Buổi “tiệc ly” của lãnh đạo trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tại Nhà Bè, TP Chí Minh đã kết thúc bằng cái chết của TS Bùi Quang Tín, rơi xuống từ tầng 14 không lâu sau đó.
Ông Bùi Quang Tín, 44 tuổi, được coi là trí thức tinh hoa, học ở nước ngoài trở về Việt Nam.
Ông cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục tài chính ngân hàng, là luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên được báo chí dẫn phát biểu như là kiến thức cơ bản về lĩnh vực ngân hàng.
Truyền thông trong nước, vào ngày 6/4, dẫn thông tin theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Nhà Bè xác nhận Tiến sĩ -Luật sư Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, đã rơi từ tầng 14 chung cư New Saigon, huyện Nhà Bè vào ngày 5/4 và tử vong.
Vị trí ông Tín bị thiệt mạng được nói nằm phương thẳng đứng với các lan can của các căn hộ khu D2. Lan can của các căn hộ này có độ cao 1,2 m. Và, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy tại chung cư New Saigon.
Tiến sĩ-Luật sư Bùi Quang Tín bị ngã lầu tử vong ngay sau buổi gặp gỡ và dùng cơm, uống bia rượu cùng với nhóm 8 cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tại căn chung cư của ông Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế của trường.
Mới năm ngoái, ngành giáo dục cũng chứng kiến cái chết bí ẩn của thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Lê Hải An, rơi xuống từ tầng 8, ngay trụ sở bộ.
Cả hai ông đều được giới học thuật và truyền thông kính trọng.
Sau khi truyền thông đưa tin vụ giảng viên Bùi Quang Tín tử vong, nhiều người cho rằng “Chủ nhà đã không tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng, đang chống dịch Cúm Vũ Hán còn tổ chức ăn nhậu“; “Tụ tập đông người trong thời gian chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội mùa dịch là sai“…
Không ít người còn đề nghị cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc tụ tập ăn uống trong thời điểm này, xử phạt tội không tuân thủ cách ly xã hội và đi ra ngoài không có lý do chính đáng. Đồng thời cho rằng cần phải công khai danh tính những người tham gia bữa cơm trên.
Báo trong nước đưa tin, sáng 5-4, ông Trần Việt Dũng – viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – mời một số cán bộ của trường tới nhà mình ăn cơm tại một căn hộ ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Có tất cả 9 người cùng tham dự bữa ăn này, tính cả chủ nhà, gồm: Ông Trần Việt Dũng – viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (chủ nhà); Ông Lê Trung Nhân – phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế; Ông Văn Năm – phó trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng; Ông Nguyễn Anh Vũ – trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu; Ông Nguyên – giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của trường; Ông Nguyễn Đức Trung – phó hiệu trưởng; Ông Bùi Hữu Toàn – hiệu trưởng; Ông Phùng Văn Ứng – phó trưởng khoa khoa lý luận chính trị; và nạn nhân: Ông Bùi Quang Tín – giảng viên khoa quản trị kinh doanh.
Tại đây, mọi người đã uống hết 3 chai rượu ngoại và 12 lon bia. Trong lúc ăn nhậu, mọi người đều thoải mái vui vẻ – Theo Tuổi trẻ online.
Khoảng 12h ngày 5-4, hiệu trưởng nhà trường cùng ông Phùng Văn Ứng có mặt tại nhà ông Trần Việt Dũng. Sau đó, khoảng 5-10 phút sau, ông Nguyễn Đức Trung, hiệu phó, đi từ căn hộ của ông ấy (block nhà bên cạnh) qua căn hộ của ông Trần Việt Dũng. Sau đó mọi người bắt đầu ăn uống. Trong khi ăn cơm một số người có uống bia và rượu (riêng ông Bùi Hữu Toàn không uống do tự lái xe đi về).
Một lúc sau, khoảng 12h30-13h cùng ngày, ông Bùi Quang Tín mới có mặt và tham gia ăn uống cùng những người nêu trên.
Khoảng 16h bữa ăn kết thúc. Thực khách lần lượt ra về (theo thứ tự): ông Nguyễn Anh Vũ, ông Lê Trung Nhân, ông Bùi Hữu Toàn, ông Phùng Văn Ứng, ông Ông Văn Năm và ông Nguyên được ông Trần Việt Dũng đưa xuống thang máy ra về.
Sau đó, ông Trần Việt Dũng trở lại căn hộ để rửa và lau dọn đồ đạc. Trong khi hiệu phó Trung và ông Bùi Quang Tín vẫn tiếp tục ngồi nói chuyện.
Tầm 17h, Chủ nhà – Trần Việt Dũng – cho biết do có hẹn với bạn nên rời khỏi phòng và có dặn hai ông Trung và Tín nhớ đóng cửa khi ra về (cửa khóa số điện tử, chỉ cần đóng).
