Trong khi truyền thông Campuchia cho hay Bộ Ngoại giao Campuchia vừa gửi công hàm ngoại giao tới Đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu dỡ bỏ các lán trại biên phòng đã dựng trong khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước thì ngoài Biển Đông, tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, đưa tin Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi cuộc chiến chống COVID-19 chưa đến hồi kết thúc thì biên giới hải đảo và đất liền của Việt Nam liên tiếp dậy sóng.
Cuối tháng trước, Campuchia đã yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ các chốt kiểm soát trong “khu vực trắng”, tức khu vực tranh chấp chưa được phân định biên giới chính thức giữa hai nước, sát biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Kandal của Campuchia, sau khi giới hữu trách Campuchia phát hiện nhiều lán trại của Việt Nam nằm trong khu vực tranh chấp.
Các lán trại mà Campuchia đề cập đến là các chốt kiểm soát mà biên phòng Việt Nam dựng lên gần đây để “thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, theo truyền thông Việt Nam.
Từ 23h59 ngày 20/3/2020, Vương quốc Campuchia đã tạm dừng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam. Còn Việt Nam bắt đầu áp dụng lệnh tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới theo cửa khẩu và đường mòn, lối mở với Campuchia kể từ 00h00 ngày 01/4/2020. Hàng loạt các chốt kiểm soát đã được dựng lên dọc theo biên giới hai nước để kiểm soát người qua lại giữa hai nước.
Sau cuộc hội đàm ở cấp tỉnh, biên phòng Việt Nam cho biết sẽ gỡ các lán trại. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có 3 lán được dỡ bỏ, còn lại 28 lán vẫn tồn tại trong khu vực này, theo Khmer Times.
“Chính phủ (Campuchia) đã gửi công hàm ngoại giao cho chính phủ Việt Nam vào ngày 13/5”, Khmer Times dẫn lời ông Var Kimhong, Chủ tịch Uỷ ban Biên giới Campuchia cho biết.
Quan chức Campuchia cho hay nội dung công hàm yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ tất cả các lán trại.
Trung tướng Leang Phearom, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biên phòng Campuchia nói chủ trương của Campuchia là “cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình với các nước láng giềng, không sử dụng vũ lực để tránh tạo ra căng thẳng”, bao gồm “giữ bình tĩnh trong mọi tình huống và tiến hành đàm phán”.
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài 1.270 km. Sau nhiều vụ đụng độ ở biên giới, hai bên đã thúc đẩy tiến hành phân định ranh giới trong những năm gần đây.
Ngày 05/10/2019, tại Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã ký hai văn kiện để giải quyết vấn đề cắm mốc biên giới. Đây là lần đầu tiên có văn kiện pháp lý ghi nhận biên giới 2 nước.
Các văn bản phê chuẩn 84% công việc phân định biên giới hoàn thành giữa hai quốc gia.
Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành nhiều đợt đàm phán, ký kết được nhiều văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10/10/2005.
Trên cơ sở hai hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986. Tính đến tháng 12/2018, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc và kết quả này đã được hai bên chính thức pháp lý hóa trong sự kiện ngày 05/10/2019 đã nêu.
Dự kiến, cuối tháng 6 tới đây Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ I sẽ tổ chức nhân kỷ niệm 43 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Chương trình dự kiến sẽ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Campuchia, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện các tỉnh thuộc địa bàn quân khu 7. Đây là sự kiện chính trị quan trọng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, kết nghĩa giữa hai bên biên giới, giúp cho nhân dân hai nước có thêm cơ hội giao lưu văn hóa dân tộc, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất…
Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam – Campuchia những năm gần đây gặp nhiều trắc trở bởi yếu tố Trung Quốc.
Hơn 4 thập niên sau khi Việt Nam đánh bại và lật đổ chế độ Khmer Đỏ, rồi đưa đảng của ông Hun Sen, Đảng Nhân dân Campuchia – CPC, lên cầm quyền, quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em từng đồng hành với nhau qua các giai đoạn lịch sử, nay không còn gắn bó như trước.
Mối quan hệ đã trở nên phức tạp, phần lớn do Campuchia ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nước đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ/ lãnh hải với Việt Nam và một số nước khác trong Biển Đông.
Campuchia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng… Căng thẳng trong quan hệ Việt Nam – Campuchia càng tăng cao sau khi 3 tàu chiến Trung Quốc cập cảng ở Sihanoukville, Thủ Tướng Hun Sen thì thực hiện nhiều chuyến thăm Bắc Kinh trong những năm qua và đặc biệt cuộc tập trận chung mang tên “Rồng Vàng” giữa Trung Quốc và Campuchia được tổ chức nhằm răn đe Việt Nam.
Giữa tháng 3 vừa qua, bất chấp COVID-19, gần 3.000 binh sĩ Campuchia cùng nhất 6 trực thăng, 9 xe tăng và 12 xe bọc thép chiến đấu tập trận lớn với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã huy động 265 binh sĩ, 6 trực thăng, 9 xe bọc thép và nhiều vũ khí hạng nặng khác cho cuộc tập trận này.
Đây là cuộc tập trận Rồng vàng thứ 4 giữa Campuchia và Trung Quốc trên khu vực diễn tập có diện tích lên tới 10.000 ha.
