Võ Thị Hảo
Vẫn tư duy kiều “Chiến tranh lạnh”:
Khi gặp bạn bè vẫn theo dõi thời sự báo chí, nhiều người hỏi tôi: vì sao đa phần người làm báo xuất thân từ chế độ cộng sản miền Bắc ở hải ngoại, nhất là ở Đức, lại rất ít đưa tin hoặc về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc bởi do chính sự tiếp tay của đại sứ quán VN tại Đức cũng như phiên tòa xử Nguyễn Hải Long diễn ra suốt mấy tháng trời?
Mặt khác, đa phần người làm báo đó cũng không có ý kiến gì về việc người dân VN sôi sục phản đối về Luật Đặc khu, luật An ninh mạng, về những vụ tàu cá VN bị Trung quốc đâm chìm, những vụ chống tiêu cực tham nhũng trong nước, về hàng nghìn dân oan bị cướp đất, nhiều người dân bị đánh chết trong đồn công an…?
Vậy phải chăng những người ấy họ xưng là nhà báo chỉ để khuyếch trương thanh thế, để thuận lợi trong việc đến các doanh nghiệp đề nghị quảng cáo hoặc quảng cáo cho chính doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Những trang báo ấy chung quy cũng chỉ có thể gọi là một trang blog hoặc một trang web cá nhân thậm xưng là báo chí mà thôi.
Biết nói sao đây? Bởi vì đó là điều không hay, nhưng cũng thể hiện sự sợ hãi được hình thành từ cả hơn nửa thế kỷ nay tại VN, khiến người VN từng sống dưới chế độ CS đến lúc có cả một bầu trời trong tay cũng không dám ngẩng cao đầu.
Làm sao cắt nghĩa được thực trạng có không ít người VN ở hải ngoại, dù sống mấy chục năm trong đất nước dân chủ và tự do, quyền con người được bảo đảm, chữa bệnh và đi học không mất tiền với những điều kiện y tế và giáo dục vào hàng tốt nhất thế giới, những người thất nghiệp, ốm đau mất sức, già cả… đều được cung cấp chỗ ở đàng hoàng, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí miễn phí…lại vẫn mang suy nghĩ của thời “chiến tranh lạnh” thù địch và tư duy bao cấp theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, quan sát xã hội thì chỉ chia ra hai loại người và những ai không ủng hộ đảng hoặc nói lên sự thật thì gọi là “phản động”. Họ vẫn coi Mỹ, người thuộc chính thể VN cộng hòa và các nước tư bản là kẻ thù?!
Một số người Việt ở hải ngoại hăm hở hưởng thụ, thậm chí gian lận để được hưởng nhiều hơn từ những phúc lợi của nhà nước tư bản nơi mình đang sống nhưng thờ phụng, sợ hãi, nhất nhất tuân theo sự điều khiển của công an chìm, ngành tuyên giáo và lãnh đạo của nhà độc tài CS VN, xun xoe với quan chức dù sau lưng vẫn chửi thầm những kẻ đó là lưu manh và trộm cướp công quỹ!
Nhiều người làm thế chỉ để tự an ủi rằng mình có chút quyền lực, bù lại những năm tháng vô danh nơi xứ người…Nhìn chung, theo như người ta nói, là để giải quyết khâu “oai”…
Vì thế, nhiều nhà báo đã im lặng trước những “bữa tiệc” thông tin bày ra trước mắt báo chí. Họ đã bỏ qua những cơ hội làm cho tờ bảo của mình trưởng thành nhanh chóng và thu hút được đông đảo bạn đọc. Nếu là một nhà báo hiểu được bổn phận và có nghiệp vụ, họ sẽ nồng nhiệt hành động theo đúng bổn phận.
Vì sao người VN chúng ta khốn khổ vậy, lại cứ thích làm nô lệ? Vì sao có những người dù sống ở đây đã mấy chục năm nhưng lại một mực tuân theo định hướng của đảng và ngành tuyên giáo, một mực bảo vệ cho “ta”, cái gì dở của “ ta” thì một mực che đậy, biện hộ chống chế hoặc im lặng coi như không có chuyện gì xẩy ra…
Sự thật, Luật tối thượng:
Thực sự không đơn giản để làm được một nhà báo. Nghề báo là nghề nguy hiểm. Vậy nếu bạn đừng theo nó, khi bạn không dám dấn thân.
