Trang facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội được giới ngoại giao nước này khai thác tối đa như một kênh truyền thông không chỉ tuyên truyền quảng bá văn hóa Trung Quốc, ngợi ca về mối quan hệ ‘4 tốt – 16 chữ vàng’ giữa hai nước cộng sản anh em, tung hô thành quả chống đại dịch COVID-19 của Trung Quốc mà còn dùng cả vào mục đích chỉ trích nước Mỹ trên mọi phương diện từ việc Mỹ tổ chức chống dịch COVID-19 đến các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động tại Mỹ hay việc Mỹ đưa tàu vào Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải. Và khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội động đến Biển Đông nơi Việt Nam có chủ quyền biển đảo không thể chối cãi thì cộng đồng mạng Việt Nam đã không ngồi im để Trung Quốc tuyên truyền nhảm nhí trên lãnh thổ Việt Nam.
Bài đăng hôm 30/5 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa nhưng thực chất là Hoàng Sa của Việt Nam đã làm người Việt phẫn nộ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội viết: “Đại tá Lý Hoa Mẫn, Người phát ngôn Chiến khu miền Nam Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết:
Ngày 28 tháng 5, khi chưa được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc, tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải Tây Sa của Trung Quốc một cách phi pháp. Hải quân và không quân Chiến khu miền Nam Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã giám sát, xác minh, đồng thời cảnh cáo và xua đuổi tàu trên trong toàn bộ hành trình. Hành động khiêu khích của phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc liên quan của Luật quốc tế, phá hoại nặng nề sự ổn định, hòa bình của khu vực Nam Hải, là hành vi bá quyền về hàng hải đầy trắng trợn.”
Tính đến ngày 15/6 thì bài đăng nhận được 101 biểu tượng cảm xúc, 381 lượt bình luận. Đây là một trong những bài viết có lượng tương tác lớn nhất trên trang facebook của cơ quan đại diện Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian qua.
Trong hơn 380 bình luận thì chỉ có khoảng 20 bình luận được hiển thị phía dưới bài viết.
Có vẻ như cơ quan đại diện ngoại giao này đã ẩn phần lớn những bình luận của người Việt.
Trong các bình luận còn sót lại có bình luận của facebook tên Vũ Thùy Dung là: “Đó không phải là lãnh Hải của các người. Mỹ không có quyền và các người cũng không có” đã nhận được đồng tình của rất nhiều người. Bình luận đã nhận được hơn 40 lượt bày tỏ cảm xúc.
Một facebook tên Pham Hieu thì viết: “Vùng Biển đó không phải của Trung Quốc, xin người đừng nói lời dối gian. Người Trung Quốc làm điều ngược đạo thì phải có người Mỹ trừng trị”.
Facebooker Hoàng Long cũng bày tỏ sự phản đối: “Thôi đi, đừng tuyên truyền nhảm, lãnh hải nào của Trung Quốc?”
Một người Việt khác tên Huỳnh Đức Bình đặt câu hỏi: “Thế lãnh hải Việt Nam ai đang đi vào?”
Bài đăng này của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội được cho là động thái đáp trả thông tin của Hải quân Hoa Kỳ nói rằng tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke hôm 28/5 đã băng ngang qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI), phát ngôn viên của hải quân Mỹ nói rằng việc tàu USS Mustin tiến gần tới quần đảo Hoàng Sa để “giữ vững các quyền, quyền tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận bằng cách thách thức các giới hạn về qua lại không gây hại (innocent passage) do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt, cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đường biển cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ hôm 28/5 diễn ra sau khi tờ Global Times hôm 19/5 đưa tin hải quân Trung Quốc sử dụng công nghệ mới để trồng rau ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Chuyên gia Chen Xiangmiao thuộc Viện nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông cho rằng việc trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa là tiền đề để tiến hành thêm các hoạt động như nuôi lợn, gà. Chen tuyên bố đây là điều kiện cho thấy Phú Lâm là đảo bởi nó “có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng“, nhằm chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 rằng hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và không có đầy đủ các vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như lãnh thổ đất liền.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và triển khai trái phép lực lượng đồn trú tại đây. Quân đội Trung Quốc xây dựng một đường băng phi pháp trên đảo Phú Lâm và từng cho máy bay ném bom chiến lược hạ cánh trên đảo.