Các chuyên gia nhận định rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia đang có nguy cơ tan vỡ, tùy thuộc vào cách Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Phnôm Pênh và cách đáp ứng của Campuchia trước áp lực này.
Trong khi biên giới đất liền có động thì ngoài Biển Đông, Trung Quốc huênh hoang với chiến thắng to lớn khi thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm.
Trung Quốc coi đây là một thành công lớn trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.
Hiện không có căn cứ quân sự và đảo nhân tạo nào của Trung Quốc trên Biển Đông đáp ứng tiêu chuẩn trên.
Vì vậy, tất cả các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm khẳng định chủ quyền đều bị cho là “đá” hoặc các thực thể “phi đảo” trong phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016.
Việc biến các đảo nhân tạo thành đảo chính thức là vấn đề lâu nay của Bắc Kinh, vì tất cả các khu định cư mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông đều thiếu nước ngọt và đất trồng.
Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng các nhà kính và mang đất đai màu mỡ từ đất liền đến, nhưng cho đến gần đây đều thất bại trong kế hoạch “tự túc lương thực” cho các căn cứ trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và Đá Chữ Thập ở Trường Sa.
Dự án canh tác trên nền cát của đảo Phú Lâm là một dự án của quân đội Trung Quốc phối hợp với một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của nước này – Đại học Giao thông Trùng Khánh.
Theo tờ báo Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc “biến cát thành đất màu” để tạo môi trường màu mỡ cho thảm thực vật, mở đường cho nông nghiệp với khả năng “tự cung tự cấp” trên các đảo, đá mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền xung đột với các nước khác.
Theo RFA, ngoài trồng trọt, Bắc Kinh cũng nỗ lực trong việc xây dựng khả năng sản xuất điện và lọc nước biển thành nước ngọt, triển khai một loạt ưu đãi như cấp nhà ở, trợ cấp… để thu hút người dân đến sống trên các đảo tranh chấp.
Từ năm 2015, hình ảnh vệ tinh do công ty DigitalGlobe công bố cho thấy Trung Quốc đang mở rộng hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đường băng cũ trên đảo Phú Lâm đã được thay bằng một đường băng mới dài và hiện đại hơn.
Theo Wikipedia, đảo Phú Lâm, qua khảo sát của thủy binh Nhà Nguyễn thế kỷ XIX (với tên gọi là cồn Bạch Sa), có chu vi tự nhiên là 1070 trượng (tương đương khoảng 5,03 km), cũng phù hợp với quy mô diện tích 1,5 km2 (chiều dài đến 1,7 km, chiều ngang 1,2 km) dạng tròn vỏ ốc chu vi khoảng 5,0 km, theo số liệu của Việt Nam kế thừa từ thời Pháp thuộc.
Đường băng tại đảo Phú Lâm dài khoảng 2.300 m trước khi Bắc Kinh tiến hành nâng cấp năm 2014. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng đường băng này để đạt độ dài khoảng 3.000 m.
Theo ảnh vệ tinh tới năm 2005 Trung Quốc đã cạp đất xây dựng đường băng trên cùng với đường nối từ đảo Phú Lâm ra tới đảo Đá, tổng diện tích đảo lên tới khoảng 2,1 km2. Tới tháng 10 năm 2014, Trung Quốc kéo dài đường băng sân bay tới độ dài là 2,74 km (sau khi đã hoàn thành), mở rộng âu bến cảng phía đông và cơi nới cạp đất với khối lượng rất lớn phía bắc đảo cùng vùng hành lang mặt biển đông bắc kẹp giữa đường kè nối với đảo Đá và phần bắc sân bay.
Tới năm 2018, tổng diện tích đảo Phú Lâm kết hợp với đảo Đá (thành một đảo duy nhất) lên tới khoảng 3,18 km2 (trong đó diện tích tự nhiên của riêng đảo Đá chỉ khoảng 0,065 km2, và diện tích tự nhiên nguyên thủy của đảo Phú Lâm khoảng 1,5 km2).
Tuy nhiên, với diện tích sau khi hoàn thành xong việc cơi nới đảo, Phú Lâm vốn là đảo tự nhiên lớn nhất cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì nay (với khoảng 3,18 km2) trở thành đảo chỉ lớn thứ 3 về diện tích trong tất cả các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại 2 quần đảo này (nhỏ hơn so với 2 đảo hoàn toàn nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bồi đắp trên các đá Vành Khăn và Xu Bi).
Chính quyền Đảng cộng sản Việt Nam đang điêu đứng vì nhiều khó khăn cùng ấp đến, một mặt vừa tiếp tục chống dịch COVID-19, vừa phải vực nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng sau thời gian cách ly, mặt khác phải chuẩn bị cho kỳ đại hội lần thứ 13 sắp với tranh giành quyền lực căng thẳng tại Trung ương.
Tại các vùng biên giới đất liền và hải đảo thì Việt Nam đều bị cả Trung Quốc và Campuchia đồng loạt gây sức ép nặng nề.
Đây quả là một thử thách quá sức với nhà cầm quyền ở Hà Nội, khi người đứng đầu đất nước đã quá già yếu, lại quá say mê thứ lý thuyết ảo tưởng CNXH đầy đau khổ.
Một tương lai bất định đang chờ đợi các lãnh đạo tại Ba Đình.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)