Thịt mèo, còn được biết đến với cái tên sang chảnh “tiểu hổ”, là món ăn được ưa chuộng tại Việt Nam bởi theo quan niệm của người Việt, ăn thịt mèo vào một số ngày âm lịch nhất định thì sẽ gặp may mắn. Cùng với đại dịch COVID-19, thói quen này đã trở thành một vấn nạn khi nó có nguy cơ trở thành nguồn gốc cúa những đại dịch như virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu, FOUR PAWS có trụ sở ở Áo và Quỹ Thay đổi vì động vật – Change For Animals Foundation (CFAF) có trụ sở ở Anh, vừa công bố một báo cáo cho biết có đến khoảng 1 triệu con mèo bị buôn bán, bị giết hại để làm thức ăn mỗi năm ở Việt Nam.
Hai tổ chức này ghi nhận nhu cầu ăn thịt mèo lan rộng khắp Việt Nam nhất là với việc bãi bỏ lệnh cấm giết hại mèo của Chính phủ hồi tháng 01/2020.
Kết quả điều tra cho thấy, tình trạng ăn thịt mèo được phổ biến ở phía Bắc, Việt Nam và đang lan rộng về phía Nam, đến tận Sài Gòn. Hà Nội và Thái Bình là những điểm nóng về thịt mèo ở Việt Nam, với mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm nhà hàng, khu vực nuôi nhốt và lò mổ.
Theo các tổ chức này, ở Việt Nam không có trang trại nào nuôi mèo để chuyên lấy thịt. Thịt mèo trên thị trường có nguồn gốc từ những con mèo thú nuôi bị bắt trộm và cả mèo hoang. Những con mèo tội nghiệp này bị buôn bán khắp nơi, mà không được cho ăn uống và bị giết mổ một cách tàn bạo, mất vệ sinh.
Nhân viên điều tra của Four Paws cho biết họ đã quan sát hàng tháng trời và chứng kiến nhiều con mèo bị trấn nước, bị đập đầu, bị luộc hoặc bị chích điện để trở thành món ăn.
Kinh doanh thịt mèo được cho là một hoạt động mang lại lợi nhuận cao.
Một con mèo sống được bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg nhưng một kg thịt của chúng có giá lên tới 260.000 đồng.
Theo báo cáo vừa được công bố của FOUR PAWS và CFAF, mèo đen còn có giá cao hơn nhiều vì được cho là có tác dụng chữa bệnh. Các thương nhân bán mèo đen sống với giá 200.000 đồng/kg và thịt sống của chúng được bán với giá 500.000 đồng/kg. Một số người tin rằng ăn thịt mèo đen có tác dụng chữa bệnh, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho việc này.
Việc tiêu thụ mèo cũng tăng cao trong thời gian đại dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng giao hàng thực phẩm trên điện thoại ở Việt Nam và theo điều tra của FOUR PAWS, nhiều người được khuyến khích ăn thịt mèo vì cho rằng nó giúp ngăn ngừa virus corona.
Thậm chí, người ta còn dùng mèo để nấu cao và làm thuốc bổ. Các sản phẩm cao và thuốc bổ từ thịt mèo, nhất là mèo đen, được quảng cáo rầm rộ trên mạng ở Việt Nam với nhiều lợi ích cho sức khoẻ bao gồm chữa virus corona bởi đặc tính “làm ấm” để tiêu diệt virus cúm.
Tổ chức World Protection for Dogs and Cats in the Meat Trade có trụ sở ở Anh gọi đây “chắc chắn là một huyền thoại khác được quảng bá bởi những thương nhân vô đạo đức” tìm cách làm giàu từ hoạt động buôn bán này.
Thực tế thì hoàn toàn ngược lại với những quảng cáo vô nhân đạo trên bởi các hoạt động buôn bán mèo mang đến nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm các đại dịch tương tự như COVID-19 trong tương lai.
