Đã hơn 6 tháng thế giới phải đối mặt với virus corona chủng mới khởi phát từ Trung Quốc tuy nhiên cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 cho đến nay vẫn còn lắm chông gai.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố hôm 22/6 rằng mối đe dọa lớn cả của đại dịch chính là tình trạng thiếu vắng sự lãnh đạo và đoàn kết toàn cầu.
Tại một diễn đàn y tế trên mạng do Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tổ chức, Tổng giám đốc WHO Tedros Abhanom Ghebreyesus nói: “Thế giới đang khẩn thiết cần sự thống nhất và đoàn kết toàn cầu. Chính trị hóa đại dịch đã làm tình hình tồi tệ hơn… Đe dọa lớn nhất chúng ta phải đối diện hiện nay không phải là virus, nhưng là thiếu đoàn kết trên thế giới và thiếu lãnh đạo toàn cầu.”
Ông nói một số phần của qui định y tế thế giới cần phải được củng cố để “thích ứng hơn với mục đích.”
Ông không nói phần nào, chỉ nói rằng cần sự tài trợ, phối hợp, minh bạch, rộng rãi và linh hoạt để thực thi hoàn toàn.
Ông cũng kêu gọi tất cả các nước phải ưu tiên cho bảo hiểm y tế toàn dân và lưu ý rằng thế giới đã học được một bài học lớn là hệ thống y tế vững mạnh là “nền tảng của an ninh y tế toàn cầu và của phát triển kinh tế xã hội”.
Trong bối cảnh đại dịch, WHO đã phải đối mặt với nhiều sóng gió trong quan hệ với các nước thành viên, đặc biệt là Mỹ.
Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt quan hệ và đóng góp tài chính đối với WHO sau một thời gian chỉ trích tổ chức này một cách kịch liệt vì cách xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) của tổ chức này.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, WHO cũng đã không có được những cải cách lớn cần thiết.
Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Trump nêu rõ: “Vì WHO không thể đưa ra những cải tổ cần thiết, ngày hôm nay, chúng tôi quyết định chấm dứt quan hệ với tổ chức này“. Ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chuyển các khoản tài trợ đó cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách trên toàn cầu khác xứng đáng hơn .
Như vậy, bước đi này đã hiện thực hóa tuyên bố của Tổng thống Trump hôm 18/5 về việc Washington đóng băng hoạt động góp tài chính cho Tổ chức Y tế Thế giới và xem xét rút tư cách thành viên của Mỹ khỏi tổ chức này.
Trong bức thư gửi cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đăng tải trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này.”
Từ giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng đóng góp tài chính cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của tổ chức này chưa phù hợp. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tài trợ cho WHO và nhà lãnh đạo này đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO xuống còn 40 triệu USD thay vì là nhà tài trợ lớn nhất như hiện tại với khoản tiền lên tới 450 triệu USD/năm (tương ứng khoảng 15% ngân sách của WHO).
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 22/6 cũng đã cảnh báo đại dịch vẫn đang gia tăng, sau khi WHO ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới nhiều nhất từ trước tới nay.
Tại diễn đàn y tế trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros nhận định: “Đại dịch vẫn đang tăng nhanh. Chúng ta biết rằng đại dịch còn hơn cả khủng hoảng y tế, đó là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và ở nhiều quốc gia là khủng hoảng chính trị… Hiệu ứng của nó sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới.”
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh : trong thời gian đầu, phải hơn ba tháng, mới có một triệu người đầu tiên được ghi nhận dương tính với virus, thế mà giờ đây, con số một triệu được ghi nhận chỉ trong vòng hơn một tuần lễ. Điều này cho thấy « tốc độ lan truyền của dịch bệnh tiếp tục tăng lên ».
Cảnh báo được đưa ra sau khi WHO công bố số ca nhiễm mới lớn nhất trong một ngày theo thống kê của cơ quan này được ghi nhận hôm 21/6, với hơn 183.000 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý là số lượng người dương tính với virus rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số người nhiễm thực sự có thể cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, số ca nhiễm tại từng nước cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng tiến hành xét nghiệm của quốc gia sở tại.
Ít nhất 470.000 người chết vì COVID-19 từ đầu mùa dịch, trên tổng số hơn 9 triệu người nhiễm virus. Châu Mỹ Latinh tiếp tục là tâm dịch.
Brazil rơi vào tình trạng nguy cấp vì COVID-19 khi trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Sự lan rộng của đại dịch COVID-19 đã vươn tới khắp các nước Mỹ Latinh. Mexico, Peru và Chile cũng là những điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề khi số ca tử vong không ngừng tăng lên và nhiều cơ sở y tế bị đẩy vào bờ vực sụp đổ.
