Một nhà báo tại Việt Nam nhận định với VOA rằng niềm tin mới lấy lại phần nào của công chúng đối với chính quyền từ đại dịch Cúm Vũ Hán nay đã bị kết quả phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải phá hỏng, khiến cho dư luận “rất phẫn nộ”, mang lại tâm lý “tiêu cực”, “u ám” trong xã hội. Trong khi đó, một trí thức nổi tiếng khác cho rằng nếu những người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam “đủ thông minh”, thì họ phải có hành động can thiệp ngay lập tức vào vụ án này.
Trong một bài bình luận đăng ngày 11/5, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, viết rằng “trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Tờ Công an Nhân dân viết thêm: “Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu ‘tam quyền phân lập’ để chống oan, sai…”
Vài ngày sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải hôm 8/5, công luận Việt Nam đủ mọi tầng lớp không ngớt lên tiếng phản hồi, chỉ trích và kêu gọi nhà chức trách điều tra lại, thậm chí bãi miễn chức vụ của 17 vị thẩm phán đã “bầu” ra kết quả cuối cùng của vụ án bị cho là có quá nhiều sai sót nghiêm trọng.
Trong bài phân tích trên trang Facebook cá nhân về những lý do dẫn đến sự phẫn nộ của người dân đối với Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu nói rằng vụ này đã “giáng một đòn chí mạng lên nền tư pháp nước CHXHCN Việt Nam bằng 7 yếu tố: coi thường pháp luật, trình độ kém, không độc lập, không công tâm, phá bỏ các chuẩn mực nền tảng của giáo dục, nỗi sợ hãi của người dân là họ có thể trở thành “Hồ Duy Hải” bất cứ lúc nào, và nó gây phương hại đến nền tư pháp Việt Nam.
Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, vào năm 2008, nhưng gia đình Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan suốt 12 năm nay.
Năm 2011, Viện trưởng VKSNDTC lúc đó là ông Nguyễn Hoà Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án do “không có tình tiết mới”. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải, nhưng sau đó ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình trước sức ép của công luận.
Tháng 11 năm ngoái, với đề nghị xem xét giải quyết vụ án của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, nhưng Hội đồng thẩm TANDTC đã bác kháng nghị này sau khi 17 vị thẩm phán tiến hành bỏ phiếu trong phiên toà kéo dài 3 ngày.
Theo dõi và tìm hiểu vụ án giết người ngay từ ngày đầu tiên, nhà báo Trương Châu Hữu Danh bày tỏ quyết tâm theo đuổi vụ án cho tới khi nào “sự thật được phơi bày”.
“Kháng nghị của VKSNDTC nêu rất rõ ràng và cụ thể 17 sai phạm của các bản án dành cho Hồ Duy Hải. Đối với tôi, chỉ cần 1 trong 17 sai phạm được làm rõ thì cũng đủ để buộc phải điều tra lại”, nhà báo từ Việt Nam nói với VOA.
Ngoài những yếu tố được nêu ra trong hồ sơ vụ án như không có dấu vân tay và các dấu vết khác của Hồ Duy Hải tại hiện trường vụ án, không có nhân chứng khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi…, nhà báo Trương Châu Hữu Danh còn tự thực nghiệm và tính khoảng thời gian mà thủ phạm thực hiện vụ hiếp dâm rồi giết người theo cáo trạng.
“Từ vị trí bưu điện tới điểm bán trái cây, đi qua đi lại chỉ trong vòng 5 phút. Về mặt tâm lý, không có người nào có mục đích hiếp dâm bằng cách điều một người khác đi qua bên đường mua trái cây để mình ở lại trong vòng 5 phút có thể hiếp dâm được. Suy luận về động cơ (gây án) như vậy là hết sức vô lý”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh phân tích.