Hồi tháng 4, Hải quân Mỹ đã hai lần điều tàu chiến thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, và tiến hành hoạt động tương tự gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Hoạt động của tàu chiến Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung leo thang căng thẳng do đại dịch COVID-19 và dự luật an ninh Hồng Kông. Quân đội Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi dụng đại dịch để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.
Hôm 05/6 trang facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cũng có bài chỉ trích công hàm phản đối Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông của Mỹ.
Nội dung bài đăng là: “Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 3 tháng 6, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc và chỉ trích vô lý đối với chủ trương của Trung Quốc về Nam Hải, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải được hình thành qua một quá trình lịch sử lâu dài, được giữ gìn qua nhiều kỳ chính phủ Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển, sẽ không thay đổi vì chỉ trích của một số ít nước cá biệt.
Mỹ không phải là bên đương sự trong tranh chấp về Nam Hải, không những không tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong các tranh chấp liên quan, mà còn thường xuyên gây rối tại Nam Hải, khiêu khích về quân sự, chia rẽ mối quan hệ giữa các nước trong khu vực. Việc này không có lợi cho sự hòa bình và ổn định của Nam Hải.”
Bài đăng cũng nhận được sự phản đối của người Việt khiến Đại sứ quán Trung Quốc phải ẩn nhiều bình luận.
Về phía Việt Nam, cho đến buổi Họp báo thường kỳ gần đây nhất ngày 11/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phát biểu nào về tuyên bố này của phía Mỹ.
Tuy nhiên vào tháng 5 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng ủng hộ “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông, ít ngày sau khi hai tàu chiến Mỹ áp sát khu vực thuộc kiểm soát của Trung Quốc ở Trường Sa, vốn khiến Bắc Kinh giận dữ phản đối.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.”
Ngoài vấn đề về tàu khu trục USS Mustin, bài đăng trên trang facebook của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 30/5 còn nhân thể chỉ trích cách Hoa Kỳ xử lý dịch COVID-19 một cách vô căn cứ.
Đại sứ quán Trung Quốc viết: “Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, nước Mỹ không đoái hoài đến an toàn tính mạng của dân chúng trong nước, không tập trung sức lực vào công tác phòng chống dich bệnh tại nước mình, không làm điều có ích cho cuộc chiến chống dịch trên toàn thế giới, mà thay vào đó là điều tàu đến vùng biển Nam Hải diễu võ dương oai, khiêu khích gây hấn, bộc lộ bản chất giả dối nói một đằng làm một nẻo của Mỹ, càng chứng minh quân đội Mỹ chính là nguồn cơn gây rối phá hoại sự hòa bình ổn định của khu vực Nam Hải.”
Ngay sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao này cũng đã có không dưới 3 bài viết ‘đả kích’ về biểu tình tại Mỹ hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua.
Ngày 31/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội viết: “Tổng Biên tập Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến nhắn cho ông Micheal Pompeo: “Ngài Pompeo, xin ông hãy đứng về phía những người dân đang phẫn nộ tại Minneapolis, giống như cách mà ông vẫn luôn nói rằng ông đứng về phía người dân Hồng Kông!””
Hay ngày 02/6, cơ quan này lại viết: “Gần đây, vụ việc cảnh sát bang Minnesota nước Mỹ sử dụng bạo lực trong thực thi nhiệm vụ khiến cho một người da đen tại Mỹ tử vong đã khiến cho bạo loạn bùng phát tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Trong khi người dân Mỹ xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ cùng cực đối với chủ nghĩa chủng tộc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đăng Tweeter với nội dung “khi cướp bóc bắt đầu, thì tiếng súng cũng bắt đầu”, nghiễm nhiên coi những người Mỹ này là những kẻ bạo loạn đáng bị bắn bỏ. Trong khi đó, trước hành vi ném bom xăng, phá hoại tài sản công cộng, hành hình những người phản đối hành vi bạo lực với danh nghĩa dân chủ tại Hồng Kông, chính khách Mỹ lại coi chúng là “những người bảo vệ tự do”. Trong khi xử lý vấn đề xung đột trong nước, chính phủ Mỹ cũng không quên đe dọa áp đặt chế tài cho Hồng Kông vì việc Trung Quốc xây dựng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, bất chấp việc chính phủ Mỹ có thể áp dụng luật an ninh quốc gia Mỹ đối với người dân Mỹ bất cứ lúc nào.”
