Chiều 19-6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có kiến nghị, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức về vụ án Hồ Duy Hải.
Sau khi Ủy ban Tư pháp họp, đến nay ủy ban này chưa có báo cáo kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Phúc cho biết sau khi Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức.
Trước đó, ngày 16-6, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Trong cuộc họp, đa số các phát biểu của ủy viên Ủy ban Tư pháp trong cuộc họp nhận định những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy, họ đề nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên có một vị Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội lại kiến nghị theo hướng duy trì án tử hình cho Hồ Duy Hải, đó là ông nghị rau muống Đỗ Văn Đương.
Ông Đương gửi đơn đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đến Thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng và gửi đến Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Nội dung đơn thư của ông lặp lại y nguyên các nội dung mà ông Nguyễn Hòa Bình đã trình bày và ông kết luận rằng Hồ Duy Hải có tội và đề nghị xử lý nghiêm khắc Hồ Duy Hải.
Ông Đỗ Văn Đương là Tiến sỹ và là Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, mặc dù ông không phải là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV – ông là một trong 15 người được Trung ương giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 năm 2016 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã thất cử.
Với trọng trách cụ thể là đại diện cho nguyện vọng của người dân ông Đương lại đề xuất ý kiến thuận ngược với ý kiến của đa số dư luận về quy trình tố tụng đầy rẫy sai trái đến mức ngớ ngẩn mà lại tước đi mạng sống con người. Chưa kể rằng những sai phạm ngớ ngẩn của cơ quan điều tra về vật chứng rõ ràng là cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, tuy nhiên ông Đương dù là tiến sỹ Luật lại hầu như không nhận thức được vấn đề này.
Ông Đỗ Văn Đương, từng là Đại biểu quốc hội khóa 13 và nổi tiếng với rất nhiều phát ngôn gây sốc trong và ngoài nghị trường.
“Một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn“
Ông nghị Đỗ Văn Đương phát biểu về tình hình lạm phát tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13. Từ đó nhiều người gọi Đỗ Văn Đương với cái tên “ông Nghị rau muống“.
“Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền“
Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 27/10/2014, ông Đỗ Văn Đương – Đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM nói rằng: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.
Sau phát ngôn này, ĐBQH Đỗ Văn Đương bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã “thóa mạ” nghề luật sư. Tuy nhiên, ông đã không đính chính hay rút lại phát ngôn của mình.
“Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa“
Phát biểu về tờ trình QH về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
“Quyền im lặng không phải quyền con người”
Trong chương trình Sự kiện & Bình luận của VTV, trả lời phỏng vấn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương – Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định quyền im lặng không thể đưa vào trong luật.
Không đồng quan điểm với ông Đương, luật sư Phan Trung Hoài lại cho rằng Quyền im lặng đối với những bị can, người bị tạm giữ, người phạm tội là xuất phát từ quyền cơ bản của con người.
Do vậy, đây không phải chỉ yêu cầu mong mỏi của phía luật sư hay bản thân phía bị can, bị cáo mà đó chính là từ những điều Hiến pháp quy định.
Ông Phan Trung Hoài cho biết: “Người bị tình nghi phạm tội bị bắt, tạm giữ hoặc bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Vì vậy, chính Quyền im lặng sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước khi cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn.
Về hành động của ông Đỗ Văn Đương đối với Hồ Duy Hải, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận định rằng: ÔNG ĐỖ VĂN ĐƯƠNG MUỐN GIẾT HỒ DUY HẢI.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bình luận về nội dung lá đơn của ông Nghị rau muống Đỗ Văn Đương rằng, đó là:
– Một văn bản đầy nguỵ tạo và nguỵ biện, vội vã gửi lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm lập công và chặn đường kêu oan, bít con đường sống của Hồ Duy Hải.
– Một văn bản của kẻ cơ hội nhân danh cơ quan Dân nguyện (phản ánh nguyện vọng của người dân) chống lại dân, lập lại báo cáo đầy tính chủ quan và áp đặt của người chủ trì cuộc họp quyết định số phận của Hồ Duy Hải.
– Lưu ý, văn bản gửi nhiều nơi nhưng tránh gửi Viện trưởng VKSNDTC và UBTPQH, đề cập đến việc cùng tham gia đoàn giám sát với bà Lê Thị Nga nhưng né tránh văn bản báo cáo của bà Lê Thị Nga…
Nhà báo Nguyễn Đức cũng đưa ra ý kiến rằng:
Ông Đương Phó Ban Dân nguyện Quốc hội nói càn vụ Hồ Duy Hải.
