Bệnh nhân nam 23 tuổi ở Nam Từ Liêm, Hà Nội trở thành người đầu tiên nhiễm COVID-19 sau hơn 100 ngày Thủ đô không có ca mắc cộng đồng.
TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk chiều ngày 29-7 ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19. Cả bốn ca đều là các trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, trong đó TP.HCM có 2 ca, Hà Nội 1 ca và Đắk Lắk 1 ca.
Sau ca bệnh số 416 ở Đà nẵng, đến nay đã phát hiện thêm 34 ca bệnh mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 450 ca.
Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều tối 29-7 cho biết đã ghi nhận thêm 4 ca COVID-19, cụ thể như sau:
Ca bệnh 447 (bệnh nhân 447): nam, 23 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Từ ngày 12-15-7 bệnh nhân đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 23-7, bệnh nhân bị sốt, ho, mệt. Ngày 25 đến 28-7, bệnh nhân tự cách ly ở nhà. Ngày 28-7, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được lấy mẫu, kết quả ngày 29-7 dương tính với virus SARS-CoV-2
Ca bệnh 448 (bệnh nhân 448): nữ, 21 tuổi, ở xã Ea Tiêu, Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Theo lời khai bệnh nhân là sinh viên lớp NU17CLC- Trường Đại học Đông Á – TP Đà Nẵng. Từ ngày 22-6 đến ngày 17-7 bệnh nhân thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngày 20-7 bệnh nhân có biểu hiện sốt, kèm đau họng nhưng không khám bệnh.
Ngày 26-7, bệnh nhân được bạn ở cùng phòng chở từ nhà đến bến xe Đà Nẵng, xuất phát lúc 19 giờ cùng ngày từ TP Đà Nẵng về TP Buôn Ma Thuột bằng xe khách (tuyến Thanh Hóa – Đắk Lắk). Trên xe, bệnh nhân đeo khẩu trang và không tiếp xúc với những người xung quanh.
Ngày 27-7, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngày 28-7, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29-7 là dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 449 (bệnh nhân 449): nam, 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, sống ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ngày 26-6, bệnh nhân sốt, ho, khó thở, đau mình và nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Ngày 6 đến 20-7, bệnh nhân chuyển điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 20-7, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ngày 21 đến 27-7, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM.
Ca bệnh 450 (bệnh nhân 450): nữ, 46 tuổi, là người chăm sóc bệnh nhân 449. Ngày 26-7, bệnh nhân có triệu chứng sổ mũi, mỏi cơ, mệt mỏi.
Ngày 27-7 bệnh nhân 449 và bệnh nhân 450 được lấy mẫu gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, kết quả ngày 28-7 dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy đến thời điểm này Việt Nam đã ghi nhận 450 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, và 369 ca đã khỏi.
TP.HCM phong tỏa hai điểm liên quan ca mắc COVID-19
Ngày 29-7, lực lượng chức năng ở TP.HCM đã phong tỏa một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11 và một con hẻm trên đường Hoàng Ngân, quận 8.
Đây là hai nơi bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM thường xuyên lui tới thuê trọ và sinh hoạt.
Bệnh nhân ở Hà Nội đã đi nhiều nơi
Về ca nhiễm ở Hà Nội, tin từ ngành y tế cho hay bệnh nhân là N.T.H, 23 tuổi, địa chỉ ở Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, là nhân viên đầu bếp tại cửa hàng pizza, địa chỉ ở 106 Trần Thái Tống, quận Cầu Giấy.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đến 12h trưa ngày 29-7, đã điều tra xác minh có 69 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm (F1). Tất cả các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển bệnh viện công an thành phố để cách ly.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả “tình huống xấu nhất” trong lúc có thêm ca dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm mới trong ngày thứ Ba 28/07, với 3 bệnh nhân ở Quảng Nam và 4 người ở Đà Nẵng.
Như vậy, trong bốn ngày qua (25-28/07) riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Nam 3 ca, và Quảng Ngãi một ca.
Các ca Quảng Ngãi và Quảng Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Trong tổng số 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong “tình trạng nặng” và phải thở máy.
Một số nhóm y bác sỹ tại Hà Nội và Tp HCM được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho các ca “có bệnh nền” và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nói “cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương” và “không để xảy ra trường hợp nào tử vong”.
“Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất.
“Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện đang là ổ dịch.
“Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương,” ông Đam nói.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở khu vực nguy cơ và người nước ngoài.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhu cầu đặc biệt lưu ý đến tình trạng “người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam“.
Ông Nhân được dẫn lời nói trong phiên họp ngày 28/7 rằng “đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng“.
“Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả,” ông Nhân nói thêm.
Tin cho hay trong ba ngày qua, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất
Được biết TP. HCM đã đề nghị các quận huyện chủ động rà soát, kiểm tra xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt ở thành phố để áp dụng khai báo y tế.
Trong khi đó chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát “những trường hợp đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020“.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ “ổ dịch Đà Nẵng“.
“Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô,” Chủ tịch Chung nói. “Mọi người tự giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết,”.
Tin cho hay ngành y tế Quảng Nam đưa hơn 10 người đi cách ly và sẽ lấy mẫu xét nghiệm sau khi những người này đã “bỏ trốn” khi đang trong diện phải cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhiều người dân tin rằng số người nhiễm virus corona trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều khi những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân mới chưa được phát hiện và xét nghiệm hết, còn nguồn lây nhiễm ban đầu vẫn chưa được tìm ra.
Các ca nhiễm Covid-19 mới đang gây lo ngại về làn sóng dịch thứ 2 tại Việt Nam, nơi đã không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng suốt 99 ngày trước 25/7. Các sinh hoạt hoạt kinh tế, xã hội đang dần dần quay trở lại bình thường và Việt Nam bắt đầu nối lại chuyến bay đến các quốc gia lân cận, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc.
Sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện trở lại, Việt Nam nhanh chóng sơ tán hàng chục ngàn khách du lịch ra khỏi Đà Nẵng, phong toả thành phố, dừng mọi hoạt động vận chuyển trong thành phố cũng như ra vào thành phố.
Các tỉnh thành nhiều người từ Đà Nẵng trở về như Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… cũng kêu gọi người dân đi xét nghiệm và tự thực hiện cách ly để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Tình trạng Covid-19 quay trở lại cũng đang gây ra quan ngại về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Trước mắt, thành phố Đà Nẵng với trung bình khoảng 25.000 du khách mỗi ngày sẽ phải dừng mọi hoạt động dịch vụ trong 2 tuần lễ, khiến nền kinh tế của thành phố với mức sụt giảm hiện tại 3,61% so với cùng kỳ năm ngoái càng thêm bấp bênh.
Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút 9 triệu du khách cho năm 2020, trong đó có 3 triệu du khách nước ngoài, nhưng mục tiêu này đang đứng trước nhiều khả năng bị phá sản vì đại dịch Covid-19.
Qua một đêm hơn 1.000 người phải cách ly y tế, 80 ca dương tính đang điều trị.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có 16.248 người đang cách ly y tế, tăng hơn 1.000 người so với ngày 28/7.
Có 80 ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại các BV, cơ sở y tế, trong đó có 2 ca nặng.
Theo đó, tính đến 9h00 ngày 29/7/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 16.881.704 người mắc; 662.403 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
– Việt Nam đứng thứ 161/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 450 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, hiện dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, đến 9h ngày 28/7 thế giới ghi nhận hơn 16,8 triệu ca mắc, hơn 660.000 người tử vong. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca mắc cao. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, đã ghi nhận 34 ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng trong đó có cả nhân viên y tế song chưa tìm được nguồn lây.
Đáng nói là chủng virus được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh; nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn thuộc Thành phố Đà Nẵng là rất cao và xuất hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Trước tình hình đó từ 0h ngày 28/7 Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội, Quảng Nam cũng đã dừng một số hoạt động để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS – CoV 2 đối với người trở về từ Đà Nẵng, đồng thời hai địa phương này cũng khuyến cáo người dân thưc hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời, khuyến cáo người dân tạm thời không đến các vùng có dịch để phòng bệnh.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Báo động nguy cơ mất chủ quyền – người Trung Quốc tràn vào Việt Nam
>>> Đà Nẵng lo “vỡ trận” – Xuân Phúc vội “điều quân”
>>> Việt Nam: Khủng hoảng – đóng cửa “thành phố đáng sống” nhất