Hà Nội có lẽ là một trong những nơi cảm nhận rõ nhất tình hình sụt giảm mảng du lịch trong làn sóng bùng phát virus corona hiện nay.
“Khách hủy phòng rất nhiều,” chị Nguyễn Thị Hoàn, quản lý dịch vụ homestay ở phố Lương Ngọc Quyến, trung tâm Hà Nội, nói. “Không chỉ khách Trung Quốc mà cả khách từ các nước khác cũng hủy hết.” Các hoạt động đặt phòng, đón khách ở khu vực phố cổ Hà Nội gần như đình trệ, chị Hoàn cho biết.
“Ngành homestay chỉ cao điểm trong vài tháng, từ khoảng tháng Mười đến tháng Ba, tháng Tư, trời nắng là vắng khách. Năm nay, đang mùa cao điểm lại dính vào dịch bệnh,” chị Mai Vân, nhân viên quản lý, điều phối công tác vệ sinh cho các điểm homestay ở khu vực phố cổ Hà Nội, đồng tình.
“Mọi năm thời điểm này khách đăng ký kín tới 80-90%. Hiện nay chỉ đạt 5-10% công suất đặt phòng.”
Khách quốc tế tới Hà Nội rất đa dạng, gồm đủ loại quốc tịch, từ khắp nơi trên thế giới, nhưng khách Trung Quốc thường chiếm khoảng 30%, nhiều hơn hẳn so với khách từ các nơi khác.
“Từ khi có dịch bệnh đến giờ, các host ở phố cổ hoàn toàn không nhận khách Trung Quốc nữa,” chị Vân cho biết.
Một nguồn du khách khác cũng giảm mạnh, là Việt kiều, theo nhận xét của một người dày dạn hàng chục năm hoạt động trong ngành du lịch ở Hà Nội.
“Hàng năm, Việt kiều về Việt Nam sau dịp Tết rất nhiều, nhưng năm nay, có tình trạng Việt kiều bỏ về rất sớm,” bà Phan Hồng Châu, giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur), chuyên về bán tour và bán vé máy bay, nói.
Việc mất đi những nguồn khách khổng lồ này đã trở thành cú đánh mạnh mẽ giáng xuống các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch, từ dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải, hàng không, công ty tours, cho tới một số các công ty tài chính phục vụ theo và các ngành nghề khác, theo bà Châu.
Cảm nhận rõ rệt nhất có lẽ không chỉ là các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, mà cả những người làm công ăn lương.
“Kinh doanh dịch vụ homestay rất tốn kém. Không có khách đặt phòng nhưng các chủ nhà vẫn phải trả rất nhiều khoản tốn kém, từ tiền thuê nhà, tiền dọn dẹp, giặt giũ chăn ga, điện nước, đều tốn,” chị Vân nói.
Tiếp sau khuyến cáo của Mỹ và Anh về dịch Corona ở Việt Nam, Hàn Quốc mới khuyên công dân không tới Việt Nam vì virus gây chết người mà nay có tên chính thức là COVID-19.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ra thông báo hôm 11/2, khuyến cáo người dân hạn chế tới Việt Nam nhằm ngăn chặn điều Bộ này nói là sự lây nhiễm virus Corona ở quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên thông qua một nước thứ ba bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Ngoài Việt Nam, Bộ này cũng khuyên công dân không nên tới Nhật, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan vì những nơi này đã có sự lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Cũng giống phản ứng của nhiều quốc gia khác, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó chỉ khuyên công dân không tới tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi bùng phát virus Corona, gây quan ngại toàn cầu.
Tới ngày 12/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa thấy có phản ứng về bước đi mới nhất của chính quyền Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo trang tin Taiwan News, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 12/2 đã triệu tập đại diện ngoại giao Hàn Quốc để yêu cầu sửa chữa thông tin về việc bùng phát virus Corona trong cộng đồng trên hòn đảo này.
Bộ Y tế Việt nam ngày 13-2 xác nhận ca bệnh thứ 16 viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra tại Việt Nam là bố đẻ nữ bệnh nhân 23 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nữ bệnh nhân này vừa qua, đã báo cáo được chữa khỏi cách đây 3 ngày.
Vĩnh Phúc cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi, hơn 10.000 dân không được ra khỏi xã. Lực lượng Công an tỉnh và bộ độ, cán bộ y tế… sẽ tổ chức 8 chốt để cách ly người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) trong khoảng thời gian 20 ngày (13/2 – 3/3) để khoanh vùng, dập dịch Covid-19.
Xã Sơn Lôi có 5 trường hợp nhiễm covid-19, hiện đang có 91 người nằm trong diện theo dõi tập trung ở tỉnh và 21 người ở Phòng khám đa khoa Quang Hà.
Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, Hàn Quốc nằm trong danh sách có khách du lịch tới Việt Nam nhiều nhất trong năm 2019, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng là một trong những địa điểm du lịch được du khách Việt Nam ưa chuộng cũng như là nơi có đông cô dâu Việt.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, tới ngày 12/2, nước này đã ghi nhận 28 trường hợp nhiễm COVID-19, cao hơn Việt Nam 13 ca.
