Link Video :https://www.youtube.com/watch?v=Ch4HtFXTvFg
Một số người Việt làm ăn nhỏ ở Minnesota đã chứng kiến những đoàn người vào các cơ sở kinh doanh đập phá, cướp bóc và có người đã phải tự dùng vũ khí chống trả trong bối cảnh được mô tả là ‘không có chính quyền’, theo tìm hiểu của VOA.
Kể từ ngày thứ Năm 28/5, các cuộc biểu tình ‘Tôi không thể thở’ (I can’t breath) đã bùng phát trên các thành phố lớn ở khắp nước Mỹ để phản đối bất bình đẳng chủng tộc và nạn cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá.
Mọi chuyện bắt đầu với cuộc biểu tình ôn hòa sau cái chết của một người đàn ông da đen, George Floyd, trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis hôm thứ Hai 25/5 vừa qua.
Một số các cuộc biểu tình này sau đó đã trở thành bạo động khi người biểu tình tấn công cảnh sát. Có nơi đã xảy ra tình trạng đốt phá, cướp bóc và hôi của trong khi nhiều bang của Mỹ đang thận trọng mở cửa trở lại sau thời gian chống chọi với dịch bệnh virus corona.
Ở St. Paul, thủ phủ của bang Minnesota và là thành phố ‘song sinh’ (twin cities) với Minneapolis, cộng đồng tiểu thương người Việt ở đây đã có một buổi tối kinh hoàng vào đêm 28/5.
Siêu thị Little Saigon của ông Sỹ Nguyễn nằm ngay trung tâm St. Paul cũng là một trong những nơi bị những kẻ hôi của nhắm đến nhưng may mắn không bị thiệt hại nhờ sự chống trả của chủ tiệm.
Ông Sỹ cho biết ông ‘đã dùng súng’ để răn đe những kẻ tấn công. “Chúng tôi không nổ súng, nhưng chúng tôi cầm trong tay vũ khí để nói rằng nếu tụi bây dám xông vào thì tao sẽ bắn,” ông nói.
“Tôi đã được huấn luyện và được phép mang súng bên người. Tôi biết cách sử dụng, biết khi nào nên bắn và khi nào không nên bắn,” ông phân trần.
Nhờ ông quyết định ở lại kháng cự để giữ gìn tài sản nên ‘nhóm hôi của chạy đi’ trong khi ‘tất cả các tiệm khác đều bị vô đập phá và có tiệm còn bị đốt’.
Khi được hỏi tại sao không kêu cứu cảnh sát, ông Sỹ nói: “Ai sống trong cảnh này mới biết. Giờ đó nó hỗn loạn, không có chính quyền.”
“Chúng tôi gọi 911 tới cháy máy nhưng không có ai bắt. Tất cả các đường dây cảnh sát đều bị cúp hết,” ông nói thêm và cho biết rằng ‘cảnh sát bị quá tải’.
“Họ lo bảo vệ cho những chỗ lớn, còn những tiệm nhỏ như mình đều không có sự bảo vệ.”
“Hầu hết các chủ tiệm khác đều bỏ đi hết không dám ở lại. Tất cả nhân viên cũng khuyên tôi nên về nhà đi. Nhưng tôi thấy tụi nó ăn hôi những tiệm kia. Tôi nghĩ tài sản của mình mình đã làm, đã dành dụm biết bao nhiêu năm nay sao lại để bị cướp được.”
Ông Sỹ nói do ông ‘đã từng vượt biên thoát khỏi chế độ cộng sản nên ông không còn sợ gì nữa’.
Theo lời kể của ông thì đêm hôm đó ông đã ‘ở lại giữ tiệm sáng đêm’ và ‘kêu gọi bạn bè và nhân viên của ông ai có gan ra giữ tiệm cùng ông và được trả tiền theo giờ’.
“Tụi tôi có dí tụi nó (nhóm hôi của) chạy xa tiệm của mình. Những người hàng xóm xung quanh thấy vậy họ cũng cầm gậy bóng chày ra khỏi nhà giúp tôi,” ông kể.
“Nếu bị trận này tôi nghĩ chắc mình sẽ bị phá sản,” ông phân trần. “Bảo hiểm sẽ bồi thường nhưng mà công việc kinh doanh sẽ bị gián đoạn vài ba tháng. Còn nếu không may mà bị nó đốt thì phải nghỉ đến hai năm.”
Về tình hình hôm 28/5, ông Sỹ cho biết ‘lúc đầu có người biểu tình ôn hòa, hô khẩu hiệu’ nhưng sau đó đám đông chuyển sang đập phá.
“Hầu như tụi nó đi trên ngàn người để hôi của. Hầu như tụi nó không phải là biểu tình. Không có lãnh đạo, không có biểu ngữ gì hết. Tụi nó đi trên xe tải chở người (pick-up truck), khoảng 5-10 đứa ngồi trên đó la hét.
Rồi nó muốn vào chỗ nào thì ngừng lại, ào vô, lấy xà beng cạy cửa rồi ào vô hôi của. Hết nhóm này xong đến nhóm kia. Một tiệm có thể bị hôi của cả chục lần,” ông Sỹ thuật lại với VOA.
Ông Sỹ cho biết đến ngày hôm sau, tức 29/5, tình hình ở St. Paul có yên tĩnh hơn vì các cuộc biểu tình tập trung ở Minneapolis, nơi khởi phát vụ việc, nhưng ‘vẫn còn những thành phần đi vào hôi của tiếp những cửa tiệm đã bị đập phá ngày hôm trước’.
“Chúng tôi đi vòng vòng con đường buôn bán chính thấy tụi nó vô hôi không còn sót lại thứ gì,” ông cho biết.
Hiện tại, ông đã cho đóng ván dày khắp mặt trước cửa tiệm để phòng trường hợp bị đập phá lần nữa.
Đến thứ Hai ngày 1/6, chợ của ông Sỹ đã mở cửa trở lại nhưng ‘mở trễ, đóng sớm’. Ông sẽ theo dõi tin tức xem đoàn biểu tình đi đến đâu và tùy vào tình hình để quyết định sẽ đóng hay mở, ông cho biết.
“Lúc này đã có vãn hội trật tự, đã có quân đội can dự. Nên nếu có gì thì có thể gọi họ đến bảo vệ,” ông nói.
“Bà con cũng sợ. Họ hối hả đi chợ cho nhanh rồi về,” ông cho biết về tình hình kinh doanh tại siêu thị Little Saigon mà ông làm chủ.
Theo lời ông thì sau mấy chục năm sống ở Mỹ đây là ‘lần đầu tiên ông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng bạo loạn và cướp bóc như thế’. “Trước đây tôi chỉ nghe qua tin tức thôi,” ông nói.
Ông Sỹ nói ông ủng hộ biểu tình đòi công lý và bình đẳng, nhưng ‘chống lại những kẻ lợi dụng biểu tình để bạo loạn và hôi của.’
Ông cho biết hôm Chủ nhật ngày 31/5, ở St Paul đã có cuộc biểu tình của cả chục ngàn người ‘nhưng rất ôn hòa, có cảnh sát dẫn đường ở phía trước, đi rất trật tự, có biểu ngữ đàng hoàng, hô vang khẩu hiệu’.
“Trong thời điểm này, họ quên Covid đi,” ông nói và cho biết ‘có khoảng 60% người biểu tình đeo khẩu trang’.
Ông nói bạo động chỉ kéo dài trong thời gian ngắn rồi sẽ hết, trong khi đó Covid-19 đối với ông ‘đáng sợ hơn nhiều’ vì ngày nào ông cũng phải ra chợ buôn bán và tiếp xúc hàng trăm người.
Cũng tại St. Paul, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ tiệm Twin Cities Nail Supplies chuyên bán trang thiết bị cho ngành làm móng, cho biết khu thương xá Kim Hùng của người Việt nơi bà đặt cửa tiệm ‘bị đập banh hết’.
“Đập xong rồi tụi nó 5-7 người vô cùng một lúc. Tụi nó gỡ từng cái tivi rồi lấy đi hết. Có tiệm bán điện thoại tụi nó vô lấy điện thoại đi hết,” bà kể.
Bà cho biết lúc đó bà khóa cửa tiệm lại và đứng ở bên trong giữ tiệm. Bà có gọi cho cảnh sát nhiều lần ‘nhưng không có ai tới’.
“Ở chỗ đường chính bị đập phá quá nhiều, họ đốt tùm lum nên cảnh sát lo ở trên kia. Tiệm tôi nhỏ quá lại ở dưới này nên cảnh sát không có đủ lực lượng xuống bảo vệ cho mình,” bà nói và cho biết tiệm của bà không bị cướp nên cũng không thiệt hại gì.
“Do sợ quá nên ai cũng bỏ chạy. Tôi tiếc của nên ngồi lại. Nếu mà tụi nó có vô tiệm tôi đi nữa thì tôi cũng van xin chứ biết làm sao,” bà nói.
Bà Hạnh dự tính ngày 1/6 là ngày đầu tiên mở cửa trở lại kinh doanh sau thời gian nghỉ tránh dịch, nhưng giờ đây bà ‘cũng không dám mở cửa mà khách cũng không dám tới’.
“Cái thứ nhất bị dịch mình chưa được mở cửa rồi bây giờ lại đến bạo loạn này nữa,” bà than thở.
“Đập phá kiểu này thì ai cũng sợ và hoang mang hết,” bà Hạnh nói thêm.
Theo mô tả của bà thì những người đi hôi của ‘chỉ là nhập chung vào đoàn người biểu tình nhưng không phải đi biểu tình mà dường như chủ ý là đi lấy đồ, đi ăn cướp’.
“Biểu tình thì tôi đồng ý nhưng tôi không đồng ý vì vụ này mà đập này đập nọ. Bạo lực không giải quyết được vấn đề. Chỉ tội nghiệp cho người dân và các doanh nghiệp nhỏ,” bà cho biết lập trường của mình về cuộc biểu tình ‘Tôi không thể thở’.
Khác với ông Sỹ, bà Hạnh nói bà sợ bạo loạn hơn dịch bệnh.
“Dịch bệnh mình đã mất rất nhiều, nhưng mình sẽ an toàn hơn nếu mình nghe lời chính phủ, biết ở nhà để tự bảo vệ mình. Còn bạo loạn thì không biết sống chết lúc nào,” bà giải thích.
Bà Hạnh cũng lên án sự kỳ thị đối với người da màu và nhận xét là ‘có tình trạng này’ ở Mỹ.
Tuy nhiên bà nói rằng ‘nếu mình làm đúng luật lệ thì hổng ai kỳ thị mình, chỉ khi mình làm sai người ta mới kỳ thị’.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ triển khai quân đội đến các bang để dập tắt những cuộc biểu tình bạo lực nếu thống đốc không làm được việc này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm qua (2.6), Tổng thống Trump cho hay ông đang triển khai “hàng ngàn binh sĩ được vũ trang hạng nặng, quân nhân và nhân viên công lực để ngăn chặn tình trạng bạo động, hôi của, phá hoại và tấn công” ở thủ đô Washington D.C.
CNN dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Trump đã triển khai một tiểu đoàn quân cảnh ở Washington D.C và dự kiến có thêm 200 – 250 quân nhân từ căn cứ quân sự Fort Bragg (bang Bắc Carolina) đến hỗ trợ an ninh. Trong mấy đêm trước đó, nhiều tòa nhà và tượng đài gần Nhà Trắng bị những người biểu tình quá khích đập phá.
“Những gì xảy ra trong thành phố này (Washington D.C) là sự nhục nhã”, Tổng thống Trump nhấn mạnh và cho biết thêm lệnh giới nghiêm từ 19 giờ sẽ được áp dụng nghiêm ngặt ở Washington D.C. Đã có hơn 40 thành phố ở Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm kể từ khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát hồi tuần trước sau vụ cảnh sát ở TP.Minneapolis (bang Minnesota) dùng vũ lực quá mức khiến người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) tử vong hôm 25.5.
Cũng tại cuộc họp báo nói trên, Tổng thống Trump yêu cầu các thống đốc triển khai thêm vệ binh quốc gia để “kiểm soát” các cuộc biểu tình. “Các thị trưởng và thống đốc phải thiết lập sự hiện diện của giới công lực một cách áp đảo cho đến khi bạo lực bị dập tắt.
Nếu một thành phố hay bang từ chối thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”, Tổng thống Trump cảnh báo, theo báo The Hill.
Trong cuộc họp trực tuyến trước đó, ông Trump nói với các thống đốc rằng họ “trông như kẻ ngốc” và “yếu đuối” vì không triển khai thêm vệ binh quốc gia để ngăn chặn biểu tình. Tuyên bố trên của ông Trump lập tức gây ra phản ứng dữ dội.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) đang dùng quân đội Mỹ để chống lại người Mỹ… Vì trẻ em và đất nước của mình, chúng ta phải đánh bại ông ấy”, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên sáng giá đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, viết trên Twitter.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì chỉ trích việc Tổng thống Trump dùng “quân đội bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình hòa bình” ở Washington D.C là “sử dụng quyền lực của tổng thống một cách khủng khiếp chống lại công dân của chúng ta”, theo CNN. Nhiều thống đốc thuộc đảng Dân chủ cũng đã đồng loạt chỉ trích việc Tổng thống Trump kêu gọi các bang mạnh tay đối với những cuộc biểu tình bạo lực. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa hầu như không có phản ứng.
Theo hiến pháp Mỹ, các thống đốc nói chung có quyền duy trì trật tự trong bang.
Tuy nhiên, Đạo luật Nổi dậy năm 1807 cho phép tổng thống điều lực lượng trấn áp một cuộc nổi loạn trong nước cản trở việc thực thi luật liên bang.
Đạo luật Nổi dậy đã được kích hoạt nhiều lần trong lịch sử Mỹ, với lần được sử dụng gần nhất là vào năm 1992, khi 4 cảnh sát Los Angeles được tuyên xử trắng án trong vụ đánh người đàn ông da màu Rodney King, dẫn tới các vụ bạo động gây chết người, theo Reuters.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Twitter đe dọa khóa tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump
>>> Mỹ công bố: Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa cho phương Tây