Việt Nam: Tướng, Tá rủ nhau “vào lò“

Link Video: https://youtu.be/G7jqfosY_4M

Việt Nam vừa kỷ luật cảnh cáo thêm 2 trung tướng và 6 đại tá quân đội vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 17/8.

Theo đó, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 và 6 đại tá khác bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai” và trong “tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị”.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang; khiển trách các đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, trang tin chính phủ Việt Nam dẫn thông tin từ uỷ ban này nói.

Kể từ năm 2017 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam bắt đầu cấm các đơn vị không được ký hợp đồng liên doanh, liên kết liên quan đến dự án sử dụng đất quốc phòng và thu hồi đất đối với các hợp đồng hết hạn, theo đề án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quân đội đến hết năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam.

Hàng loạt tướng lĩnh quân đội đã bị kỷ luật vì liên quan đến vấn đề đất đai trong vài năm gần đây, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cựu Tư lệnh hải quân – Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – đã bị cách hết các chức vụ trong đảng hồi năm ngoái vì các cáo buộc liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức “Út Trọc”, và 10 khu đất quốc phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây thất thoát nghiêm trọng và “ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng, Quân đội”, theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Nhiều “khu đất vàng” trong số này đang bị kiến nghị thu hồi.

Mặc dù thừa nhận “một số cán bộ, đảng viên trong quân đội có biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn…”, nhưng Bộ Quốc phòng Việt Nam trong thư trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng hồi tháng 2 khẳng định các tướng lĩnh quân đội bị xử lý chủ yếu là do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, “chứ không phải do tham nhũng”.

Trong số quân nhân bị xử lý kỷ luật, số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít (chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp); riêng số quân nhân là cấp tướng bị xử lý, không có đồng chí nào bị xử lý do tham nhũng”, Thanh Niên dẫn văn bản của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói.

Ảnh: Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân bị Viện Kiểm sát quân sự quân chủng Hải quân hôm 20/5/2020 đề nghị lãnh án 3-4 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Bộ này, các vi phạm đất đai trong quân đội chủ yếu tập trung ở các nhiệm kỳ 2005 – 2010, 2010 – 2015, tức trong giai đoạn nắm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Một cựu đại tá quân đội, ông Đinh Ngọc Hệ, thường được báo chí Việt Nam nhắc tới với danh xưng “Út trọc”, người đang thi hành một số bản án bị kết án từ trước, có thể cũng sắp phải chấp hành thêm một số biện pháp pháp lý trong một vụ việc khác.

Vụ này liên quan tới một thứ trưởng giao thông vận tải, người bị bắt và bị khởi tố bị can tuần trước, cũng theo báo chí nhà nước.

Hôm 14/8, báo Lao động đưa tin: “Cựu Thứ trưởng giao thông & vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường bị bắt vì liên quan đến Út ’trọc’ – Đinh Ngọc Hệ”.

Báo Sài Gòn Giải phóng hôm Chủ nhật 16/8 cho biết thêm:

Về việc khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT, thông tin từ Bộ Công an cho biết, ông Nguyễn Hồng Trường bị bắt do liên quan đến vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh), Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.”

Hôm thứ Sáu, vẫn theo báo Lao động, cựu đại tá quân đội Đinh Ngọc Hệ có vai trò đáng lưu ý trong vụ việc mà thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng (trước đó) đều vướng vòng lao lý.

Tờ báo thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay:

Đinh Ngọc Hệ làm chủ Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nhưng doanh nghiệp này không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực; công ty lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời.

Ảnh: Đại tá Đinh Ngọc Hệ, biệt danh “Út trọc” (giữa, hàng sau) tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì (Hạc Trì)

Thế nhưng, Công ty Yên Khánh sau đó đã trúng đấu giá 2004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 1.1.2014 đến 31.12.2018. Theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải thanh toán 2.004 tỷ đồng trong ba đợt diễn ra trước tháng 11.2014. Tuy nhiên, phải sau 15 đợt và đến 31.3.2017, phía Yên Khánh mới hoàn tất việc thanh toán.”

