Thăm Đồng Xuân Center – Cảm tưởng như Việt Nam ở Đông Berlin

Thăm Đồng Xuân Center ở Berlin, bạn có thể ăn phở Việt Nam, mua hoa nhựa và nghe kể về lịch sử CHDC Đức. Đây là một địa điểm đặc biệt. Khoảng 1.500 người Việt Nam làm việc ở Lichtenberg và khắc đậm dấu ấn của mình lên quận này với trung tâm thương mại.

Nguyễn Nam Thắng nhanh nhẹn đưa kéo tỉa tóc sau gáy. Kiểu tóc húi cua đã gần xong. Nhưng lần này không phải là kiểu tóc có hình uốn lượn như tờ tranh quảng cáo treo trên cửa hiệu cắt tóc ở Halle 8. Khách hàng sẽ phải trả bảy Euro. Thắng là một trong những thợ cắt tóc được ưa chuộng nhất trong Đồng Xuân Center ở quận Lichtenberg. Anh nhanh nhẹn, tác phong thoải mái và lấy giá rẻ. Anh tự quảng bá bằng tiếng Việt: „Và đến với tôi không cần phải đặt lịch“.

Bên cạnh Thắng còn có khoảng 1.500 người Việt Nam làm việc trong Đồng Xuân Center ở miền Đông Berlin. Tám khu nhà được xây dựng đơn giản, không trang điểm ở khu vực này không chỉ là một trung tâm thương mại lớn tấp nập, nơi mọi người đến để săn đồ giá rẻ, mua thực phẩm châu Á, xăm người với giá 30 Euro, làm móng tay và cắt tóc, làm đầu với giá rẻ, hoặc là ăn một bát phở chính hiệu ở một trong những nhà hàng ở đây. Trung tâm Đồng Xuân còn là điểm gặp gỡ, sinh hoạt xã hội của cộng đồng người Việt ở thủ đô. Những ai tham gia Tour hướng dẫn du lịch ở đây có thể học hỏi được nhiều điều.

Nguyễn Hữu Minh, hướng dẫn viên ở khu vực rộng 165.000 mét vuông này từ năm 2016 cho biết: „Lịch sử của người Việt Nam ở Berlin gắn bó mật thiết với lịch sử của Trung tâm này“. Vào thời CHDC Đức, đây là trụ sở của Xí nghiệp quốc doanh Than điện (VEB Elektrokohle) mà chứng tích là khu nhà cổ bằng gạch nung, trước đó do tập đoàn Siemens & Halske sử dụng. Minh, một người Việt Nam là một phần của lịch sử này. Anh sinh viên sinh năm 1988 ở Hà Nội này đón khách ngay sau cổng vào trung tâm ở Herzbergstrasse. Anh chỉ tay vào hai khu nhà bằng gạch nung đổ nát, cửa sổ xập xệ và giải thích: „Nơi đây sẽ được xây dựng thành một nhà văn hóa Việt Nam“. Nhà văn hóa này sẽ được sử dụng để tổ chức hội chợ, triển lãm nghệ thuật, hòa nhạc và đám cưới. Tháng 9/2017, khách sạn mới „H24 Hotel Berlin Lichtenberg“ trong khu nhà được xây dựng bằng gạch nung, vốn là khu nhà đặt các phòng thí nghiệm đã được khai trương. Halle 9 đang được xây dựng. Dự kiến, một nhà máy sản xuất bánh phở cũng được hình thành để không cần phải nhập bánh phở cho món phở nổi tiếng từ Việt Nam nữa. Người ta có thể thưởng thức món ăn dân tộc của Việt Nam này ở Đồng Xuân Center theo đúng nguyên bản có lẽ hơn bất kỳ một nơi nào khác trên nước Đức.

