Sau nhiều sự kiện rối ren vì vật chứng bị mất và nhân vật Nguyễn Hữu Nghị bị đánh tráo thì nay phát hiện thêm lời khai của Thiếu tá Đinh Văn Còi và một người bạn tên Trí sẽ làm thay đổi cơ bản hướng điều tra và căn cứ ngoại phạm của một số người, ngược lại thì Hồ Duy Hải lẽ ra phải đương nhiên bị xem là ngoại phạm.
Điều kỳ lạ khác là những bút lục bị mất: Lời khai của anh Đinh Văn Còi bút lục số 139, anh Lê Thanh Trí khai bút lục số 141. Những bút lục này bây giờ đang ở đâu?
Một yếu tố quan trọng hơn cho biết nữ nhân bưu điện tên Vân phải sau 21h mới có mặt tại điểm bán trái cây, tức là lời khai của anh Nguyễn Văn Thu (dân phòng) rằng sau 21h thấy trên lầu Bưu điện sáng đèn là khá hợp lý và đáng tin cậy.
Một điều quan trọng nữa cần lý giải là cánh cửa đi lên lầu Bưu điện vào sáng hôm sau đã bị khóa từ phía ngoài.
Kỳ lạ hơn là tất cả những nghi vấn này được các cấp xét xử và 17/17 vị thẩm phán cho qua, để kết luận rằng bản chất vụ án không thay đổi.
Những phát hiện trên đây đều do nhà báo Trương Châu Hữu Danh tiết lộ trên facebook của mình, ông đã viết như sau:
“Bản án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, 17 vị thẩm phán cho rằng 20h30 bưu điện đóng cửa, Hải đưa tiền để Vân đi mua trái cây và gây án trong thời gian Vân ra ngoài.
Sau đó Vân về, thì bị sát hại ngay lập tức. Nghĩa là, thời gian gây án sẽ từ 20h30 cộng (+) thời gian Vân đi mua trái cây cộng (+) thời gian sát hại Vân.
Đoạn đường Vân đi là 150m. Cả đi và về là 300m. CHÚNG TÔI ĐÃ THỬ ĐI, VÀ MẤT 5 – 6 PHÚT! Hồ sơ thể hiện rằng Vân chỉ mua hàng và đối đáp mấy câu trong lúc mua, rồi về.
Như vậy, khung giờ để các đối tượng khác ngoại phạm được xác định là từ 20h30 đến 21h!
Và trong khung giờ này, nếu Hải khai Hải ngủ ở nhà/hoặc không chứng minh được ngoại phạm, thì sẽ bị ghép tội.
“Nhưng chúng tôi có bút lục chứng minh rằng sau 21h, Vân mới có mặt tại điểm bán trái cây!” Nhà Báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra tình tiết rất quan trọng.
Như vậy, giờ chết của các nạn nhân đã bị xác định sai. Và sai giờ chết – tức giờ gây án, thì kẻ thủ ác rất dễ trở nên ngoại phạm! Và mọi sai lầm sẽ khởi đầu do điều tra viên tự ấn định thời gian gây án một cách sai lầm.
Tuy nhiên bút lục quan trọng này, thì trong hồ sơ mà Viện KSND Tối cao đang giữ, lại không có!
Đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho kiểm tra ngay hồ sơ để thấy thiếu bút lục 262!” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết ra như một khẳng định.
Trương Châu Hữu Danh viết tiếp:
“Sau 21h Vân còn mua trái cây, nên lời khai của anh Nguyễn Văn Thu (dân phòng – trước cửa bưu điện Cầu Voi) lúc hơn 21h anh còn thấy ánh đèn trên lầu 1 bưu điện là phù hợp!
Nhiều người ghé bưu điện trong “khung giờ Hồ Duy Hải” (tức là từ 19h30 đến 20h30) đều được lấy lời khai.
Có một lời khai cực kỳ quan trọng của thiếu tá Đinh Văn Còi – sĩ quan công tác tại phòng CSCĐ Công an tỉnh Long An.