1- Là TS Luật học mà ông này có những phát ngôn được coi là ngớ ngẩn, khi đảm nhiệm chức danh ĐBQH khoá XIII. Ai cũng nhớ hồi còn làm ĐBQH, ông Đương được gọi là “tiến sĩ rau muống”, “ông nghị rau muống” khi phát biểu tại nghị trường. Ông ta đã không lừa được cử tri TP.HCM trong lần tái cử khoá XIV và không thể làm đại diện cho cử tri của thành phố có tỷ lệ dân trí cao thuộc loại bậc nhất nước ta.
2- Những lý lẽ, lập luận của ông Đương lặp lại (không một chút sáng tạo) luận điệu của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và báo cáo của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra.
3- Những điểm mờ trong quá trình tố tụng vụ án Hồ Duy Hải suốt 12 năm qua do chưa được làm sáng tỏ, nên vụ án chưa thể kết thúc. Đó là lý do tại sao dư luận phẫn nộ và các ĐBQH phải lên tiếng để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Ông Đương chỉ nhân danh cá nhân, “nhai lại” những điều không mới và chính những điều này đang là những nghi vấn nổi cộm từ những sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng. Do vậy, tiếng nói của ông không thể chấp nhận được.
4- Bằng văn bản của mình, ông Đương tự đặt mình vào cương vị của người nhận dạng tội phạm. Đây là điều vô cùng hoang tưởng mang tên “TS Đỗ Văn Đương”
Với các luận điểm Ts Đương đưa ra, liệu ông Đương đã quên mình có học luật, quên mình đang làm ở 1 cơ quan nêu lên các ý chí, nguyện vọng của công dân?
Face book Hải Trần đưa ra ý kiến cho rằng có âm mưu can thiệp vào hồ sơ vụ án, cụ thể như sau:
Những chứng cứ mà nhóm nhà báo Trương Châu Hữu Danh công bố trong những ngày qua đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp tại công an Long an .
Những chứng cứ mà nhóm phóng viên này thu thâp được, đã cho thấy có bàn tay cố tình can thiệp vào hồ sơ điều tra.
Nếu như ngay lúc này, Cục điều tra hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án “cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án” tại cơ quan điều tra công an Long an thì có lẽ sẽ ko cần đến Ủy ban thường vụ quốc hội ra quyết định tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Vì sao ?
Bởi khi khởi tố các điều tra viên thuộc CQDT Long an tội làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải thì mọi chuyện sẽ vỡ ra rõ ràng nhất.
Nhiều câu hỏi sẽ có lời đáp như : Hồ Duy Hải có liên quan vụ án hay không? thủ phạm thật sự của vụ án đã bị bắt hay đang ngoài vòng pháp luật? Động cơ, mục đích làm sai lệch hồ sơ là gì…v.v.
Vì lẽ đó, trong lúc này, rất cần có một vụ án mới được khởi tố hơn là chờ đợi tái thẩm 1 vụ án đã cũ 13 năm.
Facebook Lê Thế Thắng có bài viết: HÉ LỘ ÂM MƯU TỪ 12 NĂM TRƯỚC TRONG VỤ HỒ DUY HẢI?
Sau khi Hồ Duy Hải bất ngờ bị bắt (21/3/2008), gia đình Hải mới lật đật đi tìm luật sư. Theo mẹ Hải, bà Nguyễn Thị Loan, cả gia đình “hoàn toàn không biết Hải liên quan tới việc gì, vì sao mà bị bắt”.
Theo lời dì Út của Hải, thời ấy, gần nhà Hồ Duy Hải có một phụ nữ tên Lan, không chồng. Bà Lan thời điểm đó chuyển về TP Tân An, chỉ còn mẹ bà Lan ở nhà. Bao nhiêu năm trước đó chẳng qua lại gì, bỗng nhiên khi vụ án xảy ra bà Lan về và ghé thăm hỏi liên tục.
Bà Lan “rỉ tai” mẹ và dì của Hồ Duy Hải, rằng “tôi mơ thấy thằng Hải. Nó cứ kêu dì Lan ơi cứu con, chỉ có dì mới cứu được con. Gia đình để tôi lo, tôi đi kiếm luật sư cho…”
Giữa cơn hoảng loạn, gia đình Hồ Duy Hải tin và răm rắp làm theo.