Ngoài kia có nhiều người vẫn mê nó dù biết có thể sẽ thiệt hại nhưng họ vui chịu. Nhưng khi bạn “treo biển” rằng tôi đang làm báo đây, nghĩa là từ phút ấy bạn đã bước ra chào cộng đồng với một tư cách khác và bạn đã là “hoàng đế” của chính trang báo của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về nó, bạn đọc có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở bạn về việc cung cấp sự thật và những điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của họ trên trang báo mà bạn đã mở ra.
Trang báo của bạn thế nào? Lộng lẫy nguy nga lâu đài trí tuệ ? Với những nội thất của lương tri và kiến thức, của một người hướng theo tư tưởng nhân văn và cải cách xã hội, hướng thiện? Bàn thờ của cung điện ấy mang biểu tượng nào?
Với năng lực hành nghề báo chí ở tầm thấp so với thế giới ở VN hiện nay nhưng cũng đã đòi hỏi phải đủ tiêu chuẩn tối thiểu về kiến thức và nghiệp vụ. Một người được gọi là nhà báo và cấp thẻ hành nghề chính thức phải kinh qua hoạt động viết báo chuyên nghiệp tại một tòa soạn báo ít nhất 3 năm, có trình độ chuyên môn và thực hành về nghiệp vụ báo chí. Những người mới tốt nghiệp cử nhân văn chương, báo chí được tuyển vào tòa soạn mà chưa đủ thời gian thực tập hành nghề tối thiểu thì chỉ được gọi đại loại là “trợ lý phóng viên”.
Nếu bạn là nhà báo, bạn phải rành chuyên môn và nghiệp vụ báo chí. Nếu chưa có, trong một thời gian ngắn, bạn phải học và rèn luyện. Việc yêu cầu chuẩn hóa nhà báo là để hạn chế xẩy ta việc nhà báo lạm dụng nó vào những việc trái lương tâm và để không bị vô tình phạm pháp, trong đó có luật bản quyền.
Khi một người mở ra một trang cá nhân trên mạng Internet và gọi đó là báo, tự phong cho mình chức Tổng Biên tập, là người đó cam kết trách nhiệm với cộng đồng và đương nhiên phải tuân thủ những quy tắc và tiêu chí cơ bản của nghề làm báo.
Mỗi trang báo, dù ai đã mở ra, bắt buộc phải thờ Luật tối thượng của nghề nhà báo.
Luật này đã được đúc kết trong câu nói của phóng viên – tác giả hai lần đoạt giải Pulitzer của Mỹ và là một trong những phóng viên, tác giả nổi tiếng hàng đầu thế giới Walter Lippmann: “Trong báo chí, nói ra sự thật là Luật Tối thượng”. (https://www.elle.vn/quan-diem-cong-dong/nhung-cau-noi-hay-ve-nghe-bao-nhan-ngay-bao-chi-vn ).
“Mỗi nhà báo phải là một Lục Vân Tiên”. “Nhà báo phải chấm bút vào nỗi đau của đồng loại”.Bạn đọc VN luôn đòi hỏi điều đó ở nhà báo..
Vì nếu bạn không thờ sự thật – điều tối thượng, thì trang báo của bạn, với bao nhiêu lời tự phong tặng và trang hoàng cũng uổng công, rốt cục cũng chỉ là hoàng đế trong truyền thuyết, trên áo bào mũ mão hào nhoáng nhưng ở dưới lại cởi truồng./.
Võ Thị Hảo – Thoibao.de
>> Nước Đức đã đào tạo những người bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
>> Bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội hỗ trợ mật vụ Việt Nam bắt cóc TXT tại Đức
>> Đại sứ quán Đức tại Hà Nội từ chối cấp Visa cho lao động Việt Nam sang học nghề điều dưỡng