Và anh thiếu tá Đinh Văn Còi khai, 19h30 anh và bạn tên Lê Thanh Trí ăn cháo vịt xong ở Cầu Ván, chạy về ghé vô bưu điện Cầu Voi (2,8 km) nạp tiền điện thoại mỗi người 100.000 đồng.
Quãng đường 2,8km, tầm 4 – 5 phút. Anh nạp thẻ xong (tầm 4 – 5 phút) thì về – nối tiếp sau đó là đến anh Đinh Vũ Thường xuất hiện tại Bưu điện.
Cả hai lời khai của hai anh Còi và Trí tương đối trùng thời gian với anh Đinh Vũ Thường, nhưng nếu theo nhân dạng, trang phục mà hai anh mô tả thì khác hoàn toàn với anh Thường. Xe cũng khác.
Anh Còi nhìn thấy thanh niên đang ngồi mặc áo thun cổ vàng ngắn tay, da trắng, tóc dợn, tầm 30 – 33 tuổi, người hơi mập. Anh Trí bạn anh Còi thì mô tả người này mặc áo thun vàng sậm ngắn tay, tầm 28 – 30 tuổi, mặt tròn.
Quan trọng là “phía ngoài không có chiếc xe nào“!
Anh Thu ở ngay chốt dân phòng, anh Còi là cảnh sát bảo vệ mục tiêu, cả hai đều có nghiệp vụ nên quan sát phải tốt hơn anh Thường. Hơn nữa, anh Còi mô tả giống anh Trí nên nhân dạng người ngồi ở bưu điện sẽ chuẩn hơn anh Thường. Anh Thường vào là phải vấn số và thực hiện cuộc gọi – ở cái thời mà nói chuyện phải tập trung để cho đỡ tốn cước. Còn anh Còi anh Trí nạp card, sẽ có thời gian quan sát xung quanh.
Do đó, tôi tin lời 3 nhân chứng Còi, Trí, Thu sẽ chính xác hơn.” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận định.
“Như vậy sẽ có một số dữ kiện mới như sau:
– Nạn nhân Vân vẫn còn sống tại hiện trường sau 21h.
Với mốc thời gian này thì nhiều tình tiết buộc phải xoay chuyển. Một số đối tượng được xác định ngoại phạm theo mốc thời gian sẽ không thể được xem là ngoại phạm nữa.
– Sáng 14/1, hiện trường đã bị khóa lối lên lầu, vậy ai đã khóa lối đi này?
Và như vậy, anh Thu nhìn thấy đèn còn sáng sau 21h là khi ấy đang có người ở trên lầu! Ai đang ở đó và chuyện gì xảy ra trên đó?
– Câu hỏi khác cần đặt ra là: “Liệu hung thủ có đi xe hay không, chiếc xe đó là xe gì?”
Nếu theo lời khai của anh Còi và anh Trí, thì người ngồi trong bưu điện là người tầm 28-33 tuổi, hơi mập, mặt tròn, da trắng tóc dợn, mặc áo thun vàng sậm!
Và Hồ Duy Hải khi ấy mới 23 tuổi sẽ là ngoại phạm vì rất khác với nhận dạng này.
Tuy nhiên, những chứng cứ gỡ tội cho Hải đã bị đưa ra ngoài.
Cuộc đời anh Còi, thật nhiều sóng gió. Anh mê đá gà nên sau đó bỏ ra khỏi ngành Công an, bị xử lý hình sự mấy lần (nhưng nhẹ).
Gần đây nhất, cuối tháng 4/2020, công an vây bắt sòng bạc của anh Còi. Con bạc bỏ chạy tán loạn. Một người có mặt tại sòng tên A.Q cũng chạy, nhưng được chừng 1km thì mệt quá, vỡ tim gục chết giữa đường.
Công an đã khởi tố và ra lệnh bắt anh Còi.
Tôi nghĩ, 17 thẩm phán chưa nhìn thấy chữ ký anh Còi.
Tôi mong các vị rút hồ sơ xem lại và tái thẩm, vì lời khai của anh Còi ở thời điểm đó đáng tin và sẽ thay đổi bản chất vụ án.
TÔI TIN ANH CÒI VỚI CON MẮT NHÀ NGHỀ – KHAI ĐÚNG! Anh Còi khai bút lục 139, anh Trí bút lục 141.
Việc cần làm bây giờ là Viện KSND Tối cao hãy kiểm tra ngay hồ sơ! Sẽ thấy thiếu bút lục 139 và 141.
Tái bút (P/S): Và cũng như tông tích Nguyễn Văn Nghị (không có), Nguyễn Mi Sol (đi làm ăn xa, và có thêm tên… Thạch Mi Sol), tôi đố các bạn có thể tìm được anh Đinh Văn Còi trong thời điểm này!”
Bình luận về chuyện đốt quần áo của Hồ Duy Hải, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết rằng: “Thật lòng, tôi rất thất vọng khi cùng một hành vi đốt, mà 17 thẩm phán lại có thể nhận định bất nhất, chỉ với mục đích có lợi cho mình mà gây hại cho người.”
Hải đốt quần áo theo thói quen, các anh khăng khăng bảo “đốt tang vật”.
Và dao thớt là tang vật bị đốt, thì các anh bảo bản chất không thay đổi!
Có bản chất nào mà bức hại nhân dân! Có bản chất nào mà đồ vật đơn giản đem đốt bị biến thành tang vật, còn tang vật biến thành đồ vật đơn giản để đem đốt?
Tôi tha thiết yêu cầu 17 vị, hãy xem lại 17 mục mà quý vị phản bác (có lẽ phân công mỗi ông một mục 17/17), và đối chiếu hồ sơ. Ngay bây giờ, xin quý vị hãy yêu cầu cấp dưới cung cấp ngay các bút lục bị thiếu, sẽ hiểu ngay bản chất.
Xin đừng vì sự lười biếng công bộc và kiêu ngạo cộng sản mà hủy hoại nền tư pháp vốn đang cố gắng tốt lên.
Sai thì nhận sai, và sửa, trước khi tự đốt ra tro như dao và thớt.
Có một chi tiết không biết nên khóc hay cười: Buổi sáng dọn hiện trường, các anh dân phòng rất sợ. Và họ… uống rượu cho say để bớt sợ. Uống xong, thì các anh mới dọn và đốt.
Thực ra thì ở quê, chuyện đốt đồ cũ là bình thường.
Nói chung, vụ này ẩu ngay từ đầu!” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận định.
Trên trang Facebook cá nhân mang tên Võ Tòng, tức Thạc sĩ Võ Văn Tài – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Tây Ninh, hiện là giảng viên trường nghiệp vụ Kiểm sát TP.HCM, ông đưa ra bình luận về vết thương ngay cổ nạn nhân với bài viết mang tựa đề VẾT CẮT LẠNH LÙNG!
“Tôi may mắn xem được bản ảnh (cự ly gần) chụp vết thương chí mạng ở vùng cổ nạn nhân trong vụ Bưu điện Cầu Voi, vết thương hở miệng rất sâu và rộng gần nửa cổ của nạn nhân (tôi có hình ảnh này, nhưng vì ghê rợn nên không dám tải lên), vết thương như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận định là hung thủ ra tay rất mạnh, dứt khoát, lạnh lùng và tàn độc.
Từ nhát dao đoạt mệnh đó cho chúng ta thấy điều gì? Tôi có thể mạnh dạn lý giải như sau:
– Kẻ giết 02 nạn nhân phải là một tay sát thủ hoặc có bản năng sát thủ, khi hắn ra tay thì nạn nhân hầu như không có một cơ may để kháng cự, hắn sử dụng cách thức đoạt mệnh 02 nạn nhân tương tự như nhau, dùng vật cứng đập đầu làm nạn nhân chưa hiểu chuyện gì đã bất tỉnh, không kịp kêu cứu hay phản kháng, cho nên hắn giết người ngay tại khu dân cư mà không một người nào gần đó cảm nhận được có chuyện bất thường.
