Trong khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ác liệt trên toàn cầu, các chiến dịch kiện Trung Quốc đang được tiến hành ở khắp nơi đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 5.000 cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể tại Florida đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Tại bang miền nam Florida, Mỹ, một nhóm các cá nhân và doanh nghiệp đã đệ đơn kiện lên tòa án quận liên bang vào ngày 12/3.
Vụ kiện gồm hàng nghìn nguyên đơn từ khắp đất nước bao gồm các cá nhân bị nhiễm dịch bệnh và các công ty lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn dịch.
Các nguyên đơn cho rằng họ đang chịu thiệt hại lớn do những sai lầm của chính phủ Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lúc ban đầu.
Nguyên đơn tố cáo chính quyền Trung Quốc “ngay từ đầu biết rõ Covid-19 là nguy hiểm và có khả năng gây ra đại dịch, nhưng phản ứng trì trệ hoặc che đậy thông tin vì lợi ích kinh tế của chính họ“.
Công ty luật Berman (Berman Law Group), một trong những nguyên đơn cho biết: “Vụ kiện của chúng tôi liên hệ đến những người bị thiệt hại về thể xác vì bị lây nhiễm virus… Vụ kiện cũng liên hệ đến những hoạt động thương mại mà Trung Quốc đã tiến hành trong “những chợ buôn bán đồ tươi sống.”’’
Các nguyên đơn cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm và yêu cầu chính phủ nước này bồi thường cho sai lầm đó.
Các vụ kiện tương tự đã được đệ trình tại các bang Texas và Nevada nhằm chống lại chính phủ Trung Quốc khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Hãng luật Berman nêu ra những trường hợp đặc biệt về ‘hoạt động thương mại’ và ‘tổn hại cá nhân’, dùng Đạo luật về miễn trừ cho quốc gia khác (FSIA) làm căn bản pháp lý để kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Chimene Keitner, trường Luật, Đại học Hastings California tại San Francisco, lại không đồng ý với luận điểm này.
Bà cho rằng: “Nếu bạn đọc bất cứ ca nào theo luật FSIA viết rất rõ về tổn hại cá nhân, thì việc hành xử của các giới chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên đất Mỹ để luật được áp dụng. Và không có cáo buộc về hoạt động thương mại tại đây.”… “Bạn không thể kiện nước ngoài về những quyết định chính sách của họ.”
Đạo luật FSIA của Mỹ nhằm ngăn người dân kiện các quốc gia khác ngoại trừ những trường hợp cụ thể. Ông Stephen L. Carter, chuyên gia luật tại đại học Yale, cũng cho rằng đơn kiện không nằm trong các trường hợp ngoại lệ của FSIA.
Dù vậy, hãng luật Berman vẫn khẳng định đơn kiện tập thể nằm ngoài quy định hạn chết của FSIA và ngày số người tham gia vụ kiện tăng lên mỗi ngày.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, luật không chính thức về ‘Trách nhiệm quốc tế’ về những thiệt hại do một nước khác gây ra được công nhận lần đầu tiên trong vụ trọng tài Trail Smelter trong những năm 1920.
Một công ty nung chảy kim loại tại British Columbia, Canada, đã phát thải khí độc và gây thiệt hại khu rừng và mùa màng xung quanh khu vực và xuyên qua biên giới Mỹ – Canada tại tiểu bang Washington.
Một tòa án được thành lập tại Canada và Mỹ để giải quyết tranh chấp và chính phủ Canada đã đồng ý bồi thường.
Các học giả về luật có kết luận tương tự về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm lây lan dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Ông Russel Miller, giáo sư luật tại Đại học Washington and Lee, nói: “Nếu Canada có luật môi trường tốt, công ty nung chảy kim loại sẽ không làm ô nhiễm môi trường và sẽ không gây thiệt hại tại Mỹ. Có vẻ như có liên hệ ở đây. Nếu Trung Quốc giữ một chế độ qui định an toàn thực phẩm thích hợp thì thiệt hại sẽ không lan rộng.”
Ông William Starshak, luật sư tài chánh tại Chicago, nêu rõ là tốt hơn hết Trung Quốc nên nhận trách nhiệm như Canada đã làm.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society (HJS) của Anh hôm 5/4 công bố một báo cáo với tiêu đề: “Bồi thường virus corona?”. Báo cáo cho rằng nhóm G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD vì chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến hàng chục ngàn người trên thế giới tử vong và nền kinh tế khối G7 phải chịu thiệt hại nặng nề.
Báo cáo cho biết, các nước G7 đã chi ít nhất 3,2 nghìn tỷ bảng Anh (4 nghìn tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh và cứu nền kinh tế khi chính phủ buộc công dân phải ở nhà.
Báo cáo khẳng định: “Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này.“
Tài liệu cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 10 điều luật, trong đó có Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) vốn được siết chặt sau đại dịch SARS năm 2003.
IHR quy định các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng và sự truyền nhiễm của bất cứ mầm bệnh nào có khả năng lan rộng trên phạm vi quốc tế. Theo Viện nghiên cứu HJS, Trung Quốc đã vi phạm quy định tại IHR bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ muốn nói lên sự thật.
Nghiên cứu của HJS cũng chỉ ra cụ thể nhiều vi phạm của chính quyền Trung Quốc như:
- Chính phủ Trung Quốc không công bố dữ liệu tiết lộ bằng chứng cho thấy viêm phổi Vũ Hán truyền từ người sang người trong khoảng thời gian tối đa 3 tuần kể từ khi biết về nó. Điều này vi phạm điều 6 và 7 trong IHR.
- Cung cấp cho WHO thông tin sai lệch về số người nhiễm từ ngày 02/01/2020 – 11/01/2020, vi phạm điều 6 và 7 của IHR.
- Không cấm vật chủ trung gian lây truyền virus, thay vào đó lại thúc đẩy sự tăng nhanh của các loài vật chủ nguy hiểm cho con người tiêu thụ, vi phạm điều 12 của Công ước Quốc tế về quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
- Cho phép 5 triệu người (tương đương với quy mô của vùng đô thị San Francisco (California) hoặc Greater Boston (Massachusetts) ở Mỹ và gấp khoảng 5 lần thành phố Birmingham của Anh rời khỏi Vũ Hán trước khi áp lệnh phong tỏa vào ngày 23/1/2020 mặc dù đã biết bệnh truyền từ người sang người.
Theo báo cáo, việc thiếu thông tin làm chậm phản ứng với virus, chẳng hạn như thiếu sàng lọc đi lại. Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Southampton chỉ ra rằng nếu các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt được đưa ra 3 tuần trước thì sự lây lan của bệnh sẽ giảm khoảng 95%.
HJS kêu gọi thành lập liên minh khởi kiện Trung Quốc vì chính quyền nước này “thường phản ứng hung hăng với các mối đe dọa trên trường quốc tế”.
Thừa nhận là sẽ có nhiều khó khăn để khởi kiện, báo cáo đưa ra 10 phương án tiềm năng để chống lại Trung Quốc ở khắp các địa điểm tài phán trong nước và quốc tế.
Khởi kiện do tranh cãi xung quanh IHR là hành động chưa từng có tiền lệ, nhưng JHS cho rằng đã có những khuôn khổ trong WHO cho phép thực hiện điều này.
Báo cáo cũng lập luật rằng các luật sư quốc tế có thể sử dụng các điều khoản liên quan để duy trì những quy tắc quốc tế. Những khuyến nghị được HJS đưa ra gồm sử dụng Tòa trọng tài Thường trực; Tòa án công lý Quốc tế; Tòa án Hồng Kông; giải quyết tranh chấp song phương thông qua các Hiệp ước Đầu tư song phương và các hoạt động kiện tụng lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; viện dẫn các quy định trong thỏa thuận đầu tư, thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển… Tòa án trong nước và Tòa án Trung Quốc cũng là phương án mà HJS gợi ý.
