Nhà báo Trương Châu Hữu Danh phân tích tình tiết vụ án liên quan đến những tài sản mà trong hồ sơ quy kết là do Hồ Duy Hải lấy của hai nạn nhân và mang đi tiêu thụ, ông nhận định ngắn gọn rằng: “Riêng tội “cướp” của Hồ Duy Hải, thì hồ sơ rất bậy.”
“Vụ Hồ Duy Hải, tôi và nhà báo Minh Tâm – Minh Thông, là 3 người đầu tiên có mặt tại hiện trường (cách cơ quan cũ của tôi – Báo Long An, 6 – 7km). Tôi cũng là người giữ nhiều bút lục nhất (chỉ sau luật sư).” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh kể lại.
“Về chuyện cán bộ lấy nữ trang của Hồ Thu Thủy (em ruột Hải) để đưa vào tang vật vụ án, mọi người đã tương đối rõ nên tôi không nhắc lại.
Riêng tội “cướp” của Hồ Duy Hải, thì hồ sơ rất bậy.
Theo bản án, Hải đã chiếm đoạt được tài sản của hai nạn nhân và sau đó đem đi tiêu thụ. Cụ thể, Hải đã lấy những tài sản sau:
Về nữ trang: lấy của Vân: 1 dây chuyền, 1 vòng đeo tay vàng và 1 nhẫn. Lây của Hồng: 1 đôi bông tai, 1 dây chuyền vàng, 1 lắc đeo tay và 2 nhẫn vàng kiểu. Sau đó đem bán tại Cửa hàng vàng bạc chợ An Đông được 3.500.000 đồng”.
Tài sản khác: “điện thoại Nokia 1100, bán cho tiệm Thiện Mỹ được 200.000 đồng” và “khoảng 40-50 sim điện thoại” sau đó “bỏ vào bọc rác phi tang gần nhà số 111/2 Trần Bình Trọng, Q5”.
Bản án nhận định kết luận trên “Phù hợp với lời khai của anh Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Hộ, Lê Thị Thu Hiếu, Nguyễn Mi Sol, Đinh Phú Hùng, Đặng Thị Phương Thảo là những người thân của 2 bị hại”. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cho thấy thực chất không hề có sự “phù hợp”. Cụ thể:
Về tài sản của Hồng, bản án nói Hải lấy “1 lắc đeo tay”, có sự khác biệt về kiểu dáng. Theo ông Mừng (ba Hồng) và chị Hiếu thì Hồng có “1 chiếc lắc gọng vàng cứng”. Nhưng anh Nguyễn Mi Sol, tại “BB ghi lời khai” lại khai Hồng có “1 cái lắc kiểu trái châu móc máy”. Còn Hải khai lấy của Hồng “1 vòng đeo tay dạng xích”.
Về tài sản của Vân: Bản án nói Hải lấy: “1 vòng đeo tay và 1 nhẫn”. Nhưng theo ông Hộ (ba Vân), chị Hiếu và anh Mi Sol – thì Vân có “1 đôi bông tai và 1 sợi dây chuyền”- không hề có vòng đeo tay. Như vậy bản án đã kết luận Hải lấy tài sản mà Vân không có.
Chưa kể theo “Biên bản xét nghiệm ở hiện trường” (BL45), thì két sắt bưu cục vẫn còn chùm chìa khóa và trong đó vẫn còn: “2 nhẫn vàng và 893.000 đồng”. Như vậy 2 chiếc nhẫn này của ai? Sao lại cho rằng Hải đã lấy?
Thứ hai là các chi tiết về việc tiêu thụ tài sản không rõ ràng:
Theo Cáo trạng, Hải bán nữ trang tại “Cửa hàng vàng bạc đá quý chợ An Đông” và cửa hàng “có làm hóa đơn nhưng Hải vứt bỏ sau đó. Nhưng chị Nguyễn Kim Chi, người giao dịch (tại bút lục 169, 170) khai “không thể xác định, không nhớ được” ai là người bán. Còn bà Đặng Thị Liên, chủ cửa hàng thì cho biết “khi mua chỉ viết giấy tính tiền”, không có hóa đơn. (bút lục 171, 172).
