Sau khi các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ mạnh mẽ đề xuất chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền, giới hoạt động bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ việc Washington áp dụng các biện pháp chế tài thiết thực.
Trong những tuần qua, một số nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, cũng như lên tiếng tại các buổi hội luận về nhân quyền, thúc giục Chính quyền Hoa Kỳ có biện pháp chế tài đối với các quan chức Việt Nam “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, xem áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, và đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga, hiện sống lưu vong tại bang Georgia, Hoa Kỳ, sau khi rời nhà tù Việt Nam vào tháng 1/2020, nêu nhận định với VOA:
“Hướng đi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ có biện pháp chế tài những đảng viên, quan chức cộng sản vi phạm nhân quyền là hướng đi lành mạnh và thực tế. Có như vậy, các quan chức cộng sản họ mới dè chừng, dừng lại tội ác của mình.
“Đề xuất này rất có ích đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với những người bất đồng chính kiến, những người bày tỏ quan điểm tôn giáo của riêng mình.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện sống lưu vong lại Đức, sau khi bị giam cầm hai lần tại Việt Nam vì lên tiếng bảo vệ nhân quyền, nói với VOA:
“Trong thời gian qua, áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, và các tổ chức quốc tế đối với vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất là mạnh mẽ, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục bắt giam, tuyên án tù dài…
“Những tiếng nói đó dù mạnh mẽ nhưng chưa đủ mạnh đến mức có thể buộc chính quyền Việt Nam phải lắng nghe những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, vì vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp (dân biểu, thượng nghị sĩ) với cơ quan hành pháp để tiếng nói của họ có áp lực để trừng phạt họ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm rằng việc các nhà lập pháp Hoa Kỳ đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền sẽ khích lệ tinh thần tranh đấu của các nhà hoạt động trong nước, dù đang ở trong tù hay đang được tự do.
Trước đó, hôm 7/8, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal phát biểu tại hội luận trực tuyến trong Ngày Vận động cho Việt Nam do BPSOS tổ chức:
“Tôi nghĩ rằng Quốc hội nên đưa Việt Nam trở lại với Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC, chúng ta đã thấy Việt Nam bắt đầu thay đổi các hành động nhân quyền của họ như thế nào sau khi được ra khỏi CPC trước đây.”
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải vận động cho hai điều: Áp dụng Đạo luật Magnitsky và đưa Việt Nam trở lại CPC. Và tôi nghĩ đây sẽ là điều cần phải làm.”
Thượng Nghị sĩ Marco Rubio viết thư cho Hội luận: “Chúng tôi biết rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Các quyền cơ bản của người dân Việt Nam về thực hành tín ngưỡng và tôn giáo, cũng quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp phải được tôn trọng và bảo vệ.”
Ông Rubio viết tiếp: Chính phủ Hoa Kỳ phải minh bạch rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ không thể đạt được tiềm năng đầy đủ nếu như những lạm dụng này tiếp diễn; chúng ta phải tiếp tục cam kết thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị Việt Nam, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ chỉ vì bảo vệ quyền của người dân Việt Nam.”
Các nhà hoạt động tôn giáo Hòa Thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi, nói với VOA trong các cuộc phỏng vấn trước đây rằng các ông đồng tình việc đưa Việt Nam trở lại CPC với lý do rằng chính quyền tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Ngoài CPC và Luật Magnitsky Toàn cầu, các nhà lập pháp Hoa Kỳ ở cả Thượng viện và Hạ viện còn giới thiệu các dự luật nhân quyền Việt Nam.
Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ John Cornyn giới thiệu dự luật S.1369 – Dự luật Trừng phạt Nhân quyền Việt Nam, được các Thượng nghị sĩ John Boozman, Bill Cassidy, và Marco Rubio đồng ủng hộ. Dự luật này đề ra các biện pháp chế tài tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu nhưng áp dụng riêng cho Việt Nam: yêu cầu Tổng thống áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những quan chức và gia đình của họ đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền đối với công dân Việt Nam.
Đại sứ Anh quan ngại về bản án tù nặng nề dành cho nhóm Hiến Pháp
Chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc Việt Nam kết tội và tuyên án tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp lên tới 40 năm tù giam, Đại sứ Anh tại Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại trước các mức án mà ông gọi là “nặng nề” dành cho những “người bảo vệ nhân quyền của Việt Nam.”
