Những ngày qua, tuyến phòng dịch Việt Nam, niềm tự hào của Đảng và Chính phủ, đã bị đâm thủng khi những ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng virus lây lan ở Đã Nẵng là chủng thứ 6 tại Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận và chủng vius mới lần này xuất phát từ bên ngoài. Mọi sự chú ý nay đổ dồn vào những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời gian gần đây.
Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với sự tiếp tay của một số người Việt Nam, đang làm dấy lên chỉ trích gay gắt trong dư luận trước nguy cơ nỗ lực “chống dịch như chống giặc” có thể đổ vỡ.
Trả lời phỏng vấn BBC, Luật sư Lê Trung Phát từ Hãng luật Lê Trung Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có các ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này không chỉ là phạm tội mà còn là “tội ác“.
“Có thể nói, tội phạm nào cũng đáng bị lên án bởi nó để lại hậu quả lớn cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam, mà những người phạm tội lại thực hiện các hành vi nêu trên, thì đây có thể được coi là một tội ác.”
“Hậu quả nó để lại cho xã hội là vô cùng lớn, làm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc để phòng chống, đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu dân, làm ảnh hưởng và suy thoái cả một nền kinh tế, tốn kém không biết bao nhiêu ngân sách của nhà nước. Nó cũng chẳng khác gì so với hành vi diệt chủng, bởi nó đã gieo rắc cái chết đến cho rất nhiều người, nếu họ không được chữa trị kịp thời.”
Luật sư Lê Trung Phát cho biết những người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 với “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép“.
Theo đó, tùy vào tính chất mức độ như: phạm tội từ 2 lần trở lên, đối với từ 5 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Phát phân tích rằng, những người phạm tội này có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 với các tình tiết như phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và đặc biệt là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.
Vị luật sư nói: “Như vậy, khi áp dụng khung hình phạt trong giới hạn của Điều 348, thì họ sẽ bị áp dụng gần như là ở mức cao nhất của khung hình phạt mà họ bị truy tố, tức 15 năm tù.”
Luật sư Phát cũng nêu quan điểm rằng: “Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần triển khai nhanh công tác xét xử người phạm tội, để sớm tiến hành trục xuất những người này ra khỏi Việt Nam, tránh phải tiêu tốn thêm ngân sách để điều trị cho họ, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích của quốc gia. Đối với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khi phát hiện hành vi vi phạm về nhập cảnh, có nguy cơ gây lây dịch bệnh, cần áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh và nhanh chóng cho họ quay trở lại quốc gia, lãnh thổ mà họ đã đến.”
Trước tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh lậu bị phát hiện ngày càng nhiều, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chất vấn các cơ quan chức năng trong buổi họp trực tuyến sáng 25/7 rằng những người Trung Quốc này nhập cảnh trái phép bằng đường nào, trách nhiệm thuộc về ai?
Trung tá Quân đội Đinh Đức Long cho rằng chính ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu một phần trách nhiệm liên quan đến thể chế. Ông Long giải thích: “Thể chế ở đây là giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định cho phép người Trung Quốc nhập cảnh vào một số điểm ở Việt Nam không cần visa, chẳng hạn như Quảng Ninh, vùng biên giới được đi về trong ngày hoặc được một thời hạn nhất định nào đó. Họ được lái xe vào đến Lạng Sơn. Nếu họ đi tiếp ai cản được? Đó là kẽ hở về mặt thể chế. Có nghĩa ông Phúc chịu một phần trách nhiệm, không phải hoàn toàn.”
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung trên đất liền dài 1.350 km đi qua bảy tỉnh, bao gồm Điện Biên; Lai Châu; Lào Cai; Hà Giang; Cao Bằng; Lạng Sơn; Quảng Ninh. Ngoài những cửa khẩu chính như Cửa khẩu Hữu Nghị, Cửa khẩu Đồng Đăng, Cửa khẩu Móng Cái… giữa hai nước còn rất nhiều cửa khẩu phụ và đường mòn, lối mở nên việc qua lại không dễ kiểm soát.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam thì về mặt lý thuyết thì cửa khẩu chính là nơi khách quốc tế có thể qua lại, còn cửa khẩu phụ là nơi cho dân cư các huyện, các xã vùng biên giới qua lại. Đường mòn lối mở để có sự giao thương. Hiện nay hai nước đều có sự căng thẳng vì dịch nên mở cửa khẩu chính hay phụ thì việc kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, để tăng cường hợp tác, hữu nghị hai nước, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biên giới, giới chức Việt Nam cho phép xe tự lái Trung Quốc được phép đi lại giữa hai bên biên giới ở một số tỉnh.
Bắt đầu từ ngày 06/9/2018, khách du lịch Trung Quốc từ Quảng Tây có thể lái xe đến tham quan khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ngược lại, khách du lịch Việt Nam cũng có thể lái xe đến tham quan thành phố Sùng Tả, thành phố Nam Ninh, của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngoài Lạng Sơn, từ tháng 3/2018, xe Trung Quốc theo tour du lịch cũng được phép vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Xe không theo tour du lịch thì được vào thành phố Hạ Long từ tháng 01/2017.
Không chỉ người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm, nhiều ý kiến còn cho rằng các cơ quan quản lý cũng liên đới trách nhiệm.