Báo cáo khẳng định chiến dịch này ‘sẽ đòi hỏi sự can đảm và đoàn kết toàn cầu’.
Ông Matthew Henderson, đồng tác giả báo cáo, cho rằng người dân Trung Quốc cũng là “nạn nhân vô tội” bởi sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông phát biểu thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không tiếp thu bài học giáo huấn nào từ sau thất bại trong đại dịch SARS. Những sai lầm ngớ ngẩn, dối trá và chiến dịch nhiễu loạn thông tin lặp đi lặp lại của chính quyền từ khi bắt đầu dịch Covid-19, đã gây ra những hậu quả chết người”.
Cùng thời điểm này, Ấn Độ cũng đã tiến hành kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc vì để lây lan dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Apple Daily đưa tin vào ngày 5/4 cho biết Ủy ban Luật gia Quốc tế của Ấn Độ (ICJ) và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường vì đã khiến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan khắp toàn cầu gây ra tổn thất to lớn.
Bản khiếu nại do Chủ tịch Hiệp hội luật sư Ấn Độ và Chủ tịch ICJ soạn thảo, đề cập rằng đại dịch đã gây ra sự mất cân đối trong cung và cầu hàng hóa trong nền kinh tế Ấn Độ, cũng như những ảnh hưởng từ việc cách ly người dân. “Các hoạt động kinh tế của Ấn Độ bị đình trệ, do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã tạo thành một cú đánh lớn“.
Đơn khiếu nại cũng chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên kế hoạch cẩn thận một “âm mưu” lây lan virus trên toàn thế giới. Đây là hành động vi phạm “Quy định Y tế quốc tế”, quy định về điều khoản “Nhân quyền quốc tế và vi phạm nghiêm trọng Luật nhân đạo quốc tế và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền”. Do đó, Ấn Độ đã khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Theo tờ Business News của Ấn Độ, trong những ngày gần đây, cựu Bộ trưởng Nội vụ Pakistan và Thượng nghị sĩ Rehman Malik của Đảng Nhân dân Pakistan, đã viết thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đề nghị ông thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra xem virus này có phải là nhân tạo không và nguồn gốc của nó từ đâu.
Trong một diễn biến khác liên quan, hãng tin CNA ngày 2/4 từ Roma dẫn lời Hồng y Muang Bo, tổng giám mục Rangoon của Myanmar, người đứng đầu Hội đồng Giám mục châu Á khẳng định các nước nghèo đang phải gánh chịu đại dịch viêm phổi Vũ Hán vì sự bất cẩn và đàn áp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bắc Kinh đang nợ một lời xin lỗi và phải bồi thường thiệt hại.
Chiến dịch lên án Trung Quốc và đòi Đảng Cộng sản nước này phải bồi thường về những thiệt hại to lớn cả trên phương diện vật chất và tinh thần sẽ còn tiếp tục lan truyền trên diện rộng bởi viêm phổi Vũ Hán đi đến đâu là mang tai họa đến đó.
Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính vì đã gian dối trong việc công bố số liệu nhiễm bệnh và tử vong khiến nhiều chính phủ chủ quan, đồng thời còn tuyên truyền để đổ tội cho các nước khác đã gây ra đại dịch. Đúng như Tổng giám mục Rangoon nhận định: ‘‘dối trá và tuyên truyền đã khiến sinh mạng của hàng triệu con người ở khắp nơi trên thế giới bị rơi vào vòng nguy hiểm’’.
Đây là cái giá phải trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ thể đã tước đoạt đi ‘sự thật và tự do’, hai cột trụ để một quốc gia xây dựng được nền tảng vững chắc, hai giá trị cơ bản trường tồn của mọi thời đại, tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)