– Hoặc là hung thủ có mối sân hận cao độ nên nãy sinh ý định giết nạn nhằm thỏa mãn sự ích kỷ cao độ và tâm địa tàn ác của hắn. Khi hung thủ là loại người này thì tôi dự đoán hắn sẽ lên kế hoạch cụ thể từ trước, hắn suy nghĩ rất kỹ và lựa chọn phương pháp giết người sao cho không bị phát hiện; và cách thức ra tay của hắn thể hiện hắn hiểu rất rõ cách thức ngăn chặn không cho nạn nhân kêu cứu làm bại lộ thân phận của hắn. Như vậy, hắn không thể là tên ngáo đá hay kẻ nhất thời. Theo hiểu biết của tôi về tâm lý tội phạm, thì người ngáo đá khi thực hiện hành vi giết người thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng say chất ma túy, lúc đó tên tội phạm ấy chủ yếu hành động theo sự ảo giác, cơn say, đâm chém điên cuồng, nhưng hình ảnh hiện trường, tử thi thì không có như vậy, 02 nạn nhân đều bị giết với cách thức rất gọn gàng, nên tôi tin rằng hung thủ phải là người rất bình tỉnh, lọc lỏi và có hiểu biết.
Chúng ta cần kết hợp với tình tiết là sau khi giết 02 nạn nhân, hung thủ đã tắt cầu giao điện (mặc dù nội dung chính thức được công bố không có chi tiết này, nhưng qua cộng đồng mạng, tôi tin rằng tình tiết ấy là chính xác) và tình tiết hung thủ trèo qua hàng rào tẩu thoát để bổ sung cho nhận định về tâm lý tội phạm.
Hắn cắt cổ hai nạn nhân chắc chắn máu sẽ bắn dính đầy tay và người, Cơ quan điều tra đã khẳng định trên hàng rào không có vết máu, như vậy hắn đã làm sạch máu dính trên tay trước khi thực hiện hành vi trèo rào. Sau khi giết 02 người mà hắn còn xử lý vụ việc tốt như vậy, cho thấy hắn bình tĩnh đến đáng sợ.
Từ những suy luận như trên, chúng ta đối chiếu với những quy kết mà cơ quan tố tụng nhằm vào Hồ Duy Hải sẽ thấy khập khiễng ngay.
Cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm khẳng định diễn biến vụ án là, vào khoảng 19h30, ngày 13/01/2008, dung xe Dream chạy đến Bưu điện Cầu Voi gặp chi Hồng, sau đó Hải nhân lúc chị Vân vừa đi bộ ra ngoài mua trái cây, lập tức Hải kéo tay chị Hồng lôi vào buồng để thực hiện hành vi hiếp dâm, chị Hồng kháng cự nên Hải liền giết chị Hồng, ngay sau đó, chị Vân về đến, đóng cửa cuống của bưu điện lại (chắc chắn đã đóng luôn cửa rào), Hải tiếp tục ra tay giết chị Vân với cách thức tương tự như giết chị Hồng, sau đó Hải lau chùi vết máu dính trên người và trên tay, lục lấy tài sản rồi trèo qua hàng phía sau tẩu thoát (không biết lấy xe Dream bằng cách nào?).
Kết luận này chỉ có một cách giải thích, là Hải đột xuất nãy sinh ý định giết nạn nhân rồi lập tức ra tay ngay, Hải không có thời gian suy nghĩ và lựa chọn phương pháp thực hiện gì cả. Khi một kẻ giết người trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, bản thân hắn cũng không có mâu thuẫn hay thù hằn gì (thậm chí còn có tình cảm) với nạn nhân, trong lúc giết nạn nhân cũng không phải nhằm mục đích cướp tài sản, thì thường tâm lý sẽ rất hoảng sợ, những xử lý lúc đó sẽ rất vụng về, trong thực tiễn xảy ra những vụ án giết người như vậy, phần lớn hung thủ sẽ cuống cuồng bỏ chạy thục mạng mới hợp lý với tâm lý thông thường của con người nói chung và tội phạm nói riêng.
Nhưng thật lạ là trong vụ án Hồ Duy Hải, tất cả đều diễn ra ngược lại. Sự tréo cẳng ngỗng này do Hải có tâm lý ngược với người đời hay do người tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm đến giám đốc thẩm có tư duy như vậy?”
Thạc sỹ Võ Văn Tài đưa ra nghi vấn thay cho lời kết luận.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)