Tờ Thoibao.de nhận được bài viết dưới đây của bạn đọc Văn Muộn, người nhà của anh hiện đang bị kẹt tại Việt Nam, mặc dù có vé quay về của Vietnam airlines, nhưng không có chuyến bay về Đức do đại dịch Covid-19. Sau nhiều lần liên hệ với nơi bán vé tại Leipzig và văn phòng Vietnam airlines tại Đức, anh Văn Muộn vẫn không biết đến bao giờ người nhà của anh mới được Vietnam airlines sắp xếp chuyến bay trở về Đức, nhưng nếu mua vé mới, VN-airline luôn có vé bay một chiều từ VN sang Đức giá khoảng 1.200€, nếu ai cần thi VN-airline đủ sức phục vụ.
Từ trước đến nay, giá vé của hãng hàng không quốc gia Vietnam airlines không rẻ mà thuộc loại cao nhất nhì so với các hãng hàng không đang khai thác đường bay về Việt Nam, tuy vậy bà con Việt kiều vẫn mua vé bay hãng VN airlines.
Ưu điểm lớn nhất của hãng này là bay thẳng và được phục vụ nói tiếng Việt, ngoài ra về chất lượng dịch vụ cũng không hơn những hãng khác và giá vé luôn cao hơn khoảng 20%.
Bà con ta chấp nhận thang giá đó có một phần quan trọng là để thể hiện lòng yêu nước, để ủng hộ cho một hãng hàng không của quê hương chúng ta.
Tuy nhiên, trong đại dịch Covid 19 xuất hiện một hiện tượng “rất lạ” về cách giải quyết của VN-airlines với khách hàng. Hiện nay có rất nhiều hành khách bị cắt chuyến bay, đang nằm lại Việt Nam do đại dịch Covid-19. Họ được thông báo sớm nhất kể từ ngày 1.7.2020 mới có chuyến bay của VN-airlines sang Đức.
Đó là khó khăn chung của cả thế giới, nên hành khách sẵn sàng vui lòng chia sẻ cùng hãng bay, nhưng trong thời gian qua VN airlines vẫn có khả năng thực hiện nhiều chuyến bay đặc biệt để chở hàng hóa thí dụ như khẩu trang y tế v.v. hay phẩm vật cứu trợ gì đó sang châu Âu, và đã kết hợp chở thêm một số hành khách. Trong những chuyến bay này VN-airlines quảng cáo giá vé là khoảng 1.200€ từ Việt Nam đi châu Âu (vé một chiều).
Điều đáng nói là những những khách hàng của VN-airlines đang bị kẹt lại Việt Nam vì đại dịch Covid-19, mặc dù họ đã có vé quay về Đức, nhưng cũng phải mua vé mới với giá 1.200€ như trên.
Ai cũng biết những chuyến bay chở hàng (thí dụ khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế v.v.) sang châu Âu, thì dĩ nhiên phía đối tác, chẳng hạn là đối tác Đức, đã thanh toán đầy đủ tiền thuê chở hàng hóa, kể cả phí tổn cho máy bay trống không bay về lại Việt Nam. Tức là VN airlines đã có lời, có lợi nhuận kinh tế, vì thuần túy là một hợp đồng kinh doanh.
Do đó, câu hỏi dành cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam: Tại sao các vị lợi dụng lúc dịch bệnh hoành hành gây ách tắc các chuyến bay để trốn tránh trách nhiệm đối với khách hàng. Trong khi hãng vẫn có khả năng vận tải hành khách mà không xếp bay cho những hành khách đã có vé mà lại bắt họ mua vé mới với giá cắt cổ?
Các vị đã làm ngược lại quy định của chính phủ Việt Nam về việc nghiêm cấm lợi dung dịch bệnh Covid-19 để tăng giá dịch vụ. Đó không chỉ là sự vi pham đạo đức kinh doanh mà cả về đạo đức của một con người trong hoàn cảnh nạn dịch hoành hành.
Tôi đề nghị chính phủ Việt Nam kiểm tra lại việc này để truy tìm nguyên nhân gây ra sự vi phạm nghiêm trọng của Vietnam airlines. Đồng thời điều tra xem số tiền thu nhập từ bán vé lần hai cho hành khách chui vào đâu, có chui vào túi cá nhân nào hay không? Nó được kết toán ra sao với tiền vé lần thứ nhất?
Nhà nước ta dù còn khó khăn, nhưng tôi đoán chắc không có chủ trương sai lầm lớn như vậy.
Văn Muộn – Leipzig, Đức