bà Hồ Thị Kim Thoa bị tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế truy nã đỏ” đã không thể xác nhận, và có khả năng là thông tin giả.
Kiểm Tin đã truy cập trang View Red Notices trên web của Interpol quốc tế để tìm kiếm lệnh truy nã đỏ đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, thì tại thời điểm tìm kiếm 7:00 ngày 03/12 thì không có kết quả.
Kiểm Tin cũng tìm kiếm trong danh sách lệnh truy nã đỏ với tất cả nữ nghi phạm quốc tịch Việt Nam, thì kết quả 14 lệnh tại khoảng cùng thời điểm nói trên không có tên bà Hồ Thị Kim Thoa.
Cho đến hôm 07/12 khi Đại tá Chữ Văn Dũng, Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhắc lại thông tin Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa thì chính một tờ báo chính thống của Việt Nam là Tuổi Trẻ cho hay trên website của Interpol tính đến ngày 08/12 vẫn chưa có tên Hồ Thị Kim Thoa trong hơn 62.000 lệnh truy nã đỏ được ban hành và đang có hiệu lực. Trong số 62 người mang quốc tịch Việt Nam bị truy nã quốc tế, cũng chưa có tên bà Thoa.
Kênh truyền thông BBC cho biết dường như vào thời điểm bị khởi tố, bà Kim Thoa đang đi du lịch Pháp, trong đó có ghé trung tâm thiền tập Làng Mai tại Pháp.
Sau khi nghe tin khởi tố, bà Thoa đã ở lại Pháp bằng visa du lịch. Cụ thể, bà Kim Thoa đang sống tại Paris, thủ đô nước Pháp từ lúc bị Việt Nam phát lệnh khởi tố đến nay.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đưa tin cũng trong ngày 02/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy:
Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010 – 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố.
Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Hồi trung tuần tháng 11, dư luận truyền tai nhau thông tin bà Kim Thoa đã bị bắt tại Pháp. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã phủ nhận thông tin này.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 19/11, khi được yêu cầu xác minh về việc báo chí phương Tây nói rằng bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị bắt ở Pháp và có thể bị dẫn độ về Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Tôi không có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ tại Pháp.”
Trước đó 2 ngày, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, Tô Ân Xô cũng cho biết Bộ không nhận được thông tin chính thức về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt và sẽ sớm được dẫn giải về Việt Nam, nên chưa xác nhận nguồn tin là đúng hay sai.
Facebooker Bùi Văn Thuận nhận định hôm 17/11 rằng: “Báo chí đưa tin kiểu này, Bộ Công an trả lời kiểu này thì 99% Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương đã bị hốt.
Hãy nhớ lại các vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất, Trần Bắc Hà, Phan Văn Anh Vũ… Cũng cách đưa tin và cách trả lời kiểu này của Bộ Công an.
Vấn đề bây giờ là: Bà Thoa bị bắt cóc hay bắt theo hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp.
Bắt theo kiểu nào cũng chỉ nhằm phục vụ các kế hoạch, mảng miếng cắn nhau giữa các băng nhóm đồng đảng – đồng chí. Nhiều ngón đòn, những chiêu trò đâm lén, các bên vẫn chưa tung ra hết đâu. Sắp tới, các đồng chí chóp bu còn cắn xé, đấm nhau dữ dội lắm.”
Sau khi Thiếu tướngTô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an hôm 02/12 thông báo Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, facebooker này cũng nhắc lại “lịch sử“: Cách đây hơn 3 năm, Trịnh Xuân Thanh cũng bị Bộ Công an tung tin là Interpol đang truy nã đỏ. Sau đó Thanh bị bắt cóc về Việt Nam để xin lỗi bác Trọng.
Nhiều người tin rằng bà Hồ Thị Kim Thoa sớm muộn cũng sẽ bị dẫn độ về nước theo Hiệp định Dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp.
Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, đã được ký kết vào ngày 06/09/2016 tại Hà Nội, nhưng đến đầu tháng 5 năm 2020 mới bắt đầu có hiệu lực.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa rất có thể sẽ là người đầu tiên bị đưa về nước theo hiệp định dẫn độ này.
Tuy nhiên, lại có thông tin cho rằng “bà Thoa chỉ cần thuê luật sư giỏi chống dẫn độ, thì cứ an tâm hưởng tuổi già bên Pháp, đến khi cái đảng ở Ba Đình tự tan rã lại về thăm quê”.
Điều 3 của Hiệp định dẫn độ Việt Nam – Pháp (2016) nêu ra các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, chẳng hạn như:
– đối với các tội phạm được Pháp xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị;
– hoặc Pháp có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến;
– hoặc trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục;
– hoặc trong trường hợp hình phạt có thể bị áp dụng theo pháp luật của bên yêu cầu về những hành vi bị yêu cầu dẫn độ là tử hình, trừ trường hợp bên yêu cầu cung cấp đảm bảo chắc chắn rằng hình phạt tử hình sẽ không bị áp dụng, tuyên án hay thi hành.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Bộ Công An tấn công – Dr. Thanh chống đỡ
>>> Nguyễn Phú Trọng quyết “chặn đường” quan chức thời Nguyễn Tấn Dũng
>>> Đại hội 13: Sợ dân chủ – Đảng cản trở kinh tế thị trường
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT