Ngay sau tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về các biện pháp hạn chế hoạt động của Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, Chính phủ Anh đã chỉ đạo Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) tái thẩm định vai trò của Huawei.
Quyết định của Chính phủ Anh được đưa ra trong lúc giới chức nước này muốn giảm sự can dự của tập đoàn Trung Quốc trong việc xây dựng mạng di động thế hệ kế tiếp.
Phát ngôn viên của NCSC nói: “An ninh và khả năng phục hồi của các hệ thống mạng của chúng ta là điều tối quan trọng.”
Phóng viên an ninh Gordon Corera nhận định: Tuy việc rà soát tới đây sẽ chỉ dựa trên các cân nhắc về mặt kỹ thuật liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng nó có thể sẽ đem đến cho Chính phủ Anh một lối đi khác với quyết định trước đó, và loại bỏ Huawei hoặc áp thêm các hạn chế – dẫu cho Anh có thể sẽ phải trả giá kinh tế ở trong nước vào đối diện với mối quan hệ căng thẳng hơn nữa với Bắc Kinh.
“Sau tuyên bố của Hoa Kỳ về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Huawei, NCSC đang xem xét cẩn trọng về bất kỳ tác động nào họ có thể gây ra đối với các hệ thống mạng của Anh Quốc.”
Theo các lệnh trừng phạt thì Huawei bị hạn chế trong việc sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ để thiết kế đồ bán dẫn của mình.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ quan ngại rằng Huawei đã vi phạm các quy định vốn được đưa ra từ hồi năm ngoái, theo đó đòi hãng này phải xin giấy phép mới được xuất khẩu các sản phẩm của Mỹ.
Bộ này nói Huawei có thể đã né quy định trên bằng cách dùng linh kiện bán dẫn của Mỹ để sản xuất thiết bị tại nhà máy đặt ở các quốc gia khác.
Phản ứng về việc Anh chuẩn bị tiến hành rà soát, Phó chủ tịch Huawei Victor Zhang nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là tiếp tục triển khai một mạng 5G đáng tin cậy và an toàn trên toàn nước Anh.”
“Chúng tôi rất vui lòng thảo luận với NCSC về bất kỳ quan ngại nào mà họ có, và hy vọng sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác thân thiết mà chúng ta đã có trong 10 năm qua.”
Trong tháng Ba và tháng Tư, đã có sự phản ứng chống đối ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson, với việc một nhóm các dân biểu Bảo thủ kêu gọi xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc. Nhóm này gửi thư cho ông thủ tướng chỉ một ngày trước khi ông phải nhập viện để điều trị COVID-19.
Đáp lại, Huawei viết thư ngỏ gửi chính phủ Anh, thúc giục nước này chớ “gây gián đoạn” sự tham gia của Huawei trong việc triển khai mạng 5G.
Trước nay, Huawei luôn bác bỏ việc họ giúp chính phủ Trung Quốc tấn công khách hàng của họ.
Người sáng lập hãng nói ông thà “đóng cửa công ty” còn hơn là hỗ trợ cho “bất kỳ hoạt động gián điệp nào“.
Hồi tháng Giêng, sau cuộc tranh luận dai dẳng và gay gắt, Chính phủ Anh đã phê chuẩn việc để Huawei tham gia với vai trò hạn chế trong việc xây dựng các mạng 5G mới ở Anh.
Hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bị cấm cung ứng linh kiện cho “các bộ phận nhạy cảm” của mạng, còn được gọi là phần cốt lõi. Đồng thời, hãng chỉ được phép cung ứng 35% linh kiện cho các thiết bị ngoại vi của mạng, trong đó bao gồm các cột vô tuyến điện.
Mỹ từ lâu đã cảnh báo các đồng minh rằng Huawei là mối đe dọa an ninh, có thể cho phép gián điệp Trung Quốc xâm nhập các hệ thống an ninh của từng quốc gia. Vì vậy, quyết định của Thủ tướng Johnson đã làm phật lòng Tổng thống Trump, gây ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ đồng minh trong bối cảnh Anh đang tìm kiếm một hiệp định thương mại mới với Mỹ sau khi Anh rời khỏi EU. Nguồn tin Financial Times cho biết hồi tháng 2, ông Johnson gọi điện cho ông Trump để giải thích việc ký hợp đồng với Huawei. Ông Trump đã nổi giận đập điện thoại xuống bàn.
Không chỉ gây bất hòa trong quan hệ Mỹ – Anh, sự lựa chọn nghiêng về Huawei của Thủ tướng Johnson cũng khiến chính trường Anh trở nên sóng gió. Các nghị sĩ Đảng Bảo thủ phản đối dữ dội khi ông Johnson trao cho Huawei vai trò đáng kể trong dự án phát triển hạ tầng 5G tại vương quốc này.
Nguồn tin Guardian khẳng định ông Johnson buộc phải xem xét lại thỏa thuận với Huawei do lo ngại Hạ viện sẽ bỏ phiếu chống.
Ước tính có tới 50 nghị sĩ Đảng bảo thủ sẵn sàng “nổi loạn“. Làn sóng phản đối đã lan rộng trong nội bộ đảng Bảo thủ từ tháng 3.
Làn sóng phản đối của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ càng tăng cao khi COVID-19 bùng phát và chưa thể kiểm soát ở Anh, buộc Thủ tướng Anh phải xem xét lại thỏa thuận với Huawei.
Theo Business Insider, tháng trước một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ có ảnh hưởng đã thành lập một nhóm có tên “Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc” (China Research Group) để gây sức ép buộc ông Johnson xem xét lại thỏa thuận với Huawei.
Nhóm này do Nghị sĩ Tom Tugendhat, một người chỉ trích Trung Quốc trong vụ COVID-19, dẫn đầu. Ông Tugendhat hiện đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh và từng cáo buộc Trung Quốc “làm giả số liệu” trong khủng hoảng COVID-19. Ông nói: “Việc che giấu thông tin lâu dài của Bắc Kinh đóng góp vào khủng hoảng đang diễn ra… Đảng Cộng sản đang dùng tình hình khẩn cấp hiện thời để xây dựng ảnh hưởng toàn thế giới.”
Ông nhấn mạnh rằng nhóm có tên China Research Group không phải là nhằm chống Trung Quốc mà mục tiêu của nhóm là kêu gọi cần hiểu rõ hơn tham vọng kinh tế và vai trò toàn cầu của Trung Quốc sau khi khủng hoảng virus corona kết thúc.
Theo đó, nhóm này sẽ “khảo sát cơ hội để giao thiệp” với Trung Quốc và tìm hiểu mục tiêu kinh tế của họ. Nhóm cũng sẽ tìm hiểu hậu quả của công nghệ mới 5G, nhân tranh cãi về Huawei đồng thời sẽ khảo sát chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các vùng nghèo hơn trên thế giới.
Chuyên gia Dean Godson đến từ Tổ chức Policy Exchange, cho rằng các nhánh khác nhau trong đảng Bảo thủ lại đang tìm tới nhau để đòi cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Ông nói các nhánh này gồm: nghị sĩ thân Mỹ sợ thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ bị đe dọa nếu Anh không thù hằn Trung Quốc bằng Tổng thống Trump; các nghị sĩ quan tâm vấn đề nhân quyền của người Hồi giáo Uighur; những người lo Trung Quốc thách thức trật tự thế giới; các nghị sĩ ở miền Bắc nước Anh lo lắng rằng nhà máy vùng này bị Trung Quốc đe dọa.
Một số nghị sĩ muốn Thủ tướng Boris Johnson từ bỏ hoặc giảm bớt kế hoạch cho phép Huawei tham gia mạng 5G.
Một số lại muốn có phản ứng mạnh hơn vì Hong Kong.
Nhưng Thủ tướng Boris Johnson của Đảng Bảo thủ ủng hộ giao thiệp với Trung Quốc.
Khi còn là thị trưởng London, ông ủng hộ Thủ tướng David Cameron trong việc muốn tạo ra “thời đại vàng son” trong quan hệ Anh – Trung.
Khi làm ngoại trưởng, ông luôn nói với các vị khách Trung Hoa rằng con gái ông đang học tiếng Hoa.
Trong phỏng vấn được Phoenix Television phát ở Hong Kong hè năm ngoái, ông khẳng định: “Chúng tôi rất thân Trung Quốc.”
Và giờ đây, gió đã đổi chiều, tờ Telegraph mới đây đã đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn giảm vai trò của Huawei trong xây dựng mạng 5G tại nước này.
Theo Telegraph, ông Johnson yêu cầu các quan chức lên kế hoạch giảm sự tham gia của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng tại Anh “về không” vào năm 2023. Thủ tướng kỳ vọng việc giảm lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ là công cụ thúc đẩy đàm phán thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, Telegraph đưa tin ông Johnson hướng dẫn nhân viên trình kế hoạch chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguồn cung y tế quan trọng và các mặt hàng nhập khẩu chiến lược khác.
Một nguồn tin của Telegraph tiết lộ ông Johnson vẫn muốn quan hệ Trung Quốc song thương vụ Huawei sẽ bị thu hẹp đáng kể. Các quan chức được chỉ thị vạch ra phương án giảm sự tham gia của Huawei trong mạng 5G nhanh nhất có thể.
Ngày 5/5 vừa qua, Anh đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 2 tuần về thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, một trong những đối tác quan trọng bậc nhất thế giới của nước này. Đây là động thái được đánh giá là nỗ lực tìm đòn bẩy tạo lợi thế trong các cuộc thương lượng với EU.
Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận với xứ sở cờ hoa thì xứ sở sương mù sẽ phải nhượng bộ trong một số vấn đề. Một trong những chủ đề khúc mắc là việc Anh phải chấp nhận các tiêu chuẩn môi trường và thực phẩm lỏng lẻo của Mỹ cũng như mở cửa dịch vụ y tế quốc gia cho các công ty Mỹ. Đây chính là trở ngại mà Chính phủ Anh luôn bác bỏ. Một câu chuyện khác cũng không kém phần căng thẳng chính là vụ 5G và Tập đoàn Huawei đến từ Trung Quốc. Thuế kỹ thuật số cũng là một đề tài gây tranh cãi giữa hai nước. Anh sẽ phải cân nhắc giữa các vấn đề để nhượng bộ Mỹ bởi việc đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ có tác động lớn hơn với mức độ thương mại song phương hiện tại. Nếu tính riêng từng quốc gia trong năm 2018, Mỹ đứng đầu danh sách các đối tác thương mại của Anh, với tổng lưu lượng thương mại là 190,5 tỷ bảng Anh (tương đương 246,91 tỷ USD).
Nhiều người Anh hy vọng, thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ nếu thành hiện thực có thể tái định nghĩa thương mại thế giới, đồng thời kết nối các trung tâm tài chính ưu việt toàn cầu ở London và New York. Nó cũng giúp gây áp lực lớn cho nhóm đàm phán EU do ông Michel Barnier đứng đầu, vốn đang muốn Anh phải kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit.
Theo các quan chức kỳ cựu ủng hộ Brexit như cựu Bộ trưởng Owen Paterson, thỏa thuận thương mại song phương Anh – Mỹ sẽ giúp đất nước Big Bang trở thành “cửa hàng một cửa” (one stop shop) đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thỏa thuận khác.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, Công ty Huawei của TQ sẽ trở thành con tốt thí để Anh đạt được thỏa thuận lịch sử với đồng minh chiến lược Mỹ bên kia Đại Tây Dương.
Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)