Thủ đô Mexico City của Mexico đã trì hoãn việc mở lại các khu chợ, nhà hàng, trung tâm thương mại, khách sạn và địa điểm tôn giáo, khi nước này ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó Peru cũng nổi lên là điểm nóng đáng lo ngại của khu vực với số ca tử vong vượt qua 8.000 hôm 21/6 dù cho nước này chuẩn bị mở lại các trung tâm mua sắm vào một ngày sau đó.
Maria van Kerkhove, một nhà dịch tễ học của WHO, nói rằng “cách tiếp cận toàn diện” rất cần thiết ở Nam Mỹ.
Trung Quốc, nơi khởi phát của đại dịch, hơn 10 ngày qua đang chứng kiến làn sóng bùng dịch bệnh thứ hai.
Ngày 19/6, Trung Quốc lại loan báo xác định một chủng virus corona từ Châu Âu gây nên đợt bùng phát mới đây tại Bắc Kinh, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới nói việc này chỉ xảy ra trong trường hợp virus được du nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh và cần điều tra thêm.
Trung Quốc đã công bố dữ liệu chu kỳ gen của virus từ những mẫu lấy ở Bắc Kinh, mà các giới chức ở đó nói giống như một chuỗi Châu Âu căn cứ trên những cuộc điều tra sơ khởi.
Có khoảng 183 người bị lây nhiễm khi virus tái xuất hiện bắt đầu cách đây hơn 10 ngày liên hệ đến trung tâm bán sỉ thực phẩm Xinfadi ở Bắc Kinh.
Tại một cuộc họp báo ở Geneva, chuyên gia khẩn cấp hàng đầu WHO, bác sĩ Mike Ryan, nói: “Virus và các dòng chủng loại virus luân chuyển trên toàn thế giới. Do đó tôi nghĩ việc này không hề chỉ ra rằng Châu Âu là nguồn gốc. Việc này có thể nói là hầu như bệnh có lẽ được nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh ở một thời điểm nào đó.”
Ông nhấn mạnh rằng điều cần thiết là xác định được khi nào virus đến Bắc Kinh, bao nhiêu người bị lây nhiễm trong thời kỳ này, và yếu tố nào mở rộng sự lây lan. Tuy nhiên điều này “tái xác nhận” là virus có nguồn gốc từ người.
Trung Quốc chịu áp lực phải công bố các dữ liệu sớm vào lúc các ca COVID-19 gia tăng tại thủ đô.
Chính quyền Mỹ đổ lỗi chính phủ Trung Quốc chậm trễ trong việc chế ngự bùng phát lúc ban đầu.
Trung Quốc nói họ tiết lộ ngay những tin tức về chu kỳ gen của virus trong đợt bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán.
Chu kỳ gen virus mới nhất được công bố vào cuối ngày 18/6, và đã chia sẻ với WHO và Sáng kiến Dữ liệu Cúm Toàn cầu (GISAID). Chu kỳ gen của virus là trọng yếu và là công cụ chuyển biến nhanh chóng trong việc chẩn đoán COVID-19 và trong việc hiểu biết về sự lây lan và kiểm soát virus corona chủng mới.
Các chi tiết được trang mạng của Trung tâm Dữ liệu Vi Sinh học Quốc gia Trung Quốc công bố cho biết dữ liệu gen Bắc Kinh được căn cứ trên 3 mẫu (hai mẫu của người và một mẫu môi trường) được thu thập vào ngày 11/6, cùng ngày thủ đô Trung Quốc loan báo ca lây nhiễm COVID-19 địa phương đầu tiên trong nhiều tháng.
Zhang Yong, một viên chức của CDC nói: “Theo những kết quả của cuộc nghiên cứu sơ khởi về gen và dịch tễ học, virus đến từ Châu Âu, nhưng khác với virus hiện lây lan tại Châu Âu… Virus này cũ hơn virus hiện lây lan tại Châu Âu.”
Ông Wu Zunyou, chuyên gia trưởng dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nói với truyền thông nhà nước là chuỗi virus ở Bắc Kinh tương tự như chủng Châu Âu, dù không nhất thiết là chuyển trực tiếp từ các nước Châu Âu. Ông Wu không nêu chi tiết về những nhận xét trước khi dữ liệu gen được công bố.
Ông nói thêm là chuỗi tìm thấy tại Mỹ và Nga hầu hết đến từ Châu Âu.
Chùm virus corona lây nhiễm đầu tiên được truy nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Kể từ đó virus đã lây nhiễm hơn 9 triệu người trên toàn thế giới.
Về nguồn gốc của chủng lây nhiễm tại Bắc Kinh, ông Wu nói virus không xuất phát từ thủ đô Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn của truyền hình nhà nước được phát ngày 19/6, ông Wu nói: “Đó phải là từ người hay hàng hóa bên ngoài thành phố mang vào chợ Xinfadi. Hiện chưa rõ ai, hay loại hàng hóa nào, đã mang virus vào Bắc Kinh.”
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Giáo Sư Steve Hanke phản hồi sau khi nói Việt Nam là ‘táo thối’ trong chống dịch Covid-19
>>> COVID có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu trước khi được báo cáo