Ông Đinh Đức Long nhận định: “Còn vấn đề con người. Khi người Trung Quốc đi qua đường mòn lối mở, đường tắt thì có người Việt Nam ăn tiền dắt họ qua. Thậm chí họ mua chuộc những người làm nhiệm vụ ở đó. Rõ ràng khâu kiểm soát an ninh cửa khẩu biên giới rất lỏng lẻo. Những người đấu tranh ôn hòa thì có khi có cả tiểu đội công an gác cửa, đi đâu cũng có ba bốn người đi theo trong khi giặc nó mang bệnh vào, mang rối loạn an ninh trật tự vào thì chả canh được.”
Người dùng facebook Hà Phan viết: “Không chỉ sợ hãi dịch bệnh mà còn bởi an ninh quốc gia vì làm gì có quốc gia nào chấp nhận chuyện đã vượt biên trái phép rồi thản nhiên lên xe từ Bắc vào Nam đến Đà Nẵng, Quảng Nam sinh hoạt bình thường vài ngày mới bị phát hiện?! Trừng trị nặng những kẻ ” rước kẻ lạ” vào nhà chưa đủ, những người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Chuyện quốc gia đại sự chứ phải đơn thuần đưa người kiếm ít nhân dân tệ đâu nhỉ? ” Giặc” cả sau lưng lẫn trước mặt chứ đâu xa…”
Một vấn đề khác cũng được đặt ra đó là xử lý người phạm tội quốc tịch Trung Quốc.
Nhiều người lo ngại rồi đây Việt Nam sẽ đưa tội phạm Trung Quốc về lại nước này như nhiều trường hợp trước đây. Mọi chuyện sẽ ‘chìm xuồng’ và vấn nạn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ không giải quyết được. Việt Nam vì thế vẫn là điểm đến của tội phạm Trung Quốc.
Có thể nêu vài ví dụ, tháng 9/2019, một đường dây sản xuất ma túy với số lượng rất lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành tại tỉnh Bình Định đã bị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và phát hiện. Người cầm đầu tên Cai Zili từng bị Trung Quốc phạt tù vì hành vi tương tự. Sau khi được ân xá, Cai Zili đã chọn đến Việt Nam.
Trước đó, gần 400 nghi phạm người Trung Quốc phạm tội điều hành và đánh bạc trong đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng được dẫn độ về Trung Quốc.
Ông Đinh Đức Long cho rằng: “Về quan hệ quốc tế thì giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định dẫn độ. Nếu việc này do Trung Quốc chủ trương thì Trung Quốc sẽ yêu cầu dẫn độ về nước xử. Việt Nam có dám xử không hay là đớn hèn phải dẫn độ về Trung Quốc?
Mặc dù nói về lý thuyết, khi anh phạm tội trên đất nước Việt Nam thì thẩm quyền xét xử thuộc về nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ cho dẫn độ về nếu họ phạm tội ở Trung Quốc rồi trốn sang Việt Nam. Về lý thuyết, về thông lệ quốc tế là như vậy!”
Rất nhiều trường hợp người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam được dẫn độ cả tội phạm và tang vật về Trung Quốc, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ.
Trở lại với ổ dịch Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung hiện nay đang đứng trước nguy cơ phân tán dịch kiểu Vũ Hán.
Nhà báo Trần Quang Vũ phân tích trên facebook rằng: “Vũ Hán phát hiện sớm, cho di tản người mang mầm bệnh khắp thế giới rồi công bố có dịch và phong tỏa.
Đà Nẵng, chưa biết nghi ngờ bệnh từ hôm nào, nhưng 25/7 vẫn lập lờ: xét nghiệm 3 lần dương tính nhưng còn tiếp tục xét nghiệm để khẳng định. Chỉ 2 ngày đã có đến thông báo số 15 và số 16 của Bộ Y tế, có đến 7 điểm có khả năng lây lan kiểu thác lũ. Tối 27, chính thức có thêm 11 bệnh nhân dương tính COVID.
Một động thái, có thể coi là khủng khiếp, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế chưa phản ứng thì Hàng không kêu gọi lập cầu hàng không để đưa người trong vùng dịch tứ tán ra cả nước. Thực tế thì 27/7, Đà Nẵng nhộn nhịp giao thông các ngả để khoảng 60 đến 80 nghìn người đang ở Đà Nẵng chạy về các tỉnh khác. Riêng Hà Nội dự tinh là 15 đến 20 nghìn người về từ vùng dịch Đà Nẵng.
Đáng nói là sau 2 đợt dập dịch kết quả tốt, dân thường Việt Nam cũng hiểu: phát hiện dịch là bao vây tại chỗ, sàng lọc và cách ly có trật tự theo chuyên môn y tế thì lần này phát hiện xong, phân tán người có nguy cơ khắp nơi trong nước. Rõ ràng là có ý đồ xấu hay là ngu dốt.
Sao không khởi tố.
Đến nay vẫn chưa tìm ra F0 và chưa công bố đường lây lan như đợt 2 là điều rất đáng e ngại.”
Trong bối cảnh thủ đô Hà Nội đón khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về đợt này, chiều 27/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi người dân thủ đô khẩn trương áp dụng các biện pháp chống dịch; đồng thời “cần giữ bình tĩnh vì thành phố đã qua 105 ngày không phát hiện các ca mắc mới ngoài cộng đồng“.
Ông Chung nói và đề nghị tất cả các trường hợp đã đến 6 khu vực: Bệnh viện C, bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu và quận Hải Châu phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà. Những trường hợp đến Đà Nẵng song không vào 6 khu vực nói trên thì chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ và thực hiện giãn cách trong gia đình.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> COVID-19 đã chính thức tái xuất trong cộng đồng ở Hà Nội, TP.HCM và Đà nẵng.
>>> Báo động nguy cơ mất chủ quyền – người Trung Quốc tràn vào Việt Nam