Chiếc điện thoại Nokia 1100: ban đầu Hải khai bán cho một thanh niên lạ mặt, sau đó khai bán cho cửa hàng ĐTDĐ không nhớ tên. Theo Cáo trạng, Hải bán điện thoại cho Cửa hàng điện thoại di động Thiện Mỹ. Nhưng bà Nguyễn Thị Huệ – chủ tiệm Thiện Mỹ khai “không nhớ được người bán” (Bút lục 178, 179).
Như vậy, rõ ràng không hề có sự “phù hợp” như Cáo trạng đã nêu.
Nói tóm lại, 17 anh thẩm phán gần như không dám cho điều tra lại và đang cố đấm ăn xôi. Chỉ có điều, sạn nhiều xôi ít.
Bạn nào cần bút lục lời khai các chủ tiệm, thì mình sẵn sàng.
Võ Thành Quyết – vị Luật sư do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An chỉ định là đã làm hại Hồ Duy Hải như thế nào?
Ông Võ Thành Quyết là cựu sĩ quan Công an mang hàm đại tá, từng là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, đàn anh của các điều tra viên tham gia điều tra vụ án Bưu điện Cầu Voi, khi ra làm luật sư, trưởng văn phòng luật sư Võ Thành Quyết, ông ta mặc nhiên được xem là người có vai vế và thế lực… Đáng tiếc, thay vì bằng uy tín và kinh nghiệm của mình giúp giải oan cho nghi can, bị can, bị cáo kêu oan Hồ Duy Hải, ông ta đã thoả hiệp với các sai trái của những người tiến hành tố tụng vụ án, góp phần quan trọng đưa đến bản án tử hình Hồ Duy Hải!
Điều đáng tiếc, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã không chỉ ra những vi phạm này mà còn sử dụng các bản cung hợp thức hoá được ông Võ Thành Quyết ký tên bên cạnh chữ ký của bị can, để kết tội Hồ Duy Hải!
Trong hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải có đến hai luật sư là luật sư Nguyễn Văn Đạt (do gia đình mời) và luật sư Võ Thành Quyết là luật sư do tòa chỉ định.
Nhưng luật sư Đạt thì hoàn toàn không được tham gia vào các biên bản điều tra và chính trong bài bào chữa trước cả hai phiên tòa, luật sư Đạt đã vạch ra rất nhiều sai sót vi phạm tố tụng trong ghi lời khai.
Luật sư Đạt cũng nêu sự vi phạm quy định “Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến” ở toàn bộ 6 Biên bản nhận dạng của nhân chứng Nguyễn Mi Sol, Biên bản nhận dạng của Nguyễn Tuấn Ngọc, Biên bản nhận dạng của Đinh Vũ Thường… đều không có người chứng kiến.
Từ những sai sót khó hiểu đó, luật sư Nguyễn Văn Đạt đã đặt ra nghi vấn trước tòa là phải chăng cơ quan điều tra đã mời Luật sư Võ Thành Quyết chỉ để ký vào các biên bản hỏi cung và chỉ nhằm hợp thức hóa hồ sơ.
Như vậy, ở đây có hai luật sư bào chữa cho bị cáo nhưng chỉ có luật sư do tòa chỉ định được tham gia hỏi cung, nhận dạng và chính các biên bản ấy lại vi phạm các quy định tố tụng, luật sư Đạt lại phát hiện và trình bày trước hai cấp tòa các sai sót ấy nhưng đã không được Hội đồng xét xử xem xét.
Trước khi hành nghề luật sư, ông Quyết từng có thời gian dài là Trưởng phòng Điều tra xét hỏi Công An tỉnh Long An và làm Trưởng Công An huyện Thủ Thừa. Rõ ràng ông Võ Thành Quyết là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về điều tra nên những sai phạm của ông không thể biện hộ là do thiếu kinh nghiệm hay kiến thức.
Một sai phạm khác là LS Võ Thành Quyết bào chữa chỉ định tức bào chữa miễn phí cho bị cáo Hồ Duy Hải, nhưng LS Quyết lại làm hợp đồng thu của bà Loan mẹ Hồ Duy Hải 10 triệu đồng tiền thù lao.