Chỉ mới là một trang mạng xã hội của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội mà đã chỉ trích nước Mỹ như vậy thì có thể tưởng tượng cả hệ thống truyền thông và ngoại giao của nước này tấn công Hoa Kỳ như thế nào.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 06/6 đã phải ra thông cáo việc Trung Quốc lợi dụng cái chết của một người da màu ở Mỹ để tuyên truyền sai sự thậ. Toàn văn thông cáo như sau:
“Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng một cách tàn nhẫn cái chết bi thảm của George Floyd để biện minh cho sự chối bỏ đầy độc đoán của họ đối với phẩm giá cơ bản của con người, một lần nữa phơi bày bản chất thật sự của họ. Giống như các chế độ độc tài khác trong lịch sử, họ nói dối không thể thô thiển hơn, miễn sao thỏa mãn tham vọng quyền lực của mình. Những mánh khóe tuyên truyền lố bịch này khó qua mặt được ai.
Với những hành vi như vậy, sự tương phản giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ở Trung Quốc, khi một nhà thờ bị đốt cháy, thì đó gần như chắc chắn là do ĐCSTQ chỉ đạo. Còn ở Hoa Kỳ, nếu một nhà thờ bị đốt cháy, những kẻ chủ mưu sẽ bị chính phủ trừng trị, và chính chính phủ sẽ mang xe cứu hỏa, nước, sự cứu viện và an ủi tới những người có đức tin.
Tại Trung Quốc, những người biểu tình ôn hòa, từ Hồng Kông đến Quảng trường Thiên An Môn, đều sẽ bị đàn áp bởi dân quân vũ trang, chỉ đơn giản là vì họ dám lên tiếng. Các phóng viên dám báo cáo về những sự vụ oan trái này sẽ bị kết án dài hạn. Nhưng ở Hoa Kỳ, các cơ quan thực thi pháp luật – cả ở cấp tiểu bang và liên bang – đều sẽ đưa các cảnh sát quá phận ra trước công lý, hoan nghênh các cuộc biểu tình ôn hòa cùng lúc mạnh mẽ chặn đứng bạo lực và cướp bóc, đồng thời thực thi quyền lực theo Hiến pháp để bảo vệ tài sản và tự do cho tất cả mọi người. Nền báo chí tự do của chúng tôi đưa tin toàn diện về các sự kiện này, để cho toàn thế giới được chứng kiến.
Ở Trung Quốc, khi các bác sĩ và nhà báo cảnh báo sớm về sự nguy hiểm của một căn bệnh mới, ĐCSTQ sẽ bịt miệng và bắt cóc họ, nói dối về số ca tử vong và mức độ dịch bùng phát. Còn ở Hoa Kỳ, chúng tôi trân trọng sinh mạng và kiến lập các hệ thống y tế minh bạch để điều trị, cứu chữa và tài trợ cho các giải pháp chống dịch toàn cầu – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Ở Trung Quốc, khi người dân có ý kiến khác biệt với các giáo điều của ĐCSTQ, Đảng sẽ giam cầm họ trong các trại lao động cải tạo. Và, khi những người dân – như ở Hồng Kông và Đài Loan, những người cùng khởi nguồn từ một nền văn minh huy hoàng đã tồn tại suốt hàng nghìn năm – tôn vinh tự do, thì nền tự do này lại đang bị nghiền nát [ở đại lục], và người dân đại lục phải phục tùng các mệnh lệnh và yêu cầu của Đảng. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, ngay cả trong các cuộc biểu tình bạo loạn, chúng tôi vẫn giữ vững cam kết của mình đối với thượng tôn luật pháp, sự minh bạch và những quyền không ai có thể xâm phạm được.
Trong những ngày gần đây Bắc Kinh vẫn tiếp tục thể hiện sự coi thường sự thật và khinh nhờn luật pháp. Các nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ – tìm cách đánh đồng các hành động của Hoa Kỳ trước cái chết của ông George Floyd với sự chối bỏ liên tục của ĐCSTQ đối với tự do và các quyền lợi cơ bản của con người – nên được nhìn nhận là một hành vi gian trá.
Trong những thời kỳ tốt đẹp nhất, Trung Quốc tàn nhẫn áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Trước những thách thức khó khăn nhất, Hoa Kỳ bảo vệ sự tự do.”
Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> 90 năm tuổi – Đảng vẫn loay hoay, bế tắc
>>> Đồng Tâm: Báo Đảng nói giết cụ Lê Đình Kình là đúng Pháp luật
>>> “Cột điện ở Mỹ” muốn về, người Việt “sống chết” đòi ra đi