Mỹ “hết sức quan ngại” về các báo cáo cho hay Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố hôm 6/4.
Tối 2/4, giới hữu trách tại Quảng Ngãi cho báo chí biết một tàu cá của ngư dân Trần Hồng Thọ, người của tỉnh, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1974.
Một ngày sau vụ việc, vào tối 3/4, Trung Quốc trao trả 8 ngư dân Việt Nam là thuyền viên của tàu cá bị đâm chìm.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, gọi vụ đâm tàu vừa qua là động thái mới nhất “trong một chuỗi dài các hành động” của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển “bất hợp pháp và gây bất lợi” cho các nước láng giềng Đông Nam Á quanh Biển Đông.
Trong bản tuyên bố hôm 6/4, bà Ortagus liệt kê một số hành động được xem như là Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu để khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm việc Bắc Kinh “công bố các trạm nghiên cứu mới” đặt trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, và việc cho “máy bay quân sự đặc biệt” hạ cánh trên Đá Chữ Thập.
Vẫn theo lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc cũng đã tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa.
Bà Ortagus lưu ý trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ Biển Đông đã bị tuyên là “một tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp” trong phán quyết hồi tháng 7/2016 của một tòa trọng tài được lập ra theo Công ước Luật Biển 1982, và quan điểm này được chính phủ Hoa Kỳ “chia sẻ”, nữ phát ngôn viên khẳng định.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng khai thác việc các quốc gia khác bị phân tán tư tưởng hoặc trong trạng thái bấp bênh để bành trướng các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Bắc Kinh đáp trả lại yêu cầu của Hà Nội về vụ Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi là do tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc. Luận điệu này của Bắc Kinh bị nhiều người phản bác và cho rằng không khác mấy với luận điệu của cơ quan chức năng Hà Nội khi cho rằng một người dân bị gãy xương mũi do “va” vào gậy điều khiển của cảnh sát giao thông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 3-4-2020 lên tiếng tố ngược tàu cá Việt Nam chủ động đâm tàu công vụ Bắc Kinh ở Biển Đông khiến tàu cá bị chìm và nhân viên công lực nước này giang tay cứu 8 ngư dân.
“Vào sáng sớm ngày 2-4, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, trong một cuộc tuần tra thường lệ, phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển nội địa ngoài khơi đảo Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa – Việt Nam) và ngay lập tức yêu cầu nó rời đi. Tàu Việt Nam từ chối và bất ngờ rẽ mạnh về phía tàu Trung Quốc.
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất để giữ khoảng cách, tàu Cảnh sát biển đã bị húc vào mũi tàu. Tàu đánh cá Việt Nam sau đó vào nước và bị chìm. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất kỳ thương tích nào.
“Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc để cho ngư dân đi sau khi hoàn thành các thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết.” Bà Hoa Xuân Oánh nói.
“Trong một thời gian, các tàu đánh cá của Việt Nam thường xuyên xâm nhập lãnh hải và vùng biển nội địa ngoài khơi đảo Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa – Việt Nam) và xâm phạm quyền đánh cá của phía Trung Quốc. Họ đã phớt lờ và thậm chí có những hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc.”
“Phía Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và lên án phía Việt Nam về vấn đề này và yêu cầu phía Việt Nam nghiêm túc thông báo cho ngư dân của mình và chỉnh đốn các hoạt động đánh bắt của họ để đảm bảo họ sẽ không xâm chiếm vùng biển liên quan của đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các động thái nguy hiểm chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc,” bà Hoa Xuân Oánh cho hay.
Không lâu trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết với hành vi đâm chìm tàu ngư dân Quảng Ngãi, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Ngày 3.4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, đến ngày 3-4-2020, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn,” bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Trung Quốc từ lâu tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn bao trùm 80% diện tích Biển Đông đã bị Tòa trọng tài Thường trực ở La Haye bác bỏ cơ sở pháp lý hồi năm 2016.
Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo này khiến 74 binh sĩ VNCH tử trận và quản lý các đảo này cho đến nay.
Ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 12/12/2019 và ngày 23/3.
Hôm 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề“, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất“. Bắc Kinh cũng cho rằng mình “có quyền lịch sử” ở Biển Đông, dựa trên “bằng chứng lịch sử và pháp lý“.
Trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết nước này “có chủ quyền” với quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa“. Trung Quốc cũng nhắc đến “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông“, công hàm ngày 30/3 của Việt Nam cho biết.
Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhắc lại Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam cho rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại UNCLOS, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý“, Công hàm ngày 30/3 cho biết.
Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại LHQ và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn đề nghị Tổng Thư ký LHQ lưu hành công hàm ngày 30/3 của Việt Nam đến tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS, cũng như tất cả các thành viên của LHQ.
Mới đây, hôm 29/3 Trung Quốc lại ngang nhiên đưa máy bay quân sự ra quần đảo Trường Sa.
Ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) hôm 29/3 cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước đó vào ngày 20.3, Tân Hoa xã ngang nhiên đưa tin Trung Quốc lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi, cũng thuộc quần đảo Trường Sa.
Hai cơ sở này sẽ theo dõi, đo đạc các thay đổi về sinh thái địa chất, môi trường tại các vùng biển này. Hai cơ sở này được cho là cùng tổ hợp với một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc xây dựng trước đó ở Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.
Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động.
Việt Nam là một quốc gia với gần 100 triệu dân nằm sát với Trung Quốc, suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của mình, đất nước này luôn phải gánh chịu những đợt xâm lăng từ láng giềng phương Bắc.
Nhưng điều tệ hại nhất trong thế kỷ qua, đó là việc những người “làm cách mạng” ở Việt Nam đã đưa ra lựa chọn sai lầm khi cùng Trung Quốc, mang Chủ nghĩa Cộng sản về reo rắc bao đau khổ cho nhân dân, hàng triệu sinh mạng của cả hai miền Bắc và Nam đã bị giết hại vì thứ học thuyết đầy đau khổ này.
Một chính sách thoát Trung toàn diện để quay về với dân tộc, là sự lựa chọn sáng suốt lúc này mà Đảng cộng sản Việt nam cần thực hiện.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)