Liệu có sự dàn xếp nào ở đây hay không, khi vừa khởi tố vụ án, ngày 1.4.2008, phòng Cảnh sát điều tra đã có công văn trưng cầu trực tiếp với Đoàn luật sư Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết!
Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo, đó là cơ quan tố tụng phải gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm Hỗ trợ pháp lý, qua đó trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn, sau đó mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.
Trong khi vụ án chưa có kết luận điều tra, chưa biết thủ phạm là ai, ông Quyết cứ thúc giục gia đình Hải bồi thường thiệt hại cho 2 gia đình nạn nhân, xem như cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên nếu gia đình Hồ Duy Hải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại, đồng nghĩa với việc thừa nhận con em mình phạm tội. Sau đó gia đình Hồ Duy Hải cũng có hỗ trợ tiền mai tang, chứ không gọi là bồi thường.
Sau nhiều lần bị ông Võ Thành Quyết thúc ép như vậy, gia đình Hải đã bất bình đi nhờ luật sư khác. Đến khi Hải đã có luật sư khác, thì ông Quyết lại vẫn được cơ quan điều tra chỉ định làm luật sư bào chữa cho Hải.
Tâm lý bình thường ai ở tù mà mức án có thể lên đến tử hình lại không muốn có luật sư bào chữa? Bản thân Hải khi gặp luật sư Đạt lần đầu đã kêu oan, mỗi lần gặp gia đình lại nhắc nhở kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án ở giai đoạn điều tra, Hải đã hơn một lần từ chối luật sư do gia đình thuê bào chữa, chỉ chấp nhận luật sư do cơ quan điều tra chỉ định. Đó là điều khó hiểu và hoàn toàn bất thường.
Những khả năng phạm tội của Nguyễn Văn Nghị, nghi can số 1 của vụ án nay đã biến mất.
Điều kỳ lạ là toàn bộ thông tin, tài liệu, lời khai của Nguyễn Văn Nghị đều đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án? Trong khi Nguyễn Văn Nghị là nghi can số 1 khi vụ án vừa được khởi tố.
Ngày 16/1/2008, ngay khi vụ án vừa được khởi tố để điều tra, báo Công an nhân dân đã có bài viết phân tích rất kỹ về Nguyễn Văn Nghị với tựa đề “Vụ 2 nhân viên bưu điện bị giết: Nghi can là bạn trai của nạn nhân”. Bài báo viết rằng:
“Các nhận định đều tập trung vào nghi can Nguyễn Văn Nghị, vì anh này nổi ghen do thấy S. có mặt ở Cầu Voi, hơn nữa Hồng không nghe lời anh ta mà đoạn tuyệt với S.
Cũng có nguồn tin cho hay, trước đó, đêm 12/1, Hồng và Vân đi hát karaoke với hai thanh niên, đó chính là S. và Nghị. Hiện trường để lại cho thấy không có dấu hiệu nạn nhân bị cưỡng hiếp, mà thể hiện rõ một sự xung đột cao độ giữa nạn nhân và hung thủ.
Người dân xung quanh cho biết có nghe cả tiếng la của cô gái, nhưng nghĩ đó là sự đùa giỡn thường tình của những cặp tình nhân trẻ nên không đến xem rõ thực hư.”
Về sự việc này Luật sư Lê Công Định đặt ra nghi vấn:
“Câu hỏi trọng yếu cần đặt ra là vì sao toàn bộ bản cung và tài liệu liên quan đến nghi can Nguyễn Văn Nghị bị rút khỏi hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải?
Bất kể đã tìm ra đúng thủ phạm như giả định, thì bản cung và tài liệu của mọi nghi can phải được lưu trữ và là phần không thể tách khỏi hồ sơ vụ án, để tòa án và các luật sư đánh giá như chứng cứ có liên quan.
Lý do nào? Và Viện Kiểm sát các cấp đã xem xét dấu hiệu về hành vi làm sai lệch hồ sơ tố tụng chưa?”