Không tận gốc, nhưng có thành công

Gần đây, Ủy ban kiểm tra trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục có các phiên họp và ra nhiều thông báo về kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc chống tham nhũng trong nội bộ chính quyền, các cơ quan đảng và lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều vụ ‘đại án’ được dư luận quan tâm tới.

Bình luận về công cuộc chống tham nhũng mà ban lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đang tiến hành mấy năm qua cho tới thời điểm hiện nay, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt từ Warsaw, Ba Lan nêu đánh giá của mình với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm:

Chống tham nhũng ở Việt Nam không được làm một cách tận gốc, bởi vì nếu muốn chống tham nhũng tận gốc, Việt Nam phải có đa đảng và tự do báo chí.

“Nhưng tôi cũng ghi nhận rằng công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những thành công nhất định.

“Thứ nhất là chúng ta thấy cũng đã cho “vào lò” một số thanh củi gộc, thanh củi lớn, một số vụ án lớn mà trong đó xử đến cấp bộ trưởng, đến những mức án cảm thấy là rất thích đáng.

Và tôi cho rằng, đánh giá rằng công cuộc đốt lò có những thành công nhất định, tuy rằng như đã nói là nó không phải là tận gốc, bởi vì tận gốc như Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thì cán bộ sẽ không còn ai ‘làm việc cả’.

Ảnh: một số tướng Công an và Quân đội tham nhũng đã bị kết án tù trong gia đoạn gần đây

Bởi vì chúng ta biết ông trưởng thôn cấp ấy cũng tham nhũng, cấp hiệu trưởng cũng tham nhũng, xã trưởng hay là cấp huyện trở lên, nhiều vị đều có những tài sản rất lớn cả.

“Cho nên tuy không tận gốc, nhưng tôi có ghi nhận những thành công nhất định của việc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,” bà Mạc Việt Hồng nói với một chương trình hội luận vào thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 13/8.

Cũng tại cuộc thảo luận này, bình luận về công cuộc “đốt lò, củi lửa” chống tham nhũng ở Việt Nam, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện phản biện chính sách độc lập IDS, nói: “Nếu mà chống tham nhũng nghiêm túc, thì đảng Cộng sản Việt Nam không có ai làm việc được nữa, nhiều người trong số họ, quan chức, đều có tham nhũng cả, chỉ mức độ khác nhau mà thôi.”

Đại úy Võ Minh Đức, người từng phục vụ quân đội hơn 10 năm, trong trả lời RFA hôm 13/2, nói:

Về việc quản lý đất đai, tưởng mấy ông đó lên tới cấp tướng mà không biết gì… nó tất tần tật là vì tiền… chung chi, đút lót, để nó cho người này được dự án, người kia được dự án, rồi lấy đất quốc phòng đổi chác, bán tùm lum… Không chỉ cấp tướng, cỡ đồng trang lứa như tôi, là cấp thượng tá, không ai mà nhà tranh vách lá, toàn là ít nhất 3 tầng, 4 bánh hay có người là biệt phủ.

Toàn nhà cao cửa rộng, tiền ở đâu ra, lương quân đội so với ngành khác là cao ngất ngưỡng rồi đó, nhưng chưa đủ để có cơ ngơi như thế.”

Ảnh: Biệt phủ lấn sông của gia đình thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an Hải phòng, rộng khoảng 7.000m2 và là đất thổ cư, sử dụng ổn định lâu dài, đã được cấp sổ đỏ.

Theo Đại úy Võ Minh Đức, đó là bề nổi, chưa kể bề chìm là đưa con đi học nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài thì tiền ở đâu ra? Đó chính là tiền bổng lộc chức quyền đem lại trong quản lý đất đai và các mảng khác.

