Để tưởng nhớ tới những liệt sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ngày 17-02-1979 tròn 40 năm. Sáng ngày 17-02 vừa qua, người dân TP.HCM tới tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quận 1 để dâng hương lễ tưởng niệm mà không khỏi bàng hoàng phẫn nộ.
Tại đây, những người dân đến dâng hương tưởng niệm, nhà cầm quyền TP.Hồ Chí Minh đã tìm đủ mọi cách nhằm ngăn cản không để cho người dân tới thắp hương tưởng niệm. Phía trước khuôn viên của tượng đài Trần Hưng Đạo, nhà cầm quyền đã dùng những chiếc xe chở rác để làm hàng rào chắn tiệt lối đi. Không dừng lại ở đó, họ đã chỉ đạo cho xe tới và cẩu chiếc lư hương ngay dưới chân tượng đài mang đi.
Ngay sau đó, thông tin và hình ảnh được cộng đồng mạng đăng tải thì đã nhận được rất nhiều phản ứng, sự phẫn nộ của người dân. Luật sư Lê Công Định đã không giấu được sự bức xúc trên trang cá nhân của mình “Dời lư hương thờ cúng tiền nhân hôm nay là tự đào phá mồ mả của chính mình ngày mai, Tiện Nhân à!”.
Vốn dĩ từ trước tới nay, việc người dân dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh chống quân Trung Quốc xâm lược luôn bị nhà cầm quyền ở Việt Nam cấm cản, chính vì lẽ đó, năm nào cứ vào dịp 17-02 hầu như nhà cầm quyền ở Việt Nam đều cho các nhóm an ninh tới từng nhà hoạt động XHDS, bất đồng chính kiến trên khắp cả nước (nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM) để canh cổng, gác cửa chặn sự đi lại từ một vài ngày trước dịp lễ gây ra sự phiền hà cho sinh hoạt của những người này.
Tiếp đến facebooker Trần Đình Thu cũng bày tỏ quan điểm “Cần kỷ luật những người cẩu lư hương ở tượng đức Trần Hưng Đạo
Tôi hết sức thông cảm cho tâm lý của nhà chức trách địa phương khi lo sợ một cuộc dâng hương ở Tượng Đức Trần Hưng Đạo trong tâm lý sục sôi kỷ niệm 40 năm ngày Trung quốc xâm lược Việt Nam hôm nay biến thành một cuộc diễu hành khó kiểm soát, nhưng tôi không thể chấp nhận hành động cẩu lư hương ở Tượng Đức Trần Hưng Đạo đi nơi khác. Đó là một hành động vừa vô văn hóa vừa đại bất kính với tiền nhân.
Nhẽ ra có thể xử lý việc này một cách nhẹ nhàng êm thấm, chẳng hạn như vẫn tạo điều kiện cho nhân dân dâng hương nhưng phân luồng hay đại loại một cách làm nào đó như trong các lễ hội lớn người ta vẫn thường làm để hạn chế mất trật tự, thì các ông lại làm một việc vô phép vô tắc.
Hoặc thậm chí nếu nghĩ rằng không đủ lực lượng đảm bảo trật tự thì có thể rào chắn và mở cửa từ từ. Nhưng ở đây tâm lý coi thường nhân dân và quá thiếu văn minh của lực lượng trật tự đã tạo nên một điều quá tệ hại.
Những việc làm như vậy không những gây ra sự mất uy tín của chính quyền mà còn gây ra sự căm phẫn trong nhân dân.
Vì vậy theo tôi, bất kể người nào có “sáng kiến” man rợ đó đều phải bị xử lý kỷ luật một cách thích đáng.”
Tuy nhiên, đến sáng nay trong cuộc họp giao ban của Thành ủy TP.HCM, trả lời trước báo chí bà Trần Kim Yến – bí thư Quận 1 đã giải thích một cách khó hiểu “Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường. Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí”.
Sự phẫn nộ của người dân chưa nguội, việc giải thích kém thuyết phục của bà Trần Kim Yến đã khiến cộng đồng mạng và xã hội thêm phần bức xúc.
Nhà báo Huy Đức cũng bày tỏ “Trước Lịch sử và các bậc thánh nhân, đừng nói dối. Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi hay bằng tiểu xảo; càng đừng bao giờ nên nói dối khi đối diện với lịch sử và khi đứng trước các bậc thánh nhân. Đâu cứ phải dời lư hương đi thì nơi đây không còn linh thiêng nữa.”
Dư luận đang đặt ra, phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam ngày một khó khăn khi tìm kiếm lối thoát quản lý, điều hành đất nước?
Văn Thái – Thoibao.de
(1) Tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng vốn là một điểm tưởng niệm truyền thống của người dân Sài Gòn nhiều năm qua về lòng yêu nước. Việc trùng hợp, không biết là ngẫu nhiên hay cố ý, đã tạo ra cách nghĩ xấu về chính quyền của người dân. Họ kết nối việc dời lư hương với việc Nhà nước muốn cấm đoán người dân tiến hành một cuộc tưởng niệm bày tỏ lòng yêu nước. nhà báo Ngọc Vinh
(2) Tượng Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh – quận 1. Thời Pháp thuộc, công trường này được đặt theo tên Đô đốc thủy quân người Pháp và từng là Thống đốc Nam kỳ, Rigault de Genouilly. Ban đầu tượng của vị đô đốc thủy quân cũng được đặt nơi đây. Đến năm 1967, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác đã được đặt tại vị trí này. Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 mét, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 mét. Mẫu tượng do Phạm Thông thiết kế là vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Được biết điêu khắc gia Phạm Thông có hai phiên bản tượng Trần Hưng Đạo được đúc để gắn ở Quy Nhơn và Vũng Tàu. Sau biến cố năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Thông sang Mỹ định cư. Hiện ở quận 1, ngoài tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm ở Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé còn có Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định.