Bà Lan dẫn mẹ và dì Hồ Duy Hải tới nhà ông Võ Thành Quyết. Ông Quyết là luật sư, nguyên là thủ trưởng cơ quan CSĐT CA tỉnh Long An. Theo “tư vấn” của bà Lan, gia đình Hồ Duy Hải đồng ý chọn luật sư Quyết, bỏ các phương án liên hệ các luật sư đã có từ trước.
Một thời gian sau, gia đình Hồ Duy Hải cảm nhận sự bất thường. Bởi Luật sư Quyết cùng bà Lan dẫn dụ gia đình theo hướng chấp nhận việc Hải có tội, người nhà của tử tù Hồ Duy Hải kể.
Một lần, bà Lan dẫn dì và mẹ Hồ Duy Hải tìm đến nhà nạn nhân thăm hỏi. Gia đình Hải đồng ý, với tâm niệm đến để chia sớt nỗi đau và cố gửi thông điệp tới họ – rằng đừng vội nghĩ con/cháu chúng tôi là kẻ thủ ác.
Tiếp đó, theo sự “khuyên nhủ” của bà Lan, dì của Hồ Duy Hải cho biết bà nghĩ giản đơn rằng gia đình nạn nhân như báo chí đưa tin, là nghèo khó, nay gặp nỗi đau quá lớn, đã sẻ chia với họ một khoản tiền.
“Thế rồi, báo VTCnews không hiểu vì sao lại bịa đặt thêm thắt rằng gia đình mang tiền đến phúng viếng đám tang xin tha thứ. Trong khi phải hơn hai tháng sau đám tang, công an mới bắt tạm giam Hải…”, bà Len – dì ruột của Hồ Duy Hải kể.
Với rất nhiều bất thường như đã nêu, gia đình Hồ Duy Hải đã âm thầm mời luật sư khác – là luật sư Nguyễn Văn Đạt, để thay thế luật sư Quyết. Ông Quyết trở thành “luật sư chỉ định”, và Hồ Duy Hải thành bị cáo có tới 2 luật sư.
Éo le là, luật sư Đạt rất hiếm khi được gặp Hải. Ông cũng không bao giờ được chứng kiến lấy cung bị án (việc này chỉ ông Quyết được tham gia). Trong những lần hiếm hoi được gặp Hải, ông kể, Hải không hé răng nói nửa lời. Cho tới lần cuối cùng được gặp, ông nạt Hải: “Nếu không nói thì cháu sẽ chết mà không ai cứu được”. Hải khóc nói thảm thiết: “Luật sư ơi cứu con. Con bị oan. Con không giết người…”
Hải ngay lập tức quằn quại trước mặt luật sư Đạt, như có gì đó giày vò cậu. Luật sư Đạt nói với gia đình rằng ông chưa từng thấy ai đau đớn kiểu như thế.
Ngày ra toà, luật sư Quyết trong vai trò luật chỉ định đã luôn hướng bị án nhận tội, xin khoan hồng, trước sự ngỡ ngàng của luật sư Đạt. Luật sư Đạt nói, đại ý “tôi không thể nghĩ trên đời lại có luật sư ‘hướng’ thân chủ của mình thành có tội kiểu vậy”.
Toà thì tài tình hơn, đã xử kín. Như người thân bị án kể lại, luật sư Quyết nói thì toà bật loa cho bên ngoài nghe. Luật sư Đạt bảo vệ bị án thì loa tắt. Người dân địa phương chẳng được nghe, được biết gì về sự thật bên trong.
Luật sư Quyết nguyên là thủ trưởng cơ quan CSĐT tỉnh Long An – là sếp cũ của ông Tiến, thủ trưởng CQCSĐT đương nhiệm thời điểm đó, đồng thời là trưởng ban chuyên án.
Bà Lan – theo lời của dì ruột Hồ Duy Hải, sau này có đồn đoán “bả là người tình của ông Tiến trưởng ban chuyên án”.
Hai ông Quyết, Tiến nay đều đã qua đời. Ông Tiến chết trẻ từ năm 2012, khi đang khoẻ mạnh. Còn ông Quyết chết năm 2019, chưa rõ lý do.
Bà Lan ở đâu giờ này chẳng ai hay…
Còn vụ án Hồ Duy Hải đang đứng trước ngã rẽ do những tình tiết mới được phát lộ.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đại Sứ Quán Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều tra
>>> Vụ Hồ Duy Hải: Quốc hội giao cho 17 thẩm phán sẽ là cái vòng luẩn quẩn
>>> Vụ Hồ Duy Hải: Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói dối trắng trợn giữa Quốc Hội