Nhà báo Trân Văn mới đây đã có một bài viết mang tựa đề “Công lý nửa vời, một thủ thuật trị an!” để phản ánh tình trạng công lý nửa vời biểu hiện ở sự nghiêm khắc nhưng không nghiêm minh “đang được ứng dụng như… thủ thuật trị an cả trong nội bộ đảng lẫn trong quản trị, điều hành quốc gia” với những dẫn chứng sinh động từ công cuộc đốt lò của ông tổng Trọng mà mới đây nhất là việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị ‘đình chỉ’ công tác và sinh hoạt Đảng.
Ông Trân Văn nhận định kể từ thời điểm ngày 12/08 khi thông tin ông Chung bị tạm đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng được thông báo chính thức thì lực lượng công an bắt tay với giới truyền thông “bắn phá ông Chung dữ dội” trên báo chí, bất chấp pháp luật cũng như thông lệ, truyền thống của Đảng.
Hôm 11/08, ông Chung bị Bộ Chính trị cho ngưng chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội và đình chỉ sinh hoạt Đảng trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ra quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội trong ba tháng ‘để điều tra về sự liên đới của ông Chung trong một số vụ án’.
Cùng ngày đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, tiết lộ với truyền thông trong nước là ông Chung có liên quan 3 vụ án hình sự. Vụ thứ nhất là “vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường)”. Vụ thứ hai là liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội. Và vụ thứ ba là vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố gần đây.
Kể từ đó, báo chí tường thuật một cách chi tiết, tỉ mỉ những sai phạm được do là do ông Chung thực hiện, đặc biệt là những chỉ đạo bất thường để công ty Nhật Cường có cơ hội trúng thầu.
Một điều dễ nhận thấy là những tình tiết liên quan đến vai trò và trách nhiệm của ông Chung trong vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường không phải là kết quả điều tra báo chí mà là những thông tin do giới công an tiết lộ.
Về mặt pháp luật, Luật Tố tụng hình sự cấm việc “tiết lộ bí mật điều tra” (Điều 177) còn Luật Hình sự xác định việc “cố ý làm lộ bí mật điều tra” là tội phạm và tùy tính chất, mức độ sai phạm, người vi phạm có thể bị phạt đến bảy năm tù (Điều 286).
Còn theo truyền thống trong Đảng thì “chẳng bao giờ hệ thống bảo vệ pháp luật xuống tay với đảng viên nào vi phạm pháp luật nếu đảng chưa kỷ luật “đồng chí” đó”. Trong khi ông Chung vẫn chưa phải là bị can trong bất kỳ vụ án hình sự nào. Bộ Chính trị chỉ tạm thời đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Chung trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và không cho phép ông hành xử như Phó bí thư Thường trực của Thành ủy Hà Nội trong 90 ngày. Tương tự, Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch thành phố Hà Nội của ông Chung trong 90 ngày để công an dễ dàng thực hiện công việc điều tra. Điều tra nhằm xác định ông Chung có tội hay không, bị điều tra không phải là đương nhiên trở thành tội phạm.
Vậy điều gì khiến công an và giới truyền thông lại phối hợp ăn ý để nã đạn dữ dội vào ông Chung như vậy?
Đây là một kế hoạch đã được vạch định chi tiết nhằm “thanh trừng” ông Chung theo sự chỉ đạo của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng tích cực thái quá đến mức hiếm thấy khi gửi văn bản yêu cầu Ban Tuyên giáo chỉ đạo hệ thống truyền thông đồng loạt đưa tin ông Chung bị tạm đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng trong ngày 12/08 vừa qua.
Và phía công an cũng như truyền thông cũng cần phải có cái gật đầu từ cấp lãnh đạo tối cao thì mới dám liên kết để đăng tin một cách phá lệ như vậy.
So với các nhân vật sai phạm nổi tiếng những năm gần đây thì rõ ràng có sự ‘phân biệt đối xử’ không hề nhỏ trong việc xử lý đảng viên sai phạm trong Đảng.
Tiêu biểu là trường hợp ông Nguyễn Nhân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, trong một thời gian dài lần lượt bổ nhiệm nhiều thành viên trong gia đình mình từ vợ con, anh chị em ruột cùng họ hàng thậm chí là cả các thành viên trong gia đình thông gia vào những vào những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của tỉnh Bắc Ninh cũng như trong những cơ quan, đơn vị sự nghiệp khác của tỉnh và huyện. Danh sách liệt kê chi tiết họ tên cùng chức vụ, học vấn cũng như mối quan hệ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của những người này được cộng đồng mạng lan truyền lên đến con số vài chục người. Mà mới nhất là ngày 22/7/2020 Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có Quyết định số 1606 điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ông Chiến, 36 tuổi, tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, chuyên ngành Cờ vua, Thạc sĩ Quản lý giáo dục, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh về làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trước lùm xùm và dư luận không tốt trong việc bổ nhiệm tân lãnh đạo Thành ủy Bắc Ninh, nên ngày 03/08, Ban Tổ chức trung ương Đảng đã có văn bản yêu vầu Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh xem xét lại quyết định bổ nhiệm nhân sự đối với ông Nguyễn Nhân Chinh, tân Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, với yêu cầu điều chỉnh lại công việc phù hợp cho ông Chinh.
Ngày 05/08, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh về công tác cán bộ, ông Nguyễn Nhân Chinh đã bị buộc rời khỏi chức vụ Bí thư Thành uỷ sau 2 tuần được chỉ định. Ông Chinh được chuyển sang vị trí Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Có thể thấy, sau khi “thản nhiên khai quang, đổ bê tông cho quan lộ của trưởng nam” không thành công, vị Bí thư Tỉnh ủy “vẫn không hề ngán ngại, tiếp tục điều chuyển trưởng nam vốn không chuyên môn, không kinh nghiệm sang làm trụ cột cơ quan chuyên trách những lĩnh vực quan trọng nhất đối với dân sinh của cả một tỉnh (việc làm, môi trường lao động, an sinh xã hội)”.