Luật sư Lê Trần Luật từ Hoa kỳ phân tích câu mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã nhận địch “không thay đổi bản chất vụ án”, trong quan hệ với những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
“Khi còn là luật sư ở Việt nam, tôi rất “ dị ứng” với nhận định này của Hội đồng xét xử:” Mặc dù có nhiều sai phạm trong tố tụng, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Mà hầu như ai từng làm thẩm phán đều ít nhất một lần sử dụng câu này để “ bao che” cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi đã nhiều lần tranh luận (bên ngoài các phiên xét xử) về vấn đề này với các thẩm phán.
Tôi khẳng định: “sự vi phạm tố tụng không làm thay đổi sự thật khách quan nhưng làm thay đổi hoàn toàn BẢN CHẤT của vụ án”.
Sự thật khách quan và bản chất vụ án là hoàn toàn khác nhau. Bản chất vụ án là tìm kiếm và chứng minh sự thật khách quan. Quá trình này gọi là “Quá trình tiến hành tố tụng”. Quá trình này có thể có kết quả hoặc không. Nhưng để quá trình này được khách quan và tránh sai sót chủ quan, người ta đã cho ra đời bộ luật tố tụng hình sự, trong đó nguyên tắc “suy đoán vô tội” là linh hồn, là trung tâm. Vì vậy, tôi nói: “sai phạm tố tụng sẽ làm thay đổi bản chất của vụ án”. Trở lại vụ án Hồ Duy Hải:
Quá trình tố tụng quá nhiều sai phạm, thiếu khách quan đã dẫn tới các chứng cứ “buộc tội” yếu hẳn, nếu không muốn nói là không có giá trị. Nó gây hoài nghi cho tất cả mọi người theo dõi vụ án.
Bản chất vụ án” giết người ở bưu điện Long an” – tôi không dùng từ vụ án Hồ Duy Hải – bởi đây là quá trình tìm kiếm kiếm và xét xử hung thủ. Quá trình này có thể chưa có kết quả, nhưng xin đừng cố tình sai phạm để tìm “kết quả” nơi Hồ Duy Hải!
Người ta sợ rằng khi tuyên Hồ Duy Hải không phạm tội thì ai là hung thủ, sự thật ở đâu? Xin các vị thẩm phán hãy yên tâm, mặc dù toàn bộ sự thật chưa được tìm ra, nhưng các vị đã tìm ra sự thật tuyệt vời hơn, sự thật đó là Hồ Duy Hải KHÔNG PHẠM TỘI.
Nói thêm ngoài lề một chút: tôi nghĩ những người theo dõi vụ án và các luật sư tập trung vào tiệm vàng tại Sài gòn, nơi mà cơ quan điều tra cho rằng Hồ Duy Hải đã bán nữ trang ở đó (nữ trang của các nạn nhân là chứng cứ hết sức quan trọng trong vụ án này). Tôi tin nhiều sự thật cũng như mâu thuẫn của cơ quan điều tra sẽ được tìm thấy ở đây. Đừng tập trung vào con dao gây án mua ngoài chợ nữa vì nó đã quá rỏ. Tôi suy đoán nếu có sự “dàn dựng của cơ quan công an để ép tội Hồ Duy Hải thì mọi “ logic” sẻ nằm ở tiệm vàng này.” Luật sư Lê Trần Luật đưa ra nhận định.
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với VOA rằng sai phạm quan trọng nhất trong vụ án này là vi phạm tố tụng.
Ông nói: “Khi họ bác kháng nghị của Viện Kiểm sát, thì họ thừa nhận là có sự sai sót về tố tụng. Nhưng họ lại cho rằng sai sót đó không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Thực ra, về mặt pháp lý, khi có sai sót, tức là có vi phạm về tố tụng, thì bản thân điều đó đã làm cho hồ sơ vụ án không thể chấp nhận được”.
Theo LS. Đặng Đình Mạnh, điều quan trọng khi xem xét lại một vụ án là tìm xem có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải là “vi phạm nặng hay vi phạm nhẹ”. Vì vậy, theo ông, Hội đồng Thẩm phán của TANDTC trong trường hợp này đã “đặt vấn đề không đúng” và đưa ra một quyết định khiến ông và rất nhiều người dân “vô cùng thất vọng”.