Báo Một thế giới cũng có bài phân tích kỹ về Nguyễn Văn Nghị như sau:
“Về ý thức chủ quan: Nghị có quan hệ tình cảm khá sâu đậm và công khai với Hồng. Do vậy, khi tới Bưu điện Cầu Voi nhìn thấy 1 thanh niên đang nói chuyện với Hồng, Nghị ghen tức, nóng giận. Nghị đã bỏ ra ngoài uống cà phê mà không vào bên trong. Sau đó Nghị đã cãi cọ ở quán cà phê vào lúc khoảng 20 giờ 10.
Nghị nghiện ma túy, có mối quan hệ nam nữ phức tạp (đã biết Hồng có người yêu là Mi Sol), lại trong trạng thái tâm lý ghen tức và nóng giận ra tay sát hại chị Hồng là hợp lý. Nghị có mặt tại quán cà phê lúc khoảng 20 giờ 10 không? Điều này chưa đủ cơ sở để kết luận Nghị ngoại phạm.
Nếu Nghị chỉ đơn giản là tức giận bỏ đi uống cà phê rồi về luôn mà không quay lại Bưu điện Cầu Voi là không hợp lý về logic tâm lý tội phạm. Mặt khác nếu vậy thì Nghị phải chứng minh được trong đêm 13.1.2008 Nghị đã làm gì, ở đâu sau khi ra khỏi quán cà phê?
Cụ thể là vào các mốc thời gian: 21-24 giờ và nửa đêm về sáng Nghị đã ở đâu? Ai chứng kiến? Vì thời điểm này quán cà phê chắc chắn đã đóng cửa. Việc Nghị có mặt ở quán cà phê không thể là bằng chứng ngoại phạm.
Nếu thực sự không liên quan đến vụ án thì sao Nghị phải bỏ trốn trong đêm xảy ra vụ án mạng, đến nửa đêm hôm sau mới về nhà?
Ánh đèn sáng trên lầu 1 bưu điện vào lúc 22 giờ đêm cho thấy ít nhất 1 trong 2 nạn nhân đã ở trên lầu trong đêm hôm xảy ra án mạng. Điều này cũng chỉ ra khả năng có Nghị (hoặc ai khác, với tư cách là bạn trai của Hồng) có thể đã có mặt trên lầu 1 lúc 22 giờ tối.
Dấu vân tay thu giữ được của ai? Theo cáo trạng, khi giết nạn nhân hung thủ đã thực hiện hàng loạt động tác bằng tay như: bóp cổ, kéo xác, dùng dao, thớt, ghế đập đầu, cắt cổ 2 nạn nhân.
Theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11.4.2008) thì: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.
Như vậy, câu hỏi không thể không đặt ra là: Dấu vân tay của ai? Vì sao CQĐT không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị?
Tại Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y đều ghi nhận trên cơ thể nạn nhân Hồng: “Có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái”.
Các vết bầm này là do tác động của ngoại lực chứ không thể tự nhiên mà có. Vậy ai đã gây ra những dấu vết này? Bằng vật dụng gì? Trong khi Hải không hề có bất kỳ lời khai nào nói đến việc đã đánh hay tác động vào phần chân của nạn nhân Hồng.
Luật sư Trần Hồng Phong đã đề nghị làm rõ tình tiết đêm 13.1.2008, sau khi rời khỏi quán cà phê (lúc khoảng 20 giờ 10) Nguyễn Văn Nghị đã làm gì? Ở đâu? Làm rõ tình tiết ánh đèn sáng trên lầu lúc 22 giờ. Ai đã lên lầu và cắt điện tại Bưu điện Cầu Voi vào tối 13.1.2008? Xác định khoa học về thời gian chết của 2 nạn nhân. Qua đó xác định chính xác được thời gian gây án của hung thủ.
Đồng thời, tiến hành giám định vân tay đối với Nguyễn Văn Nghị, so sánh với mẫu dấu vân tay của hung thủ thu giữ tại hiện trường. Giải thích vì sao không triệu tập Nguyễn Văn Nghị là nhân chứng trong vụ án? Vì sao toàn bộ thông tin, tài liệu, lời khai của Nguyễn Văn Nghị đều đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án?
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)