Vụ Hồ Duy Hải: Lộ diện hung thủ ở Bưu điện Cầu Voi

Đến nay thì những mấu chốt của vụ án Bưu điện Cầu Voi đã hé lộ mặc dù 12 năm đã trôi qua, tưởng chừng như mọi thứ đã bị xóa nhòa. Phát hiện mới nhưng vẫn nhờ những bút lục cũ mà không hiểu vì sao đã bị mất hay bị cố ý dấu đi khiến cho Luật sư không thể tiếp cận.

Thực ra 3 năm sau đó, Luật sư Trần Hồng Phong đã tiếp cận được một đầu mối là Đinh Vũ Thường để xác tín được rằng Đinh Vũ Thường không hề nhận diện người thanh niên trong Bưu điện là Hồ Duy Hải, một sự thật trái ngược với khẳng định của cáo trạng là Đinh Vũ Thường đã thấy Hải trong Bưu điện.

Chỉ một chi tiết này thôi cũng đủ khiến cho cơ quan tố tụng phải bị khởi tố vì đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Chưa kể việc hàng loạt vật chứng quan trọng khác đều in dấu vết của hung thủ cũng biến mất nhưng cả hệ thống tư pháp từ sơ thẩm cho đến cấp Tối cao vẫn du di bỏ qua.

Xa hơn nữa là những nhân chứng Đinh Văn Còi, Lê Thanh Trí với lời khai nhận dạng một người thanh niên khác hẳn với Hồ Duy Hải, và những bút lục này đã bị biến mất. Luật sư không thể đọc được những lời khai ấy để bào chữa cho Hồ Duy Hải. VKSND Tối cao cũng không được đọc. Đó là Lời khai của Đinh Văn Còi bút lục số 139, của Lê Thanh Trí khai bút lục số 141.

Ngoài ra nhờ Camera của cây xăng vào 21h01’ mà có thể suy đoán được nữ nạn nhân tên Vân sau lúc ấy mới đến mua trái cây và quay lại Bưu điện Cầu Voi sau đó chừng 3-5 phút. Như vậy thì thời gian gây án đã bị trễ đi ít nhất là nửa tiếng và điểm mấu chốt này khiến cho bản chất vụ án thay đổi hoàn toàn, không như 17 vị thẩm phán tối cao đã kết luận.

Trên Facebook cá nhân nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết cụ thể như sau:

Vụ án Bưu điện Cầu Voi, khi Vân đi mua trái cây chỗ chị Ngân (cách camera cây xăng Cầu Voi 50m) thì anh Long chồng chị Ngân đang đi ra để qua cây xăng đổi ca (anh này làm nhân viên cây xăng).

Công an Long An ngày 15/1/2008 đã trích xuất camera (bút lục số 262) ghi nhận anh Long bước vào khung hình là 21h1′ – tức là lúc đó Vân đang mua trái cây!

Như vậy, sớm nhất là 21h4′ Vân mới quay lại bưu điện.

Nghĩa là, thời gian gây án không phải trong khung giờ 20h30+!

Án truy xét, bắt buộc phải xác định giờ chết của nạn nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, trải qua gần 13 năm, chưa có một cơ quan nào xác định giờ chết của nạn nhân (tất cả các bút lục đều bỏ trống giờ chết) và vẫn khăng khăng quan điểm 20h30 Vân đi mua trái cây thì Hải ở nhà giết Hồng.

Trong khi camera ghi nhận, 21h1 phút Vân mới mua trái cây.

Nếu bút lục 262 này được sử dụng, sẽ xô đổ mọi lập luận của 17 phán quan để tử hình Hồ Duy Hải.

Bất ngờ là, bút lục này đang nằm ở… Củ Chi! Hiện giờ hồ sơ của Viện KSNDTC vẫn thiếu bút lục 262.

Tôi sẽ đi lấy bút lục này về, vì nó đủ để mở ra một vụ án mới: Vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.

Chính vì 17 phán quan hời hợt khi hồ sơ có các bút lục bị “nhảy cóc”, mà bản án giám đốc thẩm vừa qua đã không thể làm rõ bản chất vụ án.

Ảnh: Cây xăng này ở vị trí đối diện hơi xéo điểm bán trái cây và có 2 camera ở vị trí điểm màu tím. Chính nhờ 2 camera này mà xác định được thời điểm 21h:01’ thì nữ nhân viên tên Vân mới có mặt để mua trái cây

Tôi nghĩ, khởi tố một vụ án mới, làm cho rõ các điểm mờ, là cách để 17 phán quan có thể rửa mặt mà ngước lên nhìn đời.” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra kết luận.

Một đảng viên đảng CSVN từ Hà nội đã gửi cho thoibao.de lời bình luận với tựa đề: Cú tát của Nguyễn Hòa Bình vào “mặt Đảng”, nội dung như sau:

Vụ xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã gây ra sự đối đầu chưa từng có giữa Viện Kiểm Sát và Tòa án ND Tối cao.

Việc hai bên sử dụng đủ mọi loại phương tiện truyền thông từ phát biểu, đến dùng báo lề phải và mạng xã hội để thanh minh, đỗ lỗi cho nhau. Thâm chí là quy chụp cho cả đại biểu quốc hội là ” không hiểu biết, phát ngôn làm rối dư luận”…

Cuộc “đấu khẩu” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm cho mọi người không thể không đặt câu hỏi : Vậy Đảng ở đâu mà để hai cơ quan tư pháp cãi nhau như ” chó ăn vã mắm” thế này?

Ông Trọng có biết không? Ông Trần Quốc Vượng là Thường trực Ban Bí thư có biết không? Và đã có chỉ đạo như thế nào? Ban Nội chính Trung ương của ông Phan Đình Trạc – là cơ quan ” “cầm cân nảy mực” của khối nội chính có chỉ đạo thế nào?

Để hai cơ quan tư pháp quan trọng nhất quốc gia cãi nhau,đúng sai, phải trái thế nào chưa biết, nhưng đã làm tổn hại đến uy tín, uy lực và uy quyền của Đảng CSVN. Rõ ràng, đã có sự buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, mà rõ nhất ở đây là Ban Bí thư và và Ban Nội chính Trung ương.

Một điều không thể không nói, đó là  ông Nguyễn Hòa Bình đã quá tự tin, và chỉ tin vào kết quả điều tra của Công an mà phớt lờ kháng nghị của Viện KS NDTC, phớt lờ cả ông Trần Quốc Vượng và Phan Đình Trạc.

Rõ ràng là ông Bình đã “vả”vào mặt Đảng

Nguyễn Phúc Tuệ – Đảng viên ĐCS VN (gửi từ Hà Nội cho Thoibao.de ngày 21.05.2020)

Ảnh 2: so sánh lời khai của nhân chứng Đinh Văn Thường ghi rằng anh “không nhận dạng được người thanh niên tại Bưu điện Cầu Voi và không được mời tham dự phiên tòa”, trong khi cáo trạng ghi rằng Đinh Vũ Thường “phát hiện thấy bị can Hải đang ngồi trong Bưu điện Thủ Thừa” tức Bưu Điện Cầu Voi. Như vậy Cáo trạng đã tùy tiện bóp méo lời khai của nhân chứng)

Trên trang Báo Sạch, nhà báo Trung Bảo đưa ra những nhận định mới nhất về hung thủ với tựa đề: NGƯỜI THANH NIÊN TRONG ĐÊM XẢY RA THẢM ÁN LÀ AI?

Nhà báo Trung Bảo viết như sau:

Trong suốt hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện Bưu cục Cầu Voi để bảo vệ cho bị án Hồ Duy Hải tưởng đã đọc hết mọi hồ sơ vụ án, nhưng luật sư Trần Hồng Phong chưa bao giờ nghe đến cái tên Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí. Không có bất kỳ trang hồ sơ nào nhắc đến hai nhân vật này.

Hai cái tên này đột ngột xuất hiện một cách bí hiểm trong vai nhân chứng với lời khai về đêm xảy ra thảm án. Theo đó, cả hai đều đã nhìn thấy một thanh niên ngồi với hai nạn nhân trong bưu cục trong khoảng thời gian từ 19:40 – 20:00.

Hơn 12 năm trước, Đinh Văn Còi là thiếu tá phòng Cảnh sát Cơ động – Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (PC 22) thuộc Công an tỉnh Long An. Đêm 13/1/2008, Còi và Trí trước khi đến bưu cục Cầu Voi mua card điện thoại đã ăn cháo vịt tại Cầu Ván, một địa điểm cách bưu cục khoảng 2,6km. Theo biên bản lời khai của Còi, cả hai rời khỏi quán cháo vịt vào lúc 19:30. Cả hai đến bưu cục vào khoảng 19:40 bằng xe máy.

Tại bưu cục, cả Trí và Còi đều khai nhìn thấy một thanh niên ngồi bên cạnh nạn nhân Hồng trên ghế salon sau quầy giao dịch. Nạn nhân Vân là người bán card điện thoại cho Còi và Trí.

Mô tả với cơ quan điều tra, Trí cho biết “có nhìn thấy một thanh niên tuổi 30-33, tóc gọn, mặt tròn, mặt áo thun màu vàng sậm ngắn tay”.

Nhân chứng Còi cũng cho biết nhìn thấy “một thanh niên khoảng 28-30 tuổi… người hơi mập, nước da trắng, mặt tròn, tóc hơi dợn, mặc áo thun cổ màu vàng nhạt ngắn tay”.

Vậy là từ lời khai của hai nhân chứng này có thể thấy những điểm tương đồng là thanh niên mặt tròn, tóc ngắn, mặc áo thun ngắn tay có màu vàng. Thanh niên này xuất hiện ở bưu cục Cầu Voi trong khoảng thời gian được cho là hung thủ Hồ Duy Hải có mặt để gây án.

Ảnh 3: chữ ký của nhân chứng Đinh Văn Còi trong biên bản của bút lục số 139 (đã biến mất trong hồ sơ vụ án, khiến Luật sư và Viện KSND Tối cao không thể tiếp cận và nhận định) – nhưng nay đã được tiết lộ

Cả hai lời khai này đều được thực hiện vào ngày 15/1/2008, chỉ hai ngày sau khi thảm án xảy ra. Khi đó chưa xác định “đối tượng” là Hồ Duy Hải.

Thế nhưng đến khi vào Cáo trạng (số 97/QĐ.KSĐT) ngày 1/10/2008 thì Hồ Duy Hải bị buộc tội giết hai nạn nhân bởi lời khai của nhân chứng duy nhất là Đinh Vũ Thường. Bản cáo trạng viết: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong ghế tại Bưu điện lúc 19:39”. Thậm chí trong cáo trạng này còn viết sai trầm trọng: “phù hợp lời khai của Đinh Vũ Thường người gọi điện thoại cuộc cuối cùng cho bị can”. Thường và Hải chưa bao giờ biết nhau trước đó, thì làm sao Thường gọi cho “bị can“?

Trong một bản viết tay của Đinh Vũ Thường cho luật sư Trần Hồng Phong, người này viết: “tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên, mà tôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại bưu cục Cầu Voi”. Đinh Vũ Thường cũng xác nhận không hề được mời tham dự toà trong tư cách nhân chứng. Bản viết tay này được viết vào ngày 7/1/2011.

Theo các hồ sơ của vụ án, Hồ Duy Hải mặc áo thun sọc xanh, để tóc hai mái, và lúc đó Hải chỉ mới là một thanh niên 23 tuổi. Cũng theo các hồ sơ của vụ án, không hề có bất kỳ lời khai nào của hai nhân chứng Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí được đưa vào. Dù những lời khai này đã được đánh số bút lục, tức đã trở thành hồ sơ điều tra.

Lời khai của Đinh Vũ Thường bị “mông má” lại để buộc tội Hồ Duy Hải được sử dụng là lời khai nhân chứng duy nhất tại mọi phiên toà dù không được mời có mặt. Lời khai của hai nhân chứng khác không trùng với nhân dạng của Hồ Duy Hải, được lấy lập tức sau ngày án mạng xảy ra, lại bị âm thầm rút ra khỏi hồ sơ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các chánh án ở phiên toà Giám Đốc thẩm biết rằng đã có những lời khai với nội dung khác hoàn toàn với cáo trạng nhưng không được đưa vào kết luận điều tra? Vụ án năm xưa đang dần sáng tỏ khi càng lúc càng nhiều tình tiết, hình ảnh chưa từng xuất hiện nay được những người giấu mặt gửi đến cho công chúng.

Ảnh 4: Lối đi lên lầu Bưu điện Cầu Voi được khóa kín vào sáng hôm sau 14/1/2008, ai đã khóa ổ khóa này, dấu vân tay trên đó của ai, ai đã có mặt trên đó khoảng 21h đêm hôm trước? Những câu hỏi này đã không được cơ quan điều tra xác định và 17 vị thẩm phán tối cao cũng không muốn quan tâm

Một trong những yếu tố kết tội Hồ Duy Hải đó là căn cứ vào các lời khai của các nhân chứng về việc nhìn thấy “một thanh niên” có mặt ở Bưu cục Cầu Voi vào khoảng thời gian từ 19:30 – 20:30. Đó là lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, và lời khai của người bán trái cây Nguyễn Thị Bích Ngân về thời gian mua trái cây của nạn nhân Vân.

>>>(Ảnh 5: hiện trường vụ án với những nhân vật xoay quanh Bưu điện Cầu Voi sát phía trước có chốt dân phòng và điểm bán trái cây cách đó 150 mét)

Không cần nhắc lại lời khai của Đinh Vũ Thường vì sau đó nhân chứng này đã có xác nhận với luật sư Trần Hồng Phong – bào chữa cho Hồ Duy Hải, việc chỉ nhìn thấy một thanh niên chứ không phải nhìn thấy Hồ Duy Hải như kết luận điều tra nêu, và cũng không nhớ được bảng số xe Dream dựng trước bưu cục.

Một tình tiết mới mà chúng tôi vừa tìm ra đó là ở thời gian mua trái cây của nạn nhân Vân không giống với những gì kết luận điều tra nêu.

Người bán trái cây – Nguyễn Thị Bích Ngân có chồng là Nguyễn Thanh Long, là nhân viên của cây xăng Cầu Voi. Cây xăng này cách điểm bán trái cây (đồng thời là nhà của Ngân – Long) khoảng 50m. Vào đêm xảy ra án mạng (13/1), Long có mặt khi vợ bán trái cây cho Vân rồi rời quầy trái cây đi bộ đến cây xăng. Tại cây xăng có trang bị camera, ghi hình lại sự có mặt của Long vào lúc 21:01. Nhắc lại, khoảng cách từ quầy trái cây đến cây xăng khoảng 50m.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Vân đi mua trái cây vào lúc 20:30. Theo thử nghiệm thực tế của chúng tôi về quãng đường từ bưu cục Cầu Voi đến điểm mua trái cây, cả đi lẫn về và thời gian giao dịch (ước chừng) mất khoảng 7 phút. Thử nghiệm đó được livestream cho tất cả bạn đọc theo dõi.

Việc nạn nhân Vân đi mua trái cây vào lúc 21g phù hợp với suy đoán của chúng tôi về hiện trường. Có sợi mỳ gói và cơm rơi vãi, thức ăn trong dạ dày nạn nhân đã tiêu hoá gần hết. Cho thấy việc một người ở nhà nấu mì ăn khuya còn còn một người đi mua trái cây tráng miệng là phù hợp với diễn tiến thời gian. Xin lưu ý, đây là suy đoán của Báo Sạch.

Hồ Duy Hải bị bắt và kết tội giết hai nạn nhân ở bưu cục Cầu Voi vì có nhân chứng nhìn thấy “một thanh niên” có mặt tại hiện trường trong khoảng thời gian 19:30 – 20:30 và các nghi can khác có bằng chứng ngoại phạm trong khoảng thời gian đó còn Hải thì không.