Còn người lao động, rất nhiều người do sợ bệnh dịch mà từ chối không đi làm, chấp nhận nghỉ không có thu nhập để ‘tránh nạn’. Chị Mai Vân nói nhiều nhân viên vệ sinh từ chối đi làm do sợ có khách lưu trú là người Trung Quốc
“Nếu biết chắc chắn có nhà homestay nào nhận khách Trung Quốc thì tôi sẽ không dám đến làm vệ sinh,” chị Vân chia sẻ.
“Các chị em trong nhóm tôi quản lý họ cũng nghĩ vậy, họ e sợ có khách Trung Quốc nên đều không đi làm.”
“Vì tôi làm cả công tác quản lý, tôi biết rõ khách lưu trú là ai nên tôi vẫn tới. Nhân viên không chịu đi làm thì các quản lý cấp trên phải đi, để duy trì dịch vụ cho các host (chủ nhà).”
Các tour du lịch nước ngoài và trong nước cùng ‘ế khách’
Không chỉ bị sụt giảm nặng về lượng khách tới thành phố, du lịch Hà Nội còn bị tổn thất nặng do tình trạng khách trong nước hủy tour, đặc biệt là các tour đi Trung Quốc.
Bà Phan Hồng Châu, giám đốc Esperantotur: “Do dịch virus corona, tất cả các tour [đi Trung Quốc] đều hủy 100%.”
Trong lúc các tour đi châu Âu và Đông Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc) vẫn còn hoạt động ít nhiều, thì mảng du lịch Trung Quốc và trong nước, là các mảng sôi động nhất, hoàn toàn đình trệ, bà Phan Hồng Châu cho biết.
“Lượng khách du lịch đi Trung Quốc năm nay ban đầu dự kiến rất đông vì sản phẩm giá hợp lý và các hãng tour đưa ra các dịch vụ rất tốt,” bà Châu nói. “Đáng tiếc là do dịch virus corona, tất cả các tour đều hủy 100%.”
“Sau đó, các đoàn liên quan đến tour nội địa cũng bị hủy rất nhiều. Các đoàn trong tháng Hai đều xin hoãn, hủy. Bây giờ chúng tôi chủ yếu chỉ còn phục vụ khách lẻ, còn các đoàn lớn hầu như là không đi nữa hoặc xin lùi thời gian đi.”
“Bây giờ, nhân viên trực ở công ty chủ yếu là để trợ giúp khách hàng trong việc ‘hoàn, hủy, đổi’ dịch vụ.”
“Nếu dịch cúm này được dập tắt sớm, trong khoảng Quý 1, đó sẽ là điều may mắn cho ngành du lịch và ngành hàng không, là hai ngành theo tôi là bị ảnh hưởng trực tiếp ở mức độ khủng khiếp,” bà Châu nhận định.
Tuy chưa biết đợt bệnh dịch này khi nào mới qua đi, nhưng những người hoạt động trong ngành du lịch ở Hà Nội tỏ ra lo lắng.
Ý thức được vấn đề sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng, các chủ kinh doanh dịch vụ homestay ở Hà Nội đều tỏ ra chủ động trong việc phối hợp với khách và cả chính quyền địa phương, công an để theo dõi, kiểm soát bệnh dịch.
Ngoài việc không nhận khách Trung Quốc, chị Hoàn cho biết các host đều thẳng thắn trao đổi với khách để đảm bảo không tiếp nhận những người từng quá cảnh hoặc tới thăm Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước khi tới Hà Nội, và chấp nhận hoàn trả tiền cho các trường hợp muốn hủy phòng, bởi, “an toàn là trên hết”.
Đứng từ khía cạnh kinh doanh, bà Châu đánh giá rằng “hậu quả của dịch cúm sẽ rất nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra lạc quan. “Biết đâu Quý 1 sụt giảm thì số lượng sụt giảm đó sẽ bung lên vào sáu tháng cuối năm.“
Bà nói thời gian vắng khách hiếm hoi như thế này cũng là lúc tốt để công ty bà và các công ty du lịch khách dành thời gian đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho nhân viên.
Còn với chị Hoàn, đây là lúc để chị tạm thời tự cho mình nghỉ ngơi và tìm hiểu thêm những thứ mình yêu thích mà chưa có thời gian theo đuổi.
Đại dịch nguy hiểm, do Virus Corona tràn từ Trung quốc sang Việt Nam đang gây ra đã gây tác hại to lớn về mọi mặt trong đời sống, sinh hoạt và kinh doanh của hàng triệu người dân Việt Nam.
Trên thế giới, đặc biệt là tại Trung quốc nó đã gây ra cái chết cho hơn 1000 người và khiến cho hàng trăm triệu người bị hạn chế hoặc cách ly với thế giới vì ổ dịch bùng phát.
Đảng và Chính phủ Việt nam cần bãi bỏ tình trạng bắt phạt khi người dân đăng tin về điễn biến của đại dịch, chỉ có thế thì những vấn đề bất ổn xã hội mới sớm được đưa ra ánh sáng nhằm cảnh báo cho “Chính phủ kiến tạo“ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thêm nguồn tin để xử lý dịch bệnh, tránh để lan rộng làm chết người dân.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)