Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=dldAt65fBp4
Một tiến sĩ, luật sư người Mỹ từng làm việc một số năm tại Việt Nam nói với VOA rằng khi ông đọc báo và xem thấy video tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, thì trong tư cách một con người, một công dân Mỹ, những hình ảnh đó đã khiến ông tức giận và xác định cần phải làm một điều gì đó.
Tiến sĩ – Luật sư Dale J. Montpelier, người từng cố vấn pháp lý cho các vụ tranh chấp liên quan đến dầu khí với Việt Nam, tiết lộ với VOA rằng ông đã gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
“Tôi nhận ra sự mất mát đau đớn nếu người dân Việt Nam không bảo vệ những gì là hợp pháp của họ trước sự xâm lược bất hợp pháp của Trung Quốc”, LS. Montpelier viết trong lá thư gửi cho Đại sứ Hà Kim Ngọc mà VOA được xem qua.
Gửi lá thư đề nghị đến chính phủ Việt Nam vào cuối năm ngoái, giữa lúc đang rộ lên thông tin về việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng quân cảng của Campuchia, LS. Montpelier còn cảnh báo với Việt Nam rằng “vấn đề sẽ còn trở nên tệ hại hơn rất nhiều” trong tương lai.
Trao đổi với VOA, luật sư có bề dày 25 năm kinh nghiệm nói rằng tất cả những thông tin, dữ liệu, luận cứ từ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Toà án Quốc tế ở La Haye thì Việt Nam đều có thể sử dụng được, “nhưng không thể chỉ dừng lại ở đó”.
LS. Montpelier nói sẽ không khó khăn cho Việt Nam trong việc phản bác các luận cứ của Trung Quốc và thắng Bắc Kinh trước toà án quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, “Vấn đề đối với Trung Quốc, mà chúng ta đã chứng kiến trong lịch sử và rất nhiều trong vòng 5 đến 10 năm qua, là Trung Quốc không công nhận phán quyết. Trung Quốc chỉ sử dụng các phán quyết hữu ích cho Trung Quốc mà thôi. Còn với phán quyết mà họ không thích, chẳng hạn như phán quyết của Philippines từ tòa án là trọng tài thường trực, Trung Quốc chỉ phớt lờ và giả vờ như nó không có hiệu lực đối với họ”.
Luật sư người Mỹ nói với VOA rằng mặc dù ông chưa nói chuyện với bất kỳ quan chức chính phủ Việt Nam nào về chiến lược chi tiết, nhưng theo quan điểm của ông, một khi Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, thì phải chuẩn bị sẵn phương án để buộc Trung Quốc phải công nhận và tôn trọng phán quyết.
Ông nói: “Vấn đề ở đây là, đối với bất kỳ ai theo dõi vụ việc và bất kỳ doanh nghiệp nào làm kinh doanh tại Trung Quốc, nếu chính phủ Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của tòa án hay toà trọng tài thường trực, làm thế nào một doanh nghiệp Hoa Kỳ, một doanh nghiệp Singapore, một doanh nghiệp Việt Nam có thể tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận đối với họ?
Không có gì ngăn được Trung Quốc phá vỡ các thỏa thuận nếu chính phủ trên thực tế không tôn trọng luật pháp. Vì vậy, đây là vấn đề về ngoại giao nhiều hơn, nhưng đó chắc chắn là bước thứ hai cần phải được thực hiện”.
Tiến sĩ luật của Mỹ nói Việt Nam cần phải làm cho Trung Quốc nhận thấy rằng việc làm ăn, kinh doanh trong thế giới hiện đại phụ thuộc vào việc chính phủ có tôn trọng pháp luật hay không.
Ông nói thêm: “Trung Quốc cần phải nhận thấy hình phạt. Nếu Trung Quốc không công nhận phán quyết, thì hình phạt sẽ tính bằng đồng đô la và thương mại. Về phía Việt Nam, chính phủ, người dân và các công ty, liệu có vẫn làm ăn với Trung Quốc hay không khi họ không tôn trọng thỏa thuận hoặc các phán quyết tòa án? Chưa có ai đặt Trung Quốc vào tình huống này. Không một ai nói ‘Chúng tôi không cần tiền’, nhưng điều quan trọng hơn là anh phải tôn trọng luật. Một khi các công ty lớn hoặc một chính phủ dám làm điều đó, Trung Quốc sẽ phải thay đổi hành động của mình. Vì vậy, chính phủ (Việt Nam) cần phải hậu thuẫn, cần phải quyết tâm để đảm bảo rằng Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của tòa án”.
Trước tình trạng Việt Nam vẫn ở vào thế phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Luật sư Montpelier nói đây không phải là tình huống riêng của Việt Nam, mà là của cả thế giới.
Phân tích tình hình thực tế khi trải qua đại dịch Covid-19 hiện nay, ông nói nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, đã nhận ra “sai lầm lớn” của họ trong việc đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc khiến cho nền kinh tế bị phụ thuộc vào nước này.
Vì vậy, theo ông, “một khi các quốc gia đoàn kết và đưa ra quyết định, một khi họ cùng nói “Đủ rồi” và rút ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, thì khi đó mọi chuyện sẽ thay đổi. Đó là khi Trung Quốc thực sự mất quyền lực”.
“Một khi Việt Nam nhận ra rằng họ có thể độc lập về kinh tế và có thể có mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác, Việt Nam sẽ đi một chặng đường dài để phá vỡ sự kiểm soát của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể nghĩ ra để đánh cắp phần đất đó. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải sáng tạo, cần phải sử dụng mọi nguồn lực có thể có để buộc Trung Quốc phải công nhận thực tế rằng họ không sở hữu những hòn đảo đó”, LS. Montpelier nói thêm.
Sau thời gian làm việc tại Việt Nam, Luật sư Dale Montpelier cho biết ông đã cưới vợ người Việt và xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Ông cho biết thêm:
“Tôi chỉ muốn giúp đỡ. Tôi sẵn sàng đứng lên và nói “Đủ rồi”, và tôi sẵn sàng cống hiến tài năng của mình cho chính phủ Việt Nam nếu họ cần giúp đỡ. Đó chỉ là một lời đề nghị. Tôi không làm việc đó để kỳ vọng bất cứ công việc hay lợi ích gì. Nhưng nếu những người giống như tôi không đứng lên và nói “Đủ rồi” khi đã đến lúc cần đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình, quyền lợi của gia đình mình ở Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ giành chiến thắng. Tôi sẵn sàng tình nguyện. Tôi sẽ không để Trung Quốc chiến thắng. Tôi sẽ không để Trung Quốc đánh bại. Nếu Việt Nam cần sự giúp đỡ của tôi, họ chắc chắn có nó”.
Cho tới nay, LS. Montpelier vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam sau nhiều tháng gửi thư cho Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ.
Vào đầu tuần này, Hoa Kỳ cũng vừa thực hiện một động thái quan trọng và có lợi cho Việt Nam khi phái đoàn đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm 1/6 gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Công hàm của Mỹ nói “quyền lịch sử” mà Bắc Kinh tuyên bố đã “vượt quá quyền lợi hàng hải mà Trung Quốc được hưởng như phản ánh trong Công ước Luật biển năm 1982”.
Theo tác giả David Hutt trên Asia Times ngày 07/05/2020, Hà Nội đang cân nhắc việc kiện Bắc Kinh trước một tòa án trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Việt Nam được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Trung Quốc. Đây có thể là đáp trả về pháp lý trước việc Trung Quốc ngày càng gia tăng đe dọa và quấy nhiễu trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.
Các nhà phân tích đang theo dõi tình hình tin rằng, Hà Nội có thể nộp đơn kiện – tương tự như Philippines đã tiến hành trước đây, và đã chiến thắng Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng 7/2016. Phán quyết của tòa khẳng định Trung Quốc « không có quyền lịch sử » về đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để đòi hỏi chủ quyền gần 90% Biển Đông. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, vốn không có cơ chế buộc phải thực thi.
Ông Alexandre Vuving, giáo sư của Trung tâm nghiên cứu an ninh Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawai cho biết từ năm ngoái « đã có thêm rất nhiều tiếng nói trong giới cầm quyền ở Hà Nội, kêu gọi đưa Trung Quốc ra tòa ».
Nhà phân tích Derek Grossman thuộc think tank RAND Corporation ở Washington nói rằng ông không có thông tin nào về việc Hà Nội đang chuẩn bị kiện lên tòa quốc tế, nhưng nghe được từ các nguồn tin chính phủ rằng đề xuất này đang được xem xét một cách nghiêm túc.
Một nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với Asia Times, các cuộc thảo luận tại Hà Nội về một vụ kiện quốc tế nay đang căng thẳng hơn trước.
Trong một hội nghị thường niên về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tháng 11 năm ngoái, thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung đã công khai nêu ra vấn đề này. Đây là lần đầu tiên kể từ gần 5 năm qua, một quan chức cao cấp đề cập đến. Ông Trung nói : « Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 đã dự trù đầy đủ các cơ chế để áp dụng biện pháp này ».
Bắc Kinh tăng cường quấy nhiễu Biển Đông
Việt Nam ngày càng có thêm động lực để đưa Trung Quốc ra tòa. Chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 đã dành hầu như cả năm 2019 để quấy rối một liên doanh khai thác năng lượng với Nga tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông. Việc quấy nhiễu này năm nay lại tiếp tục, bất chấp đại dịch virus corona.
Ngày 03/04, một tàu đánh cá Việt Nam bị một tàu tuần duyên Trung Quốc đánh đắm ở gần quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 13/04, chiếc Hải Dương Địa Chất 8 lại tái xuất hiện tại EEZ của Việt Nam. Vài ngày sau, chính quyền Trung Quốc loan báo thành lập hai quận « Tây Sa » và « Nam Sa » tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền.