Khoảng 20 phút sau, khi ông Dũng đang chạy xe trên đường thì nghe điện thoại ông Trung báo ông Bùi Quang Tín đã tử vong và lập tức quay xe về ngay.
Khi ông Dũng quay trở lại chung cư thì hiện trường đã được bảo vệ tòa nhà chắn lại. Khu vực ông Bùi Quang Tín rơi được xác định tại khoang giếng trời chéo với thang máy tòa nhà.
Khoảng 17h30 chiều 5-4, bảo vệ Chung cư New Sài Gòn nghe thấy tiếng động tại khu vực giếng trời sảnh D2 (tầng trệt). Khi đến kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông nằm bất động, do thương tích quá nặng nên người này đã tử vong.
Trước đó, các dòng trạng thái của tiến sĩ Tín trên mạng XH cho thấy lịch làm việc dày đặc cũng như nhiệt huyết của ông với công việc và chưa thấy dấu hiệu trầm cảm nào.
Khi làm việc với Công an, bà Nguyễn Thanh Bích vợ ông Tín trình bày, đầu năm 2019 tiến sĩ Bùi Quang Tín được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông của 1 trường đại học và từ đó trong quá trình làm việc đã phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía. Bà Bích cho hay, theo lời của chồng bà, là do “lợi ích nhóm“.
Giai đoạn trước Tết 2020, ông Tín có nói với vợ là xin từ chức. Bà Bích còn cung cấp thông tin, trước đó ông Tín đã 3 lần xin từ chức nhưng lãnh đạo quản lý không đồng ý. Đặc biệt, nội dung tường trình của bà Bích có nhấn mạnh, chồng bà có kể cho bà nghe về việc hay nhận những tin nhắn đe doạ, như các báo Việt Nam đăng tải mấy ngày qua.
Bà Bích nhắc đến ông Nguyễn Đức Trung người ngồi lại sau cùng với ông Tín, cũng là người từng khiến ông Tín dè chừng, cảnh giác “Hơn 1 tháng trước, thầy Trung có gọi chồng tôi lên phòng làm việc. Chồng tôi dè chừng đến mức không dám uống ly nước trà thầy Trung rót mà tự tay pha bình trà khác” – bà Bích kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Trung cho biết: “Không có chuyện đó. Tôi không hiểu tại sao chị Bích lại nói về tôi như vậy“. “Anh Tín có lợi thế là quan hệ khá tốt với báo chí, truyền thông. Nhưng khi anh có nỗi niềm, muốn từ chức thì lãnh đạo ở đây cũng vui vẻ, chính tôi là người ký đơn cho anh ấy”, ông Trung khẳng định.
Không ít người đưa ra sự hoài nghi rằng Luật sư Bùi Quang Tín bị ngã lầu tử vong là do một sự cố ý sắp xếp nào đó, trong khi bà Nguyễn Thanh Bích vợ ông Tín khẳng định rằng cái chết của chồng bà là một vụ án mạng có nhiều uẩn khúc.
Ông Thái Văn Đường, một người từng làm việc nhiều năm trong cơ quan nhà nước, nói về một số thông tin mà chính ông nghe được trực tiếp từ giới phóng viên:
“Những nhận định của anh em báo chí trong nước, tuy họ không công khai nhưng có chia sẻ với tôi, nói rằng đây là tạo dựng hiện trường và là một vụ cố tình sát hại để thủ tiêu. Bởi vì ông Bùi Quang Tín có liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự từ Vụ tổ chức cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, do Đại học Ngân hàng TP.HCM trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không phải trực thuộc Bộ Giáo dục và thứ hai nữa là liên quan tới thâm hụt tài chính của trong trường do chi tiêu vô tội vạ. Ông Tín là người biết rất nhiều chuyện trong trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ông cũng làm mất lòng nhiều người vì ông thẳng tính quá. Nói chung có sự mâu thuẫn rất nhiều. Tôi nghe được những thông tin như vậy.”
Bản thân ông Thái Văn Đường và nhiều cư dân mạng tại Việt Nam cùng nhắc lại trường hợp tử vong tương tự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Tiến sĩ Lê Hải An bị ngã từ lầu 8 xuống đất tại số 35, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái.
Ngay sau khi Tiến sĩ Lê Hải An ngã lầu tử vong vào sáng ngày 17/10/2019, Bộ Giáo dục-Đào tạo được nói là đã vội vã công bố thông báo rằng đó là một vụ tai nạn mặc dù không có nhân chứng lẫn vật chứng.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương vào tối hôm 7/4 nêu lên nhận định của ông liên quan hai trường hợp tử vong của hai ông Tiến sỹ là ông thứ trưởng Lê Hải An và nay là Tiến Sỹ Bùi Quang Tin đều là những vụ cố ý sát hại, cần phải được điều tra làm sáng tỏ.