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Bốn năm đốt lò cật lực và người đốt lò vĩ đại còn ngồi đó mà sát vách thủ đô củi còn chắc khoẻ thế, thì thử hỏi vài tháng nữa khi Tổng Chủ bước xuống, củi cả nước sẽ vùng lên thế nào?”
Một Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ của một tỉnh thành có vị trí cửa ngõ thủ đô, đã “dành toàn bộ năng lượng và tâm huyết để truy tầm kẻ hở, tìm đường vinh thân phì gia” như miêu tả của facebooker Nguyễn Tiến Tường mà đến nay vẫn chưa có cơ hội để vào lò.
Còn một trường hợp khác ở trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước rất đáng để đem ra so sánh với ông Chung là trường hợp ông Tất Thành Cang, thủ phạm vụ chuyển nhượng 34 héc ta đất ở Nhà Bè (TP.HCM), nếu không đổ bể sẽ khiến công khố mất khoảng 2.000 tỉ đồng,… cách nay hai năm, từng bị Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng kết luận “đã có những khuyết điểm vi phạm rất nghiêm trọng” nên bị BCH TƯ đảng tước bỏ tư cách Ủy viên của cơ quan này, bị cách chức Phó Bí thư Thường trực và tư cách Ủy viên Ban Thường vụ của Thành ủy TP.HCM, mới được Thành ủy TP.HCM… “phê bình” với lý do… “hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng”.
Theo ông Trân Văn, về nguyên tắc, việc xác định thời điểm để tính toán thời hiệu áp dụng qui định của đảng trong xem xét – thi hành kỷ luật đối với đảng viên, hay áp dụng các qui định của pháp luật nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân đều dựa vào một trong hai yếu tố: Hoặc tính từ thời điểm xảy ra vi phạm, hoặc tính từ thời điểm phát hiện vi phạm. Thảm nạn Thủ Thiêm xảy ra cách nay hai thập niên nhưng chỉ đến cách nay vài năm mới được xác định là có vi phạm. Nếu Thành ủy TP.HCM chọn thời điểm phát hiện Dự án Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vi phạm để tính thời hiệu thì rõ ràng không thể chỉ “phê bình” ông Cang và nhiều “ông” khác.
Thành ủy TP.HCM hết sức liều lĩnh khi chọn thời điểm xảy ra vi phạm để tính… thời hiệu, bởi lựa chọn đó đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã biết Dự án Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vi phạm từ khi khởi động và không những vẫn để những vi phạm đó xảy ra, hủy hoại tương lai của vài chục ngàn người mà còn lựa chọn – sắp đặt ông Cang làm cán bộ cấp chiến lược. Lựa chọn thời điểm tính thời hiệu kiểu đó có khác gì Thành ủy TP.HCM thay mặt toàn đảng thách thức công chúng: Bất kể hậu quả nghiêm trọng thế nào thì cũng sẽ không có bất kỳ ai chịu trách nhiệm!
Bên cạnh đó còn có những Triệu Tài Vinh, Phạm Thị Thanh Trà… cũng như nhiều đảng viên ‘cao cấp’ sai phạm bị phát hiện mà vẫn “bình an vô sự”, tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
Những số phận chính trị khác nhau trong công cuộc đốt lò vĩ đại đã cho thấy cái gọi là “công lý nửa vời” đang hiện hữu tại Việt Nam hiện nay. Trong nội bộ Đảng, nó “thúc đẩy tập hợp – phát triển lực lượng và khiến các băng, nhóm sử dụng mọi thủ đoạn để thu đoạt – nắm giữ – mở rộng quyền lực, tránh việc trở thành nạn nhân của nghiêm khắc”.
“Với dân, nghiêm khắc giúp giảm đáng kể sự bất bình về những bất toàn của hệ thống, bất cập trong xã hội và thường làm thiên hạ quên đòi nghiêm minh. Đó là lý do việc hành xử một cách nghiêm khắc với một vài cá nhân khiến nhiều người tin đảng quyết tâm… chỉnh đốn cho dù chính thực tế chỉ ra, đảng vẫn thế, vẫn “đốn” mà không “chỉnh”.”
“Quan sát phản ứng của công chúng ắt sẽ thấy, sự kiện ông Chung đang bị đồng chí đánh cho tả tơi làm nhiều người hả dạ. Sự hả dạ đó giảm bớt sự phẫn nộ nơi nhiều người về cách xử lý vụ Đồng Tâm bởi… ít ra công chúng cũng được chứng kiến… quả báo nhãn tiền. Nhờ vậy, đảng có thể duy trì… ổn định chính trị!”
Nhà báo kết luận: “Cứ ngẫm sẽ thấy, đảng không cần được dân chúng tin, yêu. Sở dĩ thỉnh thoảng đảng lại tỏ ra nghiêm khắc với một số đồng chí vì đó chính là cách đảng chủ động sử dụng để chỉ cho dân chúng thấy bóng dáng công lý đã thấp thoáng ở… cuối đường. Đảng chỉ cần dân tiếp tục nhẫn nại chờ đợi sự nghiêm minh sẽ đem tới công lý… toàn phần, nhờ vậy, đảng có thể tiếp tục duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối trên con đường… hướng tới nghiêm minh. Công lý nửa vời là một loại vũ khí hữu dụng, giúp hạ cùng lúc hai loại đối tượng: Đồng chí không đồng… sàng và đồng bào tuy không đồng tâm nhưng dễ bị phân tâm!”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Việt Nam: Tướng, Tá rủ nhau “vào lò“