Không chỉ đe dọa Việt Nam, mà tháng trước tàu hải cảnh Trung Quốc còn tuần tra ở khu vực thuộc EEZ của Malaysia trên Biển Đông, kể cả một khu vực đang khai thác dầu khí.
Không còn cách nào khác ngoài kiện lên tòa quốc tế
Theo các nhà phân tích, tuy việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế có thể mang lại cho Hà Nội một chiến thắng mang tính biểu tượng, nhưng khó có khả năng Bắc Kinh tuân thủ bất kỳ một phán quyết nào có lợi cho Việt Nam. Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng, tiến gần đến xung đột.
Tuy nhiên dường như Việt Nam không còn bao nhiêu lựa chọn. Chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của think tank Chatham House hồi tháng 11 nói với Reuters, một vụ kiện quốc tế có lẽ là « điều duy nhất mà Việt Nam còn có thể làm được ».
Trả lời Asia Times, nhà phân tích Vuving nhận định « Hà Nội có thể nghĩ rằng không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế ».
Mỗi lần có va chạm với Trung Quốc tại Biển Đông, chính phủ Việt Nam cơ bản có hai khả năng : hoặc công khai chỉ trích Trung Quốc, hoặc cố gắng làm giảm căng thẳng thông qua các cuộc họp giữa hai đảng. Khi Bắc Kinh loan báo lập hai « quận » mới vào tháng trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : « Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và hủy bỏ các quyết định sai trái ».
Tháng Tám năm ngoái, nhà phân tích Việt Nam Lê Hồng Hiệp viết trên một tờ báo khu vực là « ngoại giao chừng như là tuyến phòng thủ đầu tiên và cuối cùng (của Việt Nam) để chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông ».
Tâm lý chống Trung Quốc dâng cao trên toàn cầu
Tuy nhiên Hà Nội có thể cảm thấy rằng thời điểm đã chín muồi cho một động thái pháp lý mới, có thể làm dư luận quốc tế thiên về hướng có lợi cho Việt Nam.
Thật vậy, nếu có khi nào người dân Việt Nam có thể tập hợp xung quanh đảng cầm quyền, còn Bắc Kinh yếu ớt, dễ tổn thương hơn bao giờ hết, thì đó chính là lúc này.
Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, một think tank thuộc bộ An ninh Quốc gia, cơ quan lãnh đạo tình báo cao nhất, dường như trong một báo cáo mới đây đã nhận định « tình cảm chống Trung Quốc trên toàn cầu đang ở mức cao nhất, kể từ sau vụ đàn áp quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cho đến nay » – theo Reuters.
Đồng thời đảng cộng sản Trung Quốc bị yếu đi trong nước, do tăng trưởng kinh tế – mà nhờ đó đảng có được tính chính danh suốt một thời gian dài – bị sụt giảm trong năm 2020, lần đầu tiên kể từ hơn bốn chục năm.
Sự bất mãn đối với Trung Quốc trên toàn cầu, chủ yếu do việc xử lý khủng hoảng virus corona và chiến dịch bóp méo thông tin sau đó, chưa bao giờ mạnh mẽ như thế kể từ nhiều thập niên qua.
Năm nay Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN, một vị trí có thể cố vận dụng để tạo nên một mặt trận đoàn kết hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có những nước cũng tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Việt Nam còn giữ chiếc ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021-2022. Theo giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales, Úc, vai trò này giúp Việt Nam có thể tố cáo sự hung hăng của Bắc Kinh với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an.
Nhưng ông Thayer lưu ý, vấn đề là « Trung Quốc có quyền phủ quyết » ; và « Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hành động pháp lý sẽ tiến hành và những vấn đề nêu ra ».
Thay vì khiếu nại ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Hà Nội có thể áp dụng « kiểu Philippines » : kiện theo UNCLOS, tức Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quy định về chủ quyền ranh giới trên biển.
Nếu theo con đường này, Hà Nội cần phải quyết định sẽ kiện ở đâu : Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài hay một Tòa Trọng tài Đặc biệt.
Ông Thayer giải thích : « Tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS đều được tự do chỉ định một trong bốn cơ chế mình thích. Nếu không, thì cơ chế mặc định là Tòa Trọng tài. Đó là điều đã diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc ».
Nếu Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Việt Nam, sau khi Hà Nội chứng minh được nhiều vấn đề gây tranh cãi về yêu sách lịch sử, thì « Việt Nam sẽ có lợi nhờ được quảng bá trong dịp này, và áp lực chính trị đè lên Trung Quốc ».
Cũng theo giáo sư Thayer, sự kiện này còn mang lại cho Việt Nam « cơ sở để chống lại các hành động của Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế có thể căn cứ vào đó để ủng hộ Việt Nam ». Nhưng Việt Nam khó thể làm được gì nhiều nếu Trung Quốc làm ngơ trước phán quyết, như đã xử sự với Philippines.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Biển Đông: VN chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc
>>> Các nước trên thế giới chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế
>>> Thời cơ đã chín muồi để Việt Nam kiện Trung Quốc?