Những ngày gần đây, dư luận đã không khỏi xót xa, thương cảm trước hình ảnh 4 đứa trẻ ở làng Mông, thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ăn cơm nguội với ve sầu. Nhưng những phát ngôn, những lời giải thích của các cấp chính quyền liên quan đến sự việc này không những không trấn an dư luận mà còn thổi bùng sự phẫn nộ bấy lâu của người dân về một xã hội có quá nhiều tiêu cực.
Sự việc bắt đầu từ bài đăng trên trang facebook cá nhân của ông La Văn Giang, Bí thư đoàn xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, kèm hình ảnh 4 đứa trẻ lem luốc trong căn bếp tồi tàn, một cháu cầm trên tay bát cơm trắng có mấy con ve sầu làm thức ăn.
Ông viết: “Bữa cơm của các bạn có gì? Chỉ là cơm nguội với ve sầu thôi ạ. Trong chuyến khảo sát tại làng Mông, thôn 12 để chuẩn bị cho chương trình Trung thu sắp tới, mình vô tình gặp cảnh 4 cháu nhỏ đang nấu ve sầu mới đi bắt về để ăn sáng (chỉ nấu chứ không phải chiên vì không có dầu ăn). Ngày Tết Thiếu nhi mà các cháu không biết là ngày gì, không biết cái bánh, kẹo nó vuông tròn ra sao…
Mình có hỏi bố mẹ các cháu đâu? Các cháu nói tiếng Kinh chưa sõi, chỉ biết là bố mẹ đi trồng mỳ từ sáng sớm trên đồi, cơm nguội nấu từ tối hôm qua để sáng các cháu ăn nhưng không có thức ăn.
P/S: Đâu đó trong xã hội này vẫn còn nhiều khu vực khó khăn, những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta chưa thể biết đến nếu không đi vào thực tế, không nhìn thấy rõ cuộc sống của họ.”
Trước sự việc trên, Phó chủ tịch huyện Krông Pắk bà Ngô Thị Minh Trinh, cho biết, các em bé này là người dân tộc Mông, gia đình các em đều có nương rẫy đầy đủ, không phải thực sự thiếu thốn tới mức phải dùng ve sầu làm thức ăn.
VTC News dẫn lời bà Trinh nói như sau: “Sở thích của các cháu là như vậy. Hàng năm, hàng tháng, huyện đều tổ chức hỗ trợ những người khó khăn và không có chuyện người dân thiếu thốn tới mức phải lấy ve sầu làm thức ăn. Bí thư đoàn xã đưa thông tin lên mạng là muốn kêu gọi mạnh thường quân đóng góp thêm.”
Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, ông Lê Viết Nhượng thì giải thích: ”Trẻ em ở xã vẫn thường bắt ve sầu, châu chấu, cào cào về ăn với cơm”. Và chuyện này “không có gì lạ” vì “đây là phong tục, tập quán của người dân địa phương”. Ông Nhượng cũng nói chính bản thân ông cũng đã ăn ve sầu như lũ trẻ.
Phát biểu của những vị ‘đầy tớ’ của nhân dân khiến dư luận phẫn nộ.
Nhà báo Anh Đào trên Báo Lao động nhận định rằng: “Phong tục có thể là cách lý giải để có một cái đúng, để dư luận tin “không có gì lạ”. Nhưng cũng có một cái đúng khác là sự đói khát, lem luốc, nghèo khổ – điều mà dư luận nhìn thấy trong ảnh.”
Facebooker Nguyễn Đình Trọng thẳng thắn chia sẻ: “Đọc những bài báo đưa tin, nhìn hình ảnh 4 đứa trẻ nghèo ăn cơm nguội nấu từ ngày hôm trước với ve sầu mà đau nhói cả lòng. Thời đại năm 2020 mà thế này sao? Đọc những câu trả lời của cán bộ mình hãi hùng và ngẫm: chả lẽ những đứa trẻ và người dân Đắk Lắk có sở thích lạ thế sao?
– Thích ăn cơm nguội với ve sầu?
– Thích mặc quần áo nhem nhuốc, lấm lem, cũ và dơ bẩn?
– Thích ở nhà vách nứa gió thổi xuyên qua, có thể sập khi gặp gió mạnh?
– Thích bỏ con cái đi làm rẫy trồng sắn cả tuần mới về nhà một lần, mặc các con trẻ?
– Thích đói nghèo?
Quả là sở thích kỳ dị vô cùng????
Cần xác minh rõ thông tin nếu đúng gia đình họ không đói nghèo mà bỏ con cái vậy thì phải răn đe họ, trẻ con tội quá. Nếu đúng vì họ đói nghèo, vì mưu sinh mà phải chấp nhận làm như như vậy thì cần loại ngay bà cán bộ phát ngôn ác độc và vô trách nhiệm đó khỏi bộ máy nhà nước ngay.
Buồn và xót xa!”
Facebooker Đặng Phước lên tiếng chỉ trích bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó chủ tịch huyện Krông Pắk đồng thời cũng phát hiện ra ‘lịch sử phát ngôn’ thiếu trách nhiệm của nữ lãnh đạo huyện này.
Ông viết: “Bà lừa dối được ai khi hình ảnh trẻ em đồng bào H’ Mông ở xã Vụ Bổn huyện Krông Păk áo quần nhếch nhác, mặt mày lọ lem, sống trong ngôi nhà rách nát như thế mà bà bảo “ăn cơm với ve là do sở thích”? Bà hãy về hỏi con bà xem chúng có thích ăn mặc như những trẻ em người H’ Mông đó hay thích ăn ngon mặc đẹp, ở nhà lầu, đi xe hơi và thường xuyên du hí với bạn bè đó đây?
Còn nhớ vụ gần 600 giáo viên hợp đồng huyện Krông Pack bị mất việc vào năm 2018 do tuyển dụng dư thừa theo chỉ tiêu, khi dư luận đặt vấn đề “có việc tiêu cực trong tuyển dụng hay không?”, bà đã trả lời báo chí “chưa phát hiện chạy chọt ..” cho thấy việc trả lời công luận trâng tráo không chỉ mới lần này mà đó là cách bà thường xử dụng để không làm “tổn hại đến uy tín của đảng và nhà nước”. Và đó cũng là cách phát ngôn của nhiều cán bộ “đỉnh cao trí tuệ” luôn “hết lòng phục vụ nhân dân” với khẩu hiệu: “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân” thuộc bộ máy nhà nước “của dân, do dân, vì dân” đang hưởng lương từ tiền thuế của dân đóng góp.”
Luật sư Luân Lê bình luận trên facebook cá nhân rằng: “Khi nhìn thấy những đứa trẻ nghèo khổ nhếch nhác ăn cơm với ve sầu luộc, nếu là lãnh đạo có nhân tâm, họ sẽ cúi đầu xin lỗi người dân.
Đằng này, bọn họ lên báo nói, thản nhiên, cho rằng những đứa trẻ ăn ve sầu là do sở thích?
Tại Việt Nam, mặc cho ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khoe khoang thành tích “ đốt lò”, chống tội phạm trong Đảng cộng sản, nhưng nhiều người dân của đất nước này dường như đã bị lãng quên, các quan chức cầm quyền vẫn tiếp tục chăm lo cho chiếc ghế của mình, nhằm tham nhũng, ăn cắp được thêm nhiều tài sản của nhân dân.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Việt Nam: Dân vào “chảo lửa” và nền tư pháp “mù”
>>> Hải phòng: Bé gái lớp 1 bị cô giáo đấu tố vì tội đi học sớm