Nhóm 8 người có tên Hiến Pháp bị đưa ra xét xử hôm 31/7 tại một toà án ở TP HCM của Việt Nam, với bản án nặng nhất là 8 năm tù và thấp nhất là 2 năm rưỡi, với cáo buộc “phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Vụ xét xử nhóm Hiến Pháp cùng với các vụ bắt giam gần đây gồm các thành viên Hội Nhà báo Độc lập và các bản ánh nhiều năm tù dành cho các nhà hoạt động vì môi trường như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hoá đã khiến quốc tế quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
>>>(Ảnh: các thành viên của nhóm Hiến pháp trong phiên tòa sơ thẩm tại TpHCM hôm 31/7)
Gần đây Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, đại diện Địa hạt 47 tiểu bang California, chia sẻ tại một buổi hội luận về nhân quyền tại Việt Nam rằng ông đang thực hiện thủ tục để chính thức bảo trợ Tù nhân lương tâm trẻ Nguyễn Văn Hóa.
“Tôi rất ấn tượng với những gì anh Hóa đã làm,” ông nói.
Anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo trẻ tuổi và là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, đã đưa tin và hình ảnh video về những vụ biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Tĩnh năm 2016. Năm 2017 anh Hóa bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
“Video của anh đã đóng vai trò lớn cho thế giới thấy việc gì đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi muốn sát cánh với anh, lên tiếng cho anh, và cho Việt Nam biết, chúng ta đang quan sát họ rất kỹ. Mỗi khi họ muốn tương tác với chính quyền Hoa Kỳ, những người bảo trợ TNLT như tôi sẽ lên tiếng đòi hỏi họ trả tự do cho những TNLT đó.”
Chương trình bảo trợ TNLT, được gọi là Dự án Bảo vệ Tự Do, là một trong những chương trình chính của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Destro kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Cuộc họp hôm 14/8 là phiên thảo luận thứ 6 trong chuỗi Hội luận ‘Ngày Vận động cho Việt Nam 2020,’ quy tụ các diễn giả quốc tế đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên hiệp quốc, ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự.
Nêu lên các trường hợp gần đây khiến quốc tế quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam như vụ xử nhóm Hiến Pháp, vụ bắt giam Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cùng các thành viên, và các bản án dành cho các nhà hoạt động vì môi trường như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hóa, ông Robert Destro nhấn mạnh:
“Mọi cá nhân tại Việt Nam phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù.”
Các nhà hoạt động này ‘bị bắt vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình,’ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Destro nói.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động của họ phải phù hợp với các quy định về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết,” ông tiếp lời.
Phát biểu tại buổi Hội luận, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, Tiến Sĩ Ahmed Shaheed, nhận xét tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ so với cách nay 6 năm khi ông đến Việt Nam.
“Việc thực thi Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam còn nhiều hạn chế đối với những nhóm tôn giáo chưa được đăng ký.”
Ông lưu ý việc chính quyền Việt Nam sử dụng nhiều điều luật, nhất là điều luật về an ninh quốc gia với những điều khoản rất mơ hồ, nhưng thực tế lại được sử dụng như một công cụ để đàn áp quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước.
“Tất nhiên, còn có các cuộc tấn công của các thành phần xã hội khác nhau của chính quyền nhắm vào các nhóm Tin Lành thiểu số như là một mục tiêu cụ thể, bao gồm tấn công tài sản, tấn công người, đe dọa và bắt bớ, và có thái độ, ngôn từ thù hằn với nhóm tôn giáo này,” ông Shaheed nói.
Bà Desi Hanara, Điều phối viên Khu vực Đông Nam Á cho một dự án chung giữa các Nghị Sĩ ASEAN về Nhân Quyền (APHR) và Ủy Ban Quốc tế của các Nghị sĩ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (IPPFoRB), cho biết 65 nghị viên đương nhiệm và cựu nghị viên từ nhiều quốc gia đã cùng ký thư chung gửi đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/8, yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”
“Cùng nhau, chúng tôi đồng lòng đưa ra một ưu tiên. Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng tôi xin thông báo rằng ngày hôm qua chúng tôi đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Việt Nam. Bức thư được 65 nghị viên từ 28 quốc gia trên khắp thế giới ký tên kêu gọi Thủ tướng ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển và tất cả những ai bị giam cầm chỉ vì lên tiếng cho nhân quyền một cách ôn hòa.”
Tiến sĩ Heiner Bielefld, nguyên Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do tôn giáo, từng đi thực địa đến Việt Nam và tiếp xúc với ông Truyển, nói tại buổi Hội luận rằng ông Truyển ‘thật sự là một nhà yêu nước, chứ không phải là người phản động.’
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đảng “nhọ mặt” vì tham nhũng – Dân bất lực trước công lý nửa vời