Báo cáo của hai tổ chức bảo vệ động vật nhận định đại dịch COVID-19 gần đây đã trở thành một hiện thực rõ ràng về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống. Trong khi đó, các điều kiện nuôi giữ động vật “chật chội và mất vệ sinh” được thấy ở Vũ Hán, nơi có thể là nguồn gốc của COVID-19, là “môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của virus mới” và nó tương đồng với những gì được ghi nhận trong các hoạt động buôn bán thịt mèo ở Việt Nam.
Cho đến nay nguồn gốc thực sự của đại dịch virus corona vẫn chưa được tìm ra nhưng ban đầu nó được cho là lây lan từ động vật hoang dã, xuất phát từ một chợ bán động vật tươi sống ở Vũ Hán.
CEO của FOUR PAWS phát biểu: “Đáng buồn thay, bất chấp những nguy hiểm và rủi ro cho sức khoẻ mà việc buôn bán thịt mèo có thể gây ra, cuộc điều tra của chúng tôi đã cho thấy rằng việc buôn bán này đang lan rộng khắp Việt Nam.”
Để chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán thịt chó mèo tàn bạo ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, FOUR PAWS cũng đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Thông qua việc giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục tiêu là hợp tác với các chính phủ ở Đông Nam Á để đưa ra luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo.
Hai tổ chức phúc lợi động vật quốc tế FOUR PAWS và CFAF kêu gọi chính phủ Việt Nam khôi phục các luật trước đây, nghiêm cấm việc buôn bán thịt mèo, đồng thời thực thi và củng cố các luật hiện hành để bảo vệ sức khoẻ con người và động vật, cũng như bảo vệ vật nuôi của người dân không bị đánh cắp.
Trên thực tế, nhiều người ở Việt Nam nuôi mèo rất lo ngại thú cưng của mình sẽ bị đánh cắp để giết thịt.
Tiến sỹ Khatherin Polak, bác sỹ thú y và là người dẫn đầu Chiến dịch Chăm sóc Động vật đi lạc của FOUR PAWS ở Đông Nam Á cho biết: “Tại các cửa hàng, chúng tôi phát hiện ra nhiều con mèo có đeo vòng cổ, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng là vật nuôi… Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã gặp nhiều chủ vật nuôi đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng những con mèo bị đánh cắp của họ.”
Thậm chí, có những vụ đụng độ, thậm chí ẩu đả, xảy ra giữa chủ nhà nuôi mèo và các tên trộm. Tuy nhiên, các nhân viên chức trách thường nhắm mắt làm ngơ vì chính họ tiếp tay cho việc buôn bán, thu lợi từ hối lộ và là người tiêu dùng thịt mèo.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất ở châu Á và ngành buôn bán động vật hoang dã ở quốc gia Đông Nam Á này – cả hợp pháp và bất hợp pháp – được cho là trị giá hàng tỷ đô la.
Việt Nam cũng đã có một số động thái nhắm hạn chế tình trạng ăn thịt mèo.
Tháng 09/2018 lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân thủ đô từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Văn bản mà tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra cho rằng việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo “gây ra những hình ảnh phản cảm” đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để giảm thiểu nguy cơ bùng phát các đại dịch tương tự trong tương lai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành một chỉ thị hồi tháng trước trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã cho đến khi có chỉ thị mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Cùng trong đợt dịch bùng phát, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng kêu gọi chấm dứt ăn thịt chó mèo vì đây có thể là nguồn lây nhiễm gây nên nhiều bệnh tật trong đó có dịch COVID-19.
Hồi tháng 05 vừa qua, Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã gửi bản kiến nghị tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 bày tỏ mối quan tâm về tình trạng buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam, cũng như mối đe dọa mà hoạt động này gây ra cho sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra.
Trong thời điểm này, ACPA mong muốn chính phủ cần phải ban hành và thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm toàn diện và trên toàn quốc với các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp như sau: Ngay lập tức ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chó, mèo để làm thịt tại Việt Nam. Đồng thời, ban hành tuyên bố công khai về các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan tới việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> VTV gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’- cộng đồng phẫn nộ
>>> Việt Nam: Tướng, Tá rủ nhau “vào lò“
>>> Thật hay giả – dữ liệu viêm phổi Vũ Hán đợt 2 tại Việt Nam