“Vụ án Hồ Duy Hải thì ngay cả những người không hiểu biết về pháp luật cũng để ý, quan tâm rất nhiều. Thực ra, đây là dịp mà qua việc làm, qua phán quyết của mình, TANDTC có thể giúp tạo dựng lại niềm tin của người dân mà trong suốt thời gian qua, qua những vụ án oan, đã bị sứt mẻ nhiều. Nhưng rất tiếc, cơ hội phục hồi niềm tin đã bị bỏ lỡ”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát thời sự và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nhận định với VOA rằng vụ án Hồ Duy Hải là một “vụ bê bối tư pháp khổng lồ” gây “bàng hoàng” công luận trong những ngày qua. Qua đó, nó cho những người dân bình thường thấy rõ những sai phạm căn bản, nghiêm trọng, sự kém cỏi của những người chấp pháp và sự “thối nát” của hệ thống tư pháp Việt Nam.
“Vì lợi ích của chính Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của chính chế độ này – chế độ mà tôi căm ghét – thì họ phải hành động ngay lập tức”, TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh.
“Chúng ta cứ nói nhiều đến tam quyền phân lập, nhưng ở Việt Nam nó không có tam quyền phân lập. Ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản cai trị, điều khiển hết mọi thứ. Cho nên phải nói toạc móng heo ra là Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng và những người đứng đầu khác là ông Phúc, bà Ngân, những người đó nếu muốn bảo vệ lợi ích của chính họ phải hành động ngay lập tức, và tất nhiên là trong khuôn khổ thủ tục, có thể không hay ho gì lắm, nhưng với hiện thời của Việt Nam thì họ phải làm như vậy”.
Hành động mà TS. Nguyễn Quang A khuyến nghị giới hữu trách Việt Nam nên làm là phải lập tức can thiệp vào quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANCTC, trong đó có việc bãi nhiễm 17 thẩm phán đã biểu quyết cho quyết định vừa qua.
“Ông Trọng phải bảo bà Ngân, nếu ông ấy thông minh, và bà Ngân phải hăm hở làm một việc là hướng dẫn Uỷ ban thường vụ Quốc hội có một kháng nghị ngay lập tức để buộc họ phải xét lại quyết định của vụ xử”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Nhà hoạt động này cũng đang kêu gọi người dân ký vào bản Tuyên bố Hồ Duy Hải, kêu gọi giới hữu trách “làm sáng tỏ theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Ủy ban Pháp luật Quốc hội để luật pháp nhà nước được thực thi công chính, không gây oan sai cho người vô tội, trừng trị đích đáng kẻ có tội dù ở bất cứ cương vị nào và không để có những oan sai tiếp diễn sau này”.
Đánh giá thêm về tác động vụ án, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói ông thấy tiếc vì niềm tin của người dân mới được khôi phục một chút sau đại dịch Cúm Vũ Hán nay lại mất đi qua vụ án hình sự này.
“Mặc dù kinh tế bị thiệt hại nặng nề, nhưng niềm tin của người dân được nâng lên thấy rõ, và người ta đang rất tin vào sự điều hành của chính phủ. Tuy nhiên, phán quyết của toà sau ngày thứ 3 xét xử giám đốc thầm thì nó tạo ra cho xã hội một tâm lý rất tiêu cực và u ám. Khắp nơi rất phẫn nộ với bản án này bởi vì hầu hết người dân cho rằng cần thiết phải huỷ án và điều tra lại”, nhà báo Hữu Danh nói.
Trong khi đó, LS. Đặng Đình Mạnh nhận định thêm rằng: “Có thể toà án đã đạt được bản án như ý họ mong muốn, nhưng tôi cho rằng sự mất mát trong dân, trong suy nghĩ của công chúng thì lớn lắm, không thể đong đếm được. Đó là sự mất lòng tin vào luật pháp”.
Hôm 10/5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, để xin xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Hiện vẫn chưa có phản hồi gì từ phía cơ quan này.
Theo phân tích của blogger Nguyễn Ngọc Già trên trang RFA, phiên giám đốc thẩm tuy thừa nhận có đến hàng chục lỗi (có tài liệu thống kê chính xác phạm tất cả đến 40 lỗi) về tố tụng, mà TATC vẫn khẳng định là không thay đổi bản chất vụ án thì thật là “bó tay chấm com!”. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), điều 4 “Giải thích từ ngữ”, tại khoản 1 có tất cả 14 khái niệm được giải thích, không có khái niệm nào được định danh là “bản chất vụ án”.
Cũng theo blogger Nguyễn Ngọc Già, điều 15 trong Bộ luật thượng dẫn đã bác bỏ khái niệm “bản chất vụ án“. Đúng thế, khi vụ án hình sự diễn ra, người có thẩm quyền phải “xác định sự thật của vụ án”, chứ không phải lo xoay xở định nghĩa “bản chất vụ án”. Dù có đổi hay không đổi cũng hoàn toàn sai, vì trong BLTTHS ấy không quy định. Như vậy, 17 người trong cái gọi là “Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” (HĐTP) đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 và điều 15 của BLTTHS. Nói cách khác, kết luận “Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án” là vô nghĩa, phi pháp và hoàn toàn không chuyên nghiệp của 17 người mang danh thạc sĩ – tiến sĩ luật.
Mọi khuất tất đáng ra phải hướng vào nghi can nghiện ma túy, kẻ hằn học thất tình và là nghi can rõ nhất, có tên là Nguyễn Văn Nghị (cháu của bà cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa). Nhưng Nghị đã được cảnh sát điều tra cho cao chạy xa bay. Mọi bằng chứng đều gỡ tội cho Hồ Duy Hải. Căn cứ duy nhất buộc tội Hải là lời cung nhận tội của Hải. Lời cung nhận tội bởi nhục hình, ép cung ấy đã dẫn đến nỗi ô nhục của các quan tòa. Nay phiên giám đốc thẩm của TATC với Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 17 cánh tay biểu quyết đã chuốc nỗi ô nhục đó khi 17 cái rô-bốt y án tử hình Hồ Duy Hải. Chỉ ở một nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra một phiên tòa điếm nhục như vậy!
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu: “Rất nhiều cử tri gọi tôi phản ánh và nghi ngờ tính vô tư, công tâm của Hội đồng thẩm phán Tòa Tối cao. Với hồ sơ, vật chứng ngụy tạo, dấu vân tay không phải của Hải, thớt dao mua ngoài chợ đem về, nghi can Nguyễn Văn Nghị là ai, tại sao mất dấu?… Vi phạm tố tụng như vậy mà kết tội là khiên cưỡng!”
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đã có sự không vô tư và định kiến tư pháp khi ông Nguyễn Hòa Bình từng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao đã không kháng nghị bản án đối với Hồ Duy Hải, mà nay ông Bình là Chánh án Toà án Tối cao lại ngồi ghế chủ tọa phiên giám đốc thẩm. Nghĩa là Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình không đời nào lại tự vả vào miệng của Chánh án Nguyễn Hoà Bình! Và bản thân điều này cũng là một vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng! Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng nghi ngờ cả cái kết quả biểu quyết 100% của 17 vị Hội đồng thẩm phán là do “bị áp lực”.
Không thể thu gọn về đây các làn sóng phẫn nộ từ mọi loại lề trên các trang mạng xã hội đối với vụ giám đốc thẩm có lẽ là vô tiền khoáng hậu này. Trong mắt nhiều người, diện mạo công lý tại Việt Nam tuy nhơ nhuốc nhưng ít nhất lần này hy vọng được tẩy rửa một phần. Không thể thản nhiên giết một tử tù mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử từng bộc lộ vô số dấu hiệu cho thấy hết sức phi pháp và vô nhân. Đó cũng là lý do phán quyết vừa qua của HĐTP của TATC gây phẫn nộ trong công luận.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)