Các cửa hàng thực phẩm bán hàng hóa từ Việt Nam: Nước mắm, gạo, bánh chưng, hoa quả và rau cải chíp. Minh giải thích: „Rau cải này không phải được nhập khẩu, mà do người Việt trồng ở Séc“. Hai bên của lối đi trong các khu nhà được chiếu sáng bằng đèn Neon là các cửa hàng không có cửa sổ, nhộn nhịp sự sống từ lúc 10 giờ hàng ngày. Không phải tất cả 450 nhà buôn ở đây có nguồn gốc ở Việt Nam, mà trong đó có người Trung Quốc, người Pakistan, người Ấn Độ và một vài người Đức. Hàng hóa tràn ngập trên các giá: Đồ điện tử, quần áo rẻ tiền, đồ chơi bằng nhựa, đồ dùng nhà bếp. Một trong những nhà buôn lớn nhất cho các tiệm Nails ở châu Âu cũng có mặt ở đây. Trong gian hàng lớn của họ sặc mùi hóa chất. Lương Thị Hồng, sinh ra ở Hải Phòng và kiếm tiền từ năm 2005 ở Herzbergstrasse cũng là người buôn bán hoa duy nhất trong Center. Chị Hồng bán hoa giả giống như thật, nhưng có lẽ hơi quá sặc sỡ. Chị nói với các du khách: „Hầu hết khách hàng là người Đức“ và loại hoa được ưa chuộng nhất là hoa Phong Lan.

Người Việt Nam và hoa: Đó là một câu chuyện đặc biệt. Khi CHDC Đức sụp đổ, nhiều công nhân hiệp định đã phải hành nghề tự lập với việc bán hoa. Bởi vì đột nhiên, hàng chục nghìn người trong số công nhân này trở nên thất nghiệp phải ra đứng đường. Họ đến từ Mosambik, Kuba và Angola, nhưng nhiều nhất là đến từ Việt Nam. Họ là những người nông dân, công nhân đến CHDC Đức để làm việc, học tập trong khuôn khổ cái gọi là viện trợ anh em XHCN. Cha của Minh cũng tới Berlin với tư cách là công nhân theo hiệp định. Mặc dù đồng Mark CHDC Đức có yếu, nhưng vẫn hấp dẫn về mặt tài chính, tuy vậy họ sống cũng thiếu thốn. Ông phải làm việc theo ca trong xí nghiệp quốc doanh TT Bahnen ở Landberger Allee, Berlin. Ông phải tới CHDC Đức một mình, không được mang gia đình theo và dự kiến sau năm năm, các công nhân lại trở về quê hương, không mong hội nhập.

Cả ông Nguyễn Văn Hiền, người mà năm 2003 đã mua lại khu nhà máy cũ ở Herzbergstrasse và thành lập Đồng Xuân Center cũng là một người trong số đó. Sau khi nước Đức thống nhất, ông buôn hàng từ Ba Lan. Nhằm tránh phải đi lại, ông nảy ra ý nghĩa xây dựng một khu chợ bán buôn, đó là Đồng Xuân Center, được ông ta đặt tên theo một khu chợ nổi tiếng cùng tên ở Hà Nội. Trước đây, các công nhân hiệp định sống biệt lập ở các khu chung cư, chỉ được học tiếng Đức với trình độ cơ bản nên không thể hội nhập. Sau khi nước Đức thống nhất, CHLB Đức đề nghị bồi thường cho mỗi người trong tổng số 60.000 người Việt Nam 3.000 D-Mark, nếu họ hồi hương.

Hướng dẫn viên Minh, người nói trôi chảy tiếng Đức cho biết: „Việc đó tác động cho tới tận bây giờ“. Đối với những người tiếng Đức kém, cho dù đã ở Đức lâu rồi, thì họ có thể sử dụng dịch vụ của các luật sư, trường dạy lái xe hoặc tư vấn thuế… trong khu văn phòng của xí nghiệp quốc doanh trước đây.

Cha của Minh từ chối nhận 3000 D-Mark và đưa gia đình sang Đức năm 1991. Ông không mở cửa hàng hoa hay cửa hàng ăn nhanh. Ông cũng không buôn bán thuốc lá lậu để kiếm sống như nhiều người Việt Nam khác, mà trở thành người buôn bán quần áo ở các chợ phiên. Giờ đây, ông vẫn cùng vợ vào Đồng Xuân Center để mua hàng về bán lại.

Khi kết thúc Tour hướng dẫn, Minh mời các vị khách vào một trong những khu lều được xây thêm có sưởi của một nhà hàng, chỉ tay vào một bản thực đơn và nói: „Các ông, bà còn phải thử món này“, đó là món cà phê Việt Nam với sữa đặc có đường hoặc có thể chọn cà phê đá với giá 3,5 Euro, một sự thưởng thức đúng hương vị Việt Nam, nhưng có lẽ khá đắt so với những món khác ở Đồng Xuân Center.

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)

https://www.n-tv.de/reise/Vietnam-Feeling-im-Osten-Berlins-article20238212.html

—–