Vậy, nếu có những lời khai khác nhận diện “một thanh niên” với vẻ bề ngoài và tuổi tác chênh lệch với Hải, và những lời khai đó chưa bao giờ được xuất hiện trong các tài liệu điều tra, điều ấy sẽ khiến vụ án đi về đâu?

ĐOÀN GIÁM SÁT UBTV QH VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI đã phát hiện điều gì?

Nhà báo Trần Đình Thu đã tóm tắt bản báo cáo dài 12 trang của UBTV QH như sau:

Báo cáo được lập vào ngày 10 tháng 2 năm 2015 do đại biểu quốc hội Lê Thị Nga chấp bút. Bà Nga khi ấy là phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát về tình hình oan sai và việc bồi thường cho người bị oan sai, thành viên tổ nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải.

Báo cáo này kết luận 2 vấn đề:

1. Việc tòa án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Hồ Duy Hải là CHƯA ĐỦ CƠ SỞ VỮNG CHẮC

2. Đã CÓ ĐẦY ĐỦ CĂN CỨ ĐỂ GIÁM ĐỐC THẨM vụ án này.

Mặc dầu vậy đến hơn 5 năm sau tính từ ngày báo cáo được viết là ngày 10 tháng 2 năm 2015, thì vụ án này mới được xem xét giám đốc thẩm và bị 17 vị thẩm phán tuyên y án tử hình.

Vì lẽ gì vụ việc bị ngâm như vậy, số phận một con người bị bỏ quên trong lao tù một cách vô cảm từ năm này qua năm khác như vậy? Một ngày tù nghìn thu ở ngoài ai cũng biết điều đó nhưng vì sao câu chuyện này vẫn xảy ra?

Báo cáo cho biết trong khi Biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả đầy đủ các vật như tấm thớt chiếc ghế và ghi rõ là chúng có dính máu nhưng lại không thu giữ chúng là điều vô cùng khó tin. Bởi vì việc thu giữ các vật này không chỉ được dạy trong các trường đào tạo nghiệp vụ công an mà luật cũng quy định rất rõ không thể không biết.

Ở đây đồ vật không những nằm cạnh xác nạn nhân mà còn dính máu nữa mà không thu giữ thì không biết nói sao luôn.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua công an Long An lý giải là đến khi bắt Hải thì mới biết tấm thớt là hung khí thì đã muộn. Luật nào quy định phải là hung khí thì mới thu giữ?

Lời biện bạch này lại được ông Nguyễn Hòa Bình và 16 thẩm phán vị nào cũng tiến sĩ luật chấp nhận thì tôi nể các vị quá.

Tôi tin rằng tấm thớt đã được thu giữ nhưng nó đã bị hủy đi.” Nhà báo Trần Đình Thu nhận định.

Về các loại tang vật nữ trang khác là dây chuyền bông tai và lắc đeo tay cũng không thu giữ được và Báo cáo giám sát khẳng định luôn là không có bất kỳ lời khai của nhân chứng nào nói là họ mua của Hải cả nhé.

Chiếc điện thoại cũng tương tự là không có tang vật và không có ai xác nhận mua bán gì cả.

Về sim card cũng không có tang vật cũng như không tìm ra đống tro chứng tỏ Hải đã đốt nhé.

Như vậy là hoàn toàn không có cái gì cả. Cơ quan điều tra chỉ chỉ ra vài cái cửa hàng rồi ghi địa chỉ vào đó xong bảo là Hải đến đó bán nhưng hoàn toàn là một con số không. Nên ai đã quy tội cho Hải đã bán tang vật nơi này nơi kia như thật thì cần đính chính lại.

TÓM LẠI:

KHÔNG CÓ BÓNG DÁNG CÁC TANG VẬT, NHÓM TÀI SẢN.

KHÔNG AI XÁC NHẬN MUA BÁN GÌ CẢ.

TẤT CẢ ĐỀU ẢO.”

Nhà báo Trần Đình Thu kết luận như vậy.

Ảnh 6: nhà báo Trần Đình Thu với bản báo cáo dài 12 trang của Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc Hội Lê Thị Nga về vụ án Hồ Duy Hải

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: bí ẩn từ lời khai của thiếu tá Đinh Văn Còi và những bút lục biến mất