LHQ: Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể dẫn đến nạn đói toàn cầu

https://www.youtube.com/watch?v=3IOzjBIYhyw

Liên Hiệp Quốc ngày 21/4 cảnh báo thế giới có nguy cơ đối mặt với nạn đói “có quy mô như được đề cập trong Kinh thánh” do đại dịch COVID-19.

Ông David Beasley, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 22/4 cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với một nạn đói trên diện rộng vì COVID-19.

Ông nhấn mạnh có khoảng 30 quốc gia đang phát triển có thể đối diện nạn đói, trong đó có 10 quốc gia với hơn 1 triệu người đang trên bờ vực suy dinh dưỡng. Ông nói: “Chúng tôi không nói về những người ôm cái bụng đói đi ngủ, mà chúng tôi nói về tình trạng cùng cực, nguy cấp, về những người đang đứng bên bờ vực chết đói.”

Báo cáo lần thứ tư toàn cầu hàng năm về khủng hoảng lương thực ước tính rằng số người bị đói có thể tăng từ 135 triệu đến hơn 250 triệu. Những người có nguy cơ cao nhất là ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu. Đó là các quốc gia Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Nigeria và Haiti.

Ông Beasley nhấn mạnh: “Dịch COVID-19, vốn không ai có thể lường trước, đã đưa chúng ta đến giới hạn chưa từng có. Và giờ mới là một cơn bão thực sự. Chúng ta đang đối diện sự lan rộng của một nạn đói có quy mô được đề cập trong Kinh thánh.”

Người đứng đầu WFP, vừa mới hồi phục sau khi mắc COVID-19, đã bắt đầu cuộc họp ngắn của Hội đồng Bảo an bằng câu: “Xin lỗi vì đã nói một cách thẳng thừng.”

Không có gì là quá thẳng thừng với những gì có thể xảy ra mà thế giới sắp đối mặt – thậm chí trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này – cái mà David Beasley gọi là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Beasley cũng bày tỏ lo ngại rằng 30 triệu người, và có thể nhiều hơn nữa, có thể chết trong vài tháng nếu Liên Hiệp Quốc không đảm bảo thêm kinh phí và thực phẩm. Nhưng đây cũng là một thế giới nơi các nhà tài trợ đang quay cuồng với chi phí tài chính quá cao của cuộc khủng hoảng COVID-19 của chính họ.

Ông Beasley nói rằng không ai nói với ông rằng họ sẽ quay lưng lại với những người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng ông thừa nhận họ sẽ cần đánh giá tình trạng nước mình trước. Ông cảnh báo rằng sự hỗn loạn ở những nơi khác có thể quay trở lại trên khắp thế giới.

Ông Beasley đặt ra yêu cầu phải hành động ngay lập tức trước khi hàng trăm triệu người rơi vào cảnh chết đói.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một cuộc họp video, ông Beasley cảnh bảo rằng: “Sự thật là chúng ta không có thời gian.”

Ông kêu gọi hành động: “Tôi tin rằng với chuyên môn và sự hợp tác của chúng ta, chúng ta có thể tập hợp các đội ngũ, triển khai các chương trình cần thiết để chắc chắn đại dịch COVID-19 không trở thành khủng hoảng về người và thực phẩm.”

Beasley đề xuất một loạt các biện pháp để tránh điều này. Ông yêu cầu tất cả những thành viên tham gia chiến sự cung cấp quyền truy cập không ngăn cản cho viện trợ nhân đạo, cũng như đầu tư 350 triệu USD vào việc tạo ra mạng lưới trung tâm hậu cần đảm bảo sự vận chuyển viện trợ trên toàn thế giới.

Lãnh đạo Chương trình lương thực thế giới nói: “Trước hết, chúng tôi cần hòa bình.”

Beasley cũng nêu ra sự cần thiết của các hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của việc tránh thiếu hụt tài chính, gián đoạn thương mại và mất truy cập đến các bộ phận dân cư đói khát.

Ông kết luận: “Thời gian không thuộc về chúng ta, vì vậy hãy hành động khôn ngoan và nhanh chóng.”

Trên thực tế, tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng từ năm ngoái và dịch COVID-19 dường như làm trầm trọng thêm tình hình.

Ảnh: Giới thiệu về Báo cáo toàn cầu hàng năm về khủng hoảng lương thực lần thứ tư trên trang web của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)

Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực cho biết trong năm ngoái có 135 triệu người ở 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Đây là con số cao nhất trong 4 năm Liên Hiệp Quốc thực hiện báo cáo, sau khi tăng thêm hơn 20 triệu người. Nguyên nhân là do các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và các yếu tố liên quan đến thời tiết như hạn hán.

Báo cáo cũng cho thấy, khoảng 183 triệu người khác có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lương thực nếu phải đối mặt thêm với một cú sốc mới. Do việc thu thập dữ liệu cho báo cáo này kết thúc trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nên tác giả báo cáo cảnh báo rằng đại dịch có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với hàng trăm triệu người vốn đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nói trên.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cùng ngày dự báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng lên gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 265 triệu người vì tác động của đại dịch COVID-19. Theo WFP, doanh thu du lịch giảm, đi lại hạn chế và nhiều lĩnh vực khác đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ khiến khoảng 130 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay, cộng với khoảng 135 triệu người đang sống trong tình trạng này.

Trong những ngày gần đây, dưới ảnh hưởng của đại dịch, cảnh báo khủng hoảng lương thực liên tục được đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế mà còn cả an ninh lương thực của nhiều quốc gia vì lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại của nhiều quốc gia.

Những biện pháp đối phó với dịch COVID-19 như cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại tự do đang tạo nên những áp lực chưa từng có tới mạng lưới cung cấp thực phẩm trên thế giới.

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa tuyên bố mới nhất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 với chuỗi cung ứng thực phẩm và ngăn chặn khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu.

Dongyu nhấn mạnh khi các nước buộc phải ban hành các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn đại địch COVID-19 lan rộng, họ cần phải tìm mọi cách giảm thiểu tác động tiềm tàng tới hoạt động cung cấp thực phẩm hoặc lương thực toàn cầu.

Một số quốc gia đang gián tiếp gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có thể kể đến Kazakhstan. Nước này đã cấm xuất khẩu bột mì, hạt buckwheat (kiều mạch), đường và một số loại rau.

Hay như Nga đã đình chỉ xuất khẩu ngũ cốc chế biến. Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới hiện tại đang dự trữ gạo và đã tạm dừng xuất khẩu gạo.

Hoạt động nông nghiệp cũng là mối quan tâm đáng lo ngại khác.

Ở một số nơi trên thế giới, mùa xuân là thời điểm rất quan trọng để trồng trọt hoặc thu hoạch. Nhưng việc hạn chế thương mại, giao dịch nông sản đặc biệt là những quy định về giới nghiêm ở nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thu hoạch, trồng trọt cũng như đầu ra cho nông sản

Tờ báo Le Monde của Pháp ghi nhận “Nông nghiệp châu Âu bị tê liệt” trong đại dịch. Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.

Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.

Julia Kloeckner, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức cho biết: “Nông trại và các nhà sản xuất thực phẩm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệnh cấm của chính phủ Đức. Thông thường có khoảng 30.000 nông trại cần tiêu thụ trong tháng 3, không chỉ trong vụ thu hoạch măng tây mà còn là gieo hạt và trồng cây mới. Và trong tháng 5, số nông trại có nhu cầu thu hoạch và xuất bán lên tới 80 ngàn.”

Có thể nói, lương thực toàn cầu là một ván cờ nhân loại đang tự thua tức là bất lực trước thực tại.

FAO khẳng định chúng ta đang sản xuất đủ lương thực cho tất cả mọi người trên trái đất. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số đồ ăn đó bị bỏ đi và lãng phí, trong khi 820 triệu người nghèo vật lộn với con đói mỗi ngày.

Khi đưa COVID-19 vào ván cờ này, mọi thứ còn trở nên tệ hơn nữa.

Trên trường quốc tế, những nước dựa vào nhập khẩu lương thực nhiều hơn xuất khẩu sẽ chứng kiến lạm phát giá thực phẩm cao, ví dụ như Trung Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những nền kinh tế có đồng tiền yếu thế cũng sẽ chịu tác động, ví dụ như Ấn Độ hay Indonesia.

FAO nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong đại dịch.

Fitch Solutions cho rằng các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam (gạo), Nga (ngũ cốc), Kazakhstan (lúa mạch, bột mì, dầu hướng dương) nên xem xét nhấc các lệnh hạn chế xuất khẩu gần đây nếu trữ lượng quốc nội đã đầy đủ.

Các tổ chức khu vực như Food Industry Asia và ASEAN F&B Alliance kêu gọi chính phủ đảm bảo cách ly xã hội không gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng, hai tổ chức này nhận định tích trữ lương thực quá 14 ngày là không cần thiết.

Nếu ai cũng chỉ mua vừa đủ, chúng ta sẽ có lương thực cho cả những người nghèo cầm cự qua dịch bệnh. Nếu một nhóm người tích trữ quá nhiều, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ.

Kinh Thánh miêu tả về những biến cố và tình trạng sẽ đánh dấu “kỳ cuối cùng của thời đại”, hay “kỳ tận thế”. Kinh Thánh gọi thời kỳ này là “những ngày sau cùng” và “thời kỳ cuối cùng”. Một trong số những đặc điểm đáng chú ý của những ngày sau cùng, hay thời kỳ cuối cùng được tiên tri là nạn đói kém xảy ra trên hết nơi này đến nơi khác.

Nhưng nhân loại có thể tránh được đại họa này bằng cách hợp tác với nhau, cùng nhau chia sẻ gánh nặng, hậu quả mà đại dịch gây ra.

Tại Việt Nam, dường như một số nhà làm chính sách đã dự báo có thể diễn ra nạn đói trên diện rộng, nên Chính phủ đã tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Với dân số gần 100 triệu dân, thì Việt Nam cần đề phòng mọi tình huống xấu nhất, nhằm tránh khủng hoảng và thiếu thốn lương thực cho người dân trong hoàn cảnh khó khăn này.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=hjF4QXWGKv0
TQ sẽ “hành động” bất ngờ với VN ở Biển Đông