Còn theo Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc Phòng, có thể nhìn rõ các tướng tá trong quân đội có tham nhũng hay không qua những tài sản mà họ có. Ông nói với RFA hôm 13/2:

Tôi từng ở trong quân đội, với mức lương được cấp phát, để đủ sống ở thành phố đã khó, chưa nói đến chuyện mua sắm xe cộ nhà cửa. Thế nhưng tôi thấy xung quanh tôi, không đến cấp tướng đâu, mà đến cấp tá thôi, cũng nhiều người giàu có rất là bất thường. Tôi nghĩ rằng với vị trí công tác như vậy, tính chất công việc, thời gian như vậy, không thể có cách kiếm tiền nào khác ngoài tham nhũng.”

Ở Việt Nam có câu thành ngữ ‘Nó lú có Chú nó khôn’, tức là bản thân ông tư lệnh hải quân, ở dưới có rất nhiều cơ quan hay cá nhân tham mưu giúp việc, nếu bản thân ông ta có nhầm lẫn hay sai sót, sẽ có một hệ thống cảnh báo, ngăn chặn… kể cả cấp trên. Thế nhưng để ra sai phạm lớn như vậy, tôi nghĩ họ không lầm đâu mà họ biết làm vậy là sai phạm… nhưng họ cố tình làm sai, vì liên quan hàng ngàn tỷ đồng thì ai cũng có thể thấy. Ví dụ ra chợ, mớ rau 5 ngàn 3 ngàn còn phải mặc cả, đằng này đây, những khối tài sản cực kỳ lớn, rõ ràng họ phải biết, nếu chênh lệch thì cũng chỉ có thể chút ít thôi chứ không phải như vậy.”

Ngoài tham nhũng trong đất đai, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí cho Bộ quốc phòng cũng được nêu lên nhiều dấu hỏi về những khoảng ‘lại quả’ ‘hoa hồng’

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới. Cụ thể trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số vũ khí bán ra trên toàn cầu.

Ảnh: Theo BBC, vụ bê bối của Airbus bị phạt hàng tỷ Đô la hồi tháng 2/2020 đã tiết lộ việc bán 3 máy bay vận chuyển quân sự C-295 cho Việt nam từ 2009-2014, trong đó Airbus đã trả “đóng góp chính trị, chi phí, hay tiền hoa hồng” thông qua bên thứ ba.

Chỉ trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020.

Liên quan vấn đề này, Trung tá Vũ Minh Trí cho biết ý kiến của mình:

Tôi không có thông tin thật cụ thể nhưng nghe nói nhiều, nhưng tôi có thể suy ra từ những việc nhỏ, ví dụ như mua giấy văn phòng, xe công, hay quà cáp… thì đề có tình trạng ăn hoa hồng hay kê giá cao lên. Nên tôi nghĩ việc mua vũ khí thì rất khó tránh khỏi tham ô. Đặc biệt khi không có giám sát của cơ quan chức năng, với lý do bảo mật, an ninh quốc phòng…”

Nhận xét về việc đòi hoa hồng trong mua sắm thiết bị quốc phòng, ông Phạm Đình Trọng nói:

Cái đó thì gần như là đương nhiên ở cái lệ mua bán ở Việt Nam, không cần phải nói thì ai cũng biết là họ có đi đêm. Ví dụ mua vũ khí của Mỹ thì họ đòi đến 25% chẳn hạn, chính vì thế không mua được vũ khí của Mỹ mà phải mua của những nước tham nhũng như Nga, Ấn Độ… vì Mỹ quy định chặt chẽ, quan chức khó tham nhũng được.”

Vào năm 2017, trang tin Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp ở Hà Nội, rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị. Sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại”.

Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên nhân của vấn nạn này ai cũng biết, đó là do một chế độ tham nhũng, đối với một chế độ cộng sản thì không thể hạn chế tham nhũng được. Vì người dân không có quyền kiểm soát nhà nước thì làm sao hạn chế được.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> “Triệt hạ đối thủ” – Trương Duy Nhất y án 10 năm tù

>>> Bắt cóc công dân – mật vụ Việt Nam “hành tẩu giang hồ”

>>> Chủ tịch Chung giáng chức – Thủ tướng Phúc hả hê

Gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’ – Tuyên giáo Đảng mạt sát Dân