“Bây giờ nỗi đau lớn nhất của dân tộc là cái phương thức mafia đã ngự trị trong chính trị, trong chính quyền và trong xã hội. Ví dụ như vụ xử nhau ở Yên Bái chẳng hạn, đó là một vụ án chính trị. Vụ Lê Hải An đúng là vấn đề phức tạp hơn, có liên quan đến đấu đá nội bộ, kèn cựa lẫn nhau nhưng cũng có yếu tố chính trị là ngăn cản đối thủ có khả năng thăng tiến và có sự tín nhiệm xã hội. Còn trường hợp Luật sư Bùi Quang Tín vừa mới đây thì đang có vấn đề đặt ra về cái chết hết sức bất minh. Tại sao trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà kéo nhau đi ăn nhậu đến 9,10 người như thế, lại toàn là hiệu trưởng, hiệu phó, giáo sư, tiến sĩ? Ngay việc ấy là một dấu hỏi về văn hóa rồi, thế còn chưa kể vì sao anh Tín bị ném từ trên lầu 14 xuống?”
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi nhận cả hai vị này là hai nhà khoa học có bản lĩnh và có kiến thức: “Trong một thể chế tuyển lựa nhân tài mà chỉ cần thuộc một nhóm phe phái nào đó đang được chính ông Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bảo kê để thực hiện một quy trình tuyển chọn nhân sự thì những người chân chính, có bản lĩnh, có tri thức khoa học và nắm vững chuyên môn trong ngành của mình sẽ là cản trở quá trình sắp xếp ‘ghế’ cho những người đặt ý thức hệ ‘còn Đảng-còn mình’ lên trước. Tức là, dù có dốt nát, dù có bất tài như một số nhân vật mà tôi không kể tên ra đây vì không tiện có chỗ đâu để mà cơ cấu vào trong đội ngũ.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai, vào ngày 7/4, đăng tải trên trang Facebook cá nhân quan điểm của ông rằng đối với vụ chết người như vụ Luật sư Bùi Quang Tín và có khả năng bị sát hại thì phải khởi động ngay quy trình hình sự, xác định nhanh bối cảnh không gian hiện trường, tạm giữ người liên quan để thẩm vấn.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhấn mạnh rằng “Cần tạm giữ hình sự ngay ít nhất là 2 người đàn ông ngồi đến cuối cùng với ông Tín trong đó có chủ nhà. Không tạm giữ người để cho người ta ở ngoài thông cung với nhau hoặc bình tâm lại tìm lời lẽ bao biện và tìm cách xóa dấu vết hay sao”.
Giáo sư Tương Lai nhắc lại vụ việc Tiến sĩ Lê Hải An tử vong mà ông cho là “bị chìm xuồng” và vụ việc Luật sư Bùi Quang Tín thiệt mạng sẽ được điều tra đến nơi đến chốn hay không thì ở Việt Nam những tình huống cán bộ quan chức bị chết do tai nạn, như bị ngã lầu sẽ có thể tiếp tục xảy ra, ngay cả đối với các lãnh đạo cấp cao ở thượng tầng. Giáo sư Tương Lai lý giải:
“Trong một thể chế toàn trị phản dân chủ, đưa lợi ích của phe nhóm; hay nói một cách khác là lợi ích của những người mà ông Nguyễn Phú Trọng đang thao túng. Điều này tôi đã lên án từ rất lâu, từ khi tôi tuyên bố là dứt bỏ mọi liên hệ với cái Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng. Bây giờ với hai cái chết của hai nhân vật này, thì tôi càng hiểu ra được một chuyện là nếu như trong đội ngũ của Đảng, tôi muốn nói cả Ủy viên Bộ Chính trị, cả Ủy viên Trung ương, những cán bộ cao cấp của Đảng vẫn còn những người hiểu ra được nếu vẫn duy trì một chế độ chuyên chính mà như Học giả Nguyễn Khắc Viện từng nói rằng ‘chuyên chính vô sản không đáng sợ bằng chuyên chính vô học’ để cho những người chỉ biết vâng-dạ theo ý tưởng của tổng chủ thì sẽ được cơ cấu vào trong đại hội.”
Tại Việt Nam, nơi Đảng cộng sản lạc hậu và đầy đau khổ vẫn độc quyền cai trị trên 75 năm qua, tất cả đều phải chịu sự chỉ đạo của của đảng, ở đây hoàn toàn thiếu vắng một nền tư pháp, hành pháp và lập pháp độc lập.
Những án oan và nhiều cái chết đầy uẩn khúc sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Thứ trưởng chết, Phát hiện 2 dao bầu – Đài hóa thân, hủy